Những hạt bụi hạnh phúc

Khai mạc triển lãm “Bụi”
Khai mạc triển lãm “Bụi”
TP - Hơn 30 bức tranh sơn mài cùng mang tên “Bụi”, như chất chứa những suy ngẫm của Nguyễn Xuân Lục về sự vô định của kiếp người và vô thường của dòng đời.

Cuộc chơi với “Bụi”

“Bụi” là triển lãm cá nhân đầu tiên của Nguyễn Xuân Lục sau 8 năm anh đến với nghiệp vẽ. Khi tưng bừng tươi sáng, lúc u trầm bí hiểm, chỗ mênh mang bao la, lại có cả những thẳm sâu vô định… Gam màu huyền ảo trong tranh sơn mài của Nguyễn Xuân Lục khiến người xem phải đứng lại thật lâu trước những bức tranh của anh.

Những hạt bụi hạnh phúc ảnh 1 Họa sĩ Nguyễn Xuân Lục Ảnh: Vân Anh

“Trong từng ngày, ngắm nhìn đời sống quanh mình, tôi nhận thấy con người trôi theo dòng đời chẳng khác là bao so với những hạt bụi trôi nổi trong không gian vô định của cuộc sống. Con người và vạn vật trong vũ trụ hiển hiện giống nhau đến lạ lùng. Mọi thứ đều biến chuyển không ngừng. Mọi thứ đều vô thường”, Nguyễn Xuân Lục nói, chính sự cô đơn trong nội tâm giúp mình tập trung sáng tác.

Năm 2015, Lục bắt đầu vẽ hai tác phẩm đầu tiên thuộc series “Bụi” nhưng phải đến khi anh hoàn thành bức tranh “Bụi trong không gian” năm 2016 (tác phẩm đạt giải 3 Festival Mỹ thuật Trẻ Toàn quốc tại VCCA, 2017) thì ý tưởng về một triển lãm “ra tấm ra món” mới được hình thành. Suốt 3 năm ròng rã, anh vẽ miệt mài.

Hỏi Lục sau 3 năm “ăn ở” với Bụi, đã chán chưa. Lục tủm tỉm: Đang độ sung mãn, mặn nồng lắm. “Tôi cũng không định thay đổi cách thể hiện, mà sẽ hướng tới thay đổi trạng thái cảm xúc trong tác phẩm. Cùng một đề tài, tôi sẽ tìm nhiều góc nhìn hơn, với nhiều trạng thái cảm xúc hơn”, anh nói.

“Tự kỷ” với sơn ta

Nguyễn Xuân Lục sinh năm 1983 tại thôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên (tỉnh Hà Tây cũ). Xã Chuyên Mỹ có nghề khảm trai, sơn mài. Thanh niên ở đây biết làm nghề từ trong máu. Nguyễn Xuân Lục thi vào Khoa Sơn Mài - Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội để học hành bài bản, được cả làng kỳ vọng mai này sẽ về… mở công ty, làm ông chủ lớn.

Sau khi tốt nghiệp, Lục cũng đã thử đi làm thiết kế và quản lý sản xuất tại một công ty xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ để tích lũy kinh nghiệm về mở xưởng. Tuy nhiên, sau 4 năm lăn lộn, anh thấy mình đặc biệt không thích hợp với việc “bắt con số đẻ ra con số”. Cuối năm 2010, Lục quyết định nghỉ việc, ở nhà vẽ tranh.

Những hạt bụi hạnh phúc ảnh 2 Một tác phẩm trong triển lãm

Trước khi tổ chức triển lãm cá nhân “Bụi”, chàng hoạ sĩ 8X đã tham gia 17 triển lãm nhóm chỉ với tranh sơn mài khắp trong ngoài nước. Nói về mối duyên của Nguyễn Xuân Lục với sơn mài, hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn (Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) nhận định: “Gọi ra được một câu chuyện khác cho sơn mài Việt đương đại, Nguyễn Xuân Lục thâm trầm mà tươi mới với một đĩa màu riêng. Anh vẽ như buông theo ngọn gió siêu hình thoắt ẩn thoắt hiện trên mặt vóc”.

Cách của Lục là không phác thảo trước. Khi vẽ, anh vin theo sự ngẫu nhiên của sơn mài để phát triển tác phẩm cho đến khi hoàn thiện.

Không bí ẩn khó hiểu như tranh, nom Lục ở ngoài giống anh giáo làng chân chất, thuần phác. Mấy cuộc nhậu của cánh hoạ sĩ miền Bắc hiếm khi thấy anh. Hầu hết thời gian, Lục “bế quan luyện công” ở xưởng vẽ. Tỷ dụ có ra ngoài, thường cũng là để đi kiếm thêm nguyên liệu, vật dụng vẽ. Lục kỹ tính đến mức đã 3 lần phải trì hoãn đưa “Bụi” ra công chúng, vì tự thấy vẫn còn nhiều khiếm khuyết cần phải bổ sung, hoàn thiện. Thậm chí, để tập trung toàn lực cho việc vẽ tranh, Lục đã quyết định xin nghỉ công việc giảng viên khoa Sơn mài của trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội vào hồi đầu năm ngoái.

Trong xưởng vẽ chỉ hơn 10m2, tại căn nhà nhỏ nằm khiêm nhường trong con ngõ ở Tây Mỗ, mỗi ngày, Nguyễn Xuân Lục đóng cửa cặm cụi với màu, với vóc. Bỏ lại thế giới ồn ào bên ngoài để “tự kỷ” với sơn mài, với vũ trụ của riêng mình. Hồi mới bắt đầu vẽ, Lục hay vẽ trẻ em, thiếu nữ, áo dài, những thứ đèm đẹp, dễ bán. Sau 1 năm, anh bán hết 11/14 bức tranh trong một triển lãm nhóm ở Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM (năm 2011). Nhưng về sau, Nguyễn Xuân Lục bén duyên với Bụi. Sự thay đổi này khiến Lục nghèo đi, vì tranh trở nên kén khách. Nhưng chàng hoạ sĩ 8X lại được làm những thứ mình muốn và được sống như một “hạt bụi hạnh phúc”.

Triển lãm “Bụi” kéo dài đến hết ngày 18/3, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

MỚI - NÓNG