Những hiện tượng độc đáo làng văn nghệ năm 2013

Đạo diễn Lê Hoàng làm mẫu ảnh.
Đạo diễn Lê Hoàng làm mẫu ảnh.
Đủ các cung bậc ái - ố - hỉ - nộ, đời sống văn nghệ Việt Nam lại đi qua một năm với rất nhiều sự kiện, dù không có sự kiện gây kinh ngạc cỡ như đoạt giải… Nobel văn chương nhưng chẳng vì thế mà trở nên nhạt nhòa.

Trái lại, bằng một cái nhìn thiện chí, ta có thể nhận ra nhiều dấu ấn. Cùng ngẫm lại những câu chuyện nho nhỏ nhưng ẩn giấu những niềm vui dưới đây giống như ta nhấp một ngụm trà ngon đón đợi xuân về...

"Được mùa"… đĩa than

Là một trong những phương tiện ghi âm khởi đầu của lịch sử âm nhạc, đĩa than từng rất phổ biến tại Việt Nam vào thập niên 60 của thế kỷ trước.

Năm 2013, "tín đồ" của đĩa than có dịp chứng kiến cuộc "trở về" khá ngoạn mục khi Hãng phim Trẻ, Công ty truyền thông nhạc và phim Giao hưởng xanh - MFC Star Group phối hợp sản xuất và phát hành dự án đĩa than. Ba album đầu tiên đã được đưa ra thị trường, là những đĩa than có nội dung thuần Việt: "Vinh quang Việt Nam" (do nghệ sĩ Hồng Vy, Trần Mạnh Hùng và dàn nhạc giao hưởng thể hiện), "Mùa thu không trở lại" (NSND Lê Dung), "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa" (các ca sĩ Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thùy Dung, Thu Hà...)

Ngoài ra còn phải kể đến việc nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cũng bất ngờ được cầm trên tay đĩa than ở tuổi 90, mang tựa đề "Lặng lẽ tiếng dương cầm".

Đĩa này do Music Faces Entertainment cùng Gia Định Audio phối hợp thực hiện, như một món quà tặng nhạc sĩ vì những cống hiến của ông. 10 bài với sự tham gia của 5 ca sĩ: Hương Giang, Nguyên Thảo, Diệu Hiền, Trọng Bắc và Thụy Long.

Những bài hát trong album này đều đã có một đời sống rất dài trong lòng công chúng như "Tình khúc chiều mưa", "Cô đơn", "Ai đưa em về", "Buồn ơi chào mi"…

"Lặng lẽ tiếng dương cầm" chỉ phát hành 1.600 đĩa, trong đó có 100 đĩa mang số thứ tự 0000 dùng làm tặng phẩm, 1.500 sản phẩm thương mại được đánh số thứ tự từ 0001 đến 1500, giá bán trên thị trường là 900 nghìn đồng/ đĩa.

Sự trở lại của đĩa than là tín hiệu lành mạnh cho những người sành nhạc, dù bây giờ số người này không nhiều, và giá thành mỗi chiếc đĩa than cũng còn khá đắt, dao động từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng/ đĩa.

Thơ ca đến gần hơn với công chúng

Dù kinh tế tiếp tục suy thoái sâu, nhưng trong 2013 vẫn có hàng ngàn tập thơ được xuất bản. Đặc biệt, những hiện tượng thơ xuất hiện trong năm qua cho ta các giác thơ ca… trúng mùa.

Tin mới nhất: tập thơ "Những lớp sóng ngôn từ" của Mã Giang Lân được trao giải chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam, khiến nhiều người lạc quan, ít nhất là năm qua có một tập thơ được đứng vào cái ô mà nhiều năm từng phải bỏ trống.

Những hiện tượng độc đáo làng văn nghệ năm 2013 ảnh 1

Nhà thơ Hồng Thanh Quang đọc thơ trong chương trình nghệ thuật "Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em". Ảnh: Công an Nhân dân

Nếu "Những lớp sóng ngôn từ" đĩnh đạc trong giải thưởng mà đến tay độc giả rất ít - thậm chí chỉ khi xướng tên trên danh mục được giải thì nhiều người mới biết - thì tập thơ "Đi qua thương nhớ" của cây bút trẻ Nguyễn Phong Việt lại là một hiện tượng thơ không thể không nhắc tới trong năm 2013.

Ngay từ những ngày đầu năm, tập thơ mỏng, khổ vuông, do NXB Văn học và Phương Đông Books ấn hành đã nhanh chóng lập nên kỳ tích, khi đợt in đầu tiên 3.000 cuốn đã bán hết trong khoảng 10 ngày.

Và trong năm qua, tập thơ này đã cán đích với 30.000 cuốn đã được thị trường tiêu thụ. Mới đây, Nguyễn Phong Việt tiếp tục cho ra mắt tập 2, với tựa đề "Từ yêu đến thương", tuy chưa "gây sốt" như tập 1 nhưng khoảng 5.000 cuốn cũng đã được đưa ra thị trường.

Bên cạnh đó, với hai tập "Nỗi buồn tốc ký" (NXB Hội Nhà văn), nhà thơ - Đại tá Hồng Thanh Quang, Phó tổng biên tập Báo CAND lại thết đãi công chúng một bữa tiệc nghệ thuật mãn nhãn.

Hai tập thơ dày gần 1.000 trang, được họa sĩ Văn Sáng thiết kế mỹ thuật rất độc đáo, giới thiệu gần 800 thi phẩm của tác giả, gần một nửa trong số đó được viết trong thời gian gần đây, và nhiều bài trong số đó được viết trực tiếp trên mạng xã hội facebook. Nhưng "cuộc chơi với nghệ thuật" của thi sĩ Hồng Thanh Quang còn chưa dừng lại ở việc in ấn đẹp hai tập thơ của mình.

Anh còn mang tới cho khán thính giả một chương trình nghệ thuật độc đáo, mang tên "Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em" vào đêm 7/11/2013 tại Nhà Hát Lớn Hà Nội.

Suốt hai tiếng đồng hồ, thơ ca được tôn vinh bằng âm nhạc của nhạc sĩ Phú Quang, đồng thời được nhiều nghệ sĩ thể hiện qua việc ngâm thơ và trình bày ca khúc như NSND Lê Khanh, nghệ sĩ Minh Vượng; NSƯT Quang Lý, NSƯT Thanh Lam, NSƯT Ngọc Khang, và các ca sĩ: Tấn Minh, Tuấn Hiệp, Đàm Vĩnh Hưng…

Ngoài ra, nhà thơ Đoàn Ngọc Thu cũng góp vào sự khởi sắc của thơ ca 2013 bằng tập thơ "Vé một lượt" (NXB Hội Nhà văn) vừa ra mắt trong những ngày Hà Nội cuối năm rất lạnh. Ở tập này, tác giả đã tôn vinh thơ bằng cách trình bày tập sách rất đẹp, bắt mắt, với minh họa của họa sĩ Lê Thiết Cương.

Từ những hiện tượng trên, cho chúng ta một góc nhìn về một năm thơ khởi sắc. Và với những nỗ lực cho thi ca mà các tác giả đã tạo được dấu ấn như vừa kể trên, cũng là cách để độc giả gần hơn với thơ, hoặc cũng chứng tỏ được rằng, độc giả ngày nay không hẳn đã quay lưng với thi ca.

Triển lãm ảnh đầu tiên tại Việt Nam chụp từ… điện thoại

Không có con số thống kê chính thức về những triển lãm ảnh đã được tổ chức trên khắp dải đất chữ S này trong năm 2013. Tuy vậy, nhiều người nhớ tới cuộc triển lãm ảnh đầu tiên được chụp từ điện thoại đã được tổ chức vào lúc 9h ngày 20/12/2013, tại 39 Phạm Ngọc Thạch, Tp HCM. Đó là triển lãm của phóng viên ảnh Trần Việt Đức với tên gọi "Việt Nam qua những góc nhìn camera phone".

Những hiện tượng độc đáo làng văn nghệ năm 2013 ảnh 2

Quang cảnh buổi triễn lãm ảnh chụp bằng điện thoại của Trần Việt Đức.

 Chọn từ hàng ngàn cú bấm máy ra 80 tác phẩm, Trần Việt Đức đã đưa người xem chiêm ngưỡng những góc nhìn về phong cảnh thiên nhiên, cuộc sống đường phố cho tới chân dung nhân vật trong đời thường.

Tất cả đều được chụp bởi camera điện thoại, kết hợp với những phần mềm chỉnh sửa trên đó như Instagram, Hipsmatic hay Panorama để truyền tải đến người xem những góc nhìn rất thú vị.

Qua triển lãm này Trần Việt Đức muốn "tiếp cận các chủ đề thân thiện, gần và nhanh hơn, tạo ra những khoảnh khắc bất ngờ mà máy ảnh chuyên nghiệp thường chỉ có thể chụp từ xa hoặc chụp trộm" và không nhất thiết phải có những thiết bị chụp ảnh đắt tiền mới chụp được, bởi "nghệ thuật đời sống vô cùng giản dị và ngay trong tầm tay của mọi người".

Đạo diễn Lê Hoàng làm… người mẫu

Đạo diễn Lê Hoàng viết báo, làm MC, làm khách mời, làm cố vấn, thậm chí…vào bếp có lẽ giờ cũng không còn lạ với nhiều người. Nhưng năm 2013 này, nhiều khán giả đã hết sức bất ngờ trước việc anh làm người mẫu ảnh.

Những hiện tượng độc đáo làng văn nghệ năm 2013 ảnh 3

Đạo diễn Lê Hoàng làm mẫu ảnh

Vốn tự tin về vẻ đẹp trai của mình, đạo diễn Lê Hoàng "dõng dạc" mặc áo the khăn đóng sánh bước cũng ca sĩ - người mẫu Hồ Ngọc Hà. Bộ ảnh được chụp trong một ngôi chùa ở trung tâm Sài Gòn, với khói hương nghi ngút. Sau đó, Lê Hoàng còn nhập vai… thầy bói "xem số" cho Hồ Ngọc Hà.

Đó cũng là "vai diễn" rất ngẫu hứng và rất… thành công của Lê Hoàng, góp thêm gia vị cho DVD Gala Nhạc Việt số 1 với chủ đề Nhạc hội Tết Việt. Trong vai trò người dẫn chương trình, cả hai đã có sự kết hợp ăn ý tạo không khí trò chuyện thú vị cho khán giả xem Nhạc hội Tết Việt.

Theo Nguyễn Thanh - Quỳnh Anh

Theo Công an Nhân dân
MỚI - NÓNG