Những hoang mang tuổi trẻ

Không biết đâu mà lần, truyện dài của Văn Thành Lê, NXB Trẻ 2014
Không biết đâu mà lần, truyện dài của Văn Thành Lê, NXB Trẻ 2014
TP - Nhân vật chính trong Không biết đâu mà lần là “Anh”. Chẳng biết Anh là Anh hay là… anh. Chỉ biết Anh còn trẻ, Anh mới ra trường, Anh hoang mang trước thực tế cử nhân đại học sau bốn năm dùi cái này mài cái kia, rồi ở nhà “đi ra đuổi con gà, đi vào đá con chó, đi ngang nhăn nhó với con mèo”. Thế là Anh đi, Anh đi vì tuổi trẻ thôi thúc, Anh đi vì đó là nơi có công việc đang đợi chờ, Anh còn đi vì lý do gì nữa, chắc chỉ mình Anh biết.

Chuyến đi dài đưa Anh đến vùng ngoại thành, giữa những cánh đồng rau xanh mơn mởn không biết xanh tự nhiên hay xanh vì thuốc kích thích, có ngôi trường, và anh sẽ là thầy giáo ở ngôi trường ấy. Chẳng biết Anh có yêu công việc anh đang làm hay không, chẳng biết Anh có thấy bằng lòng không, cũng chẳng biết đấy có phải là cuộc đời mà Anh mơ ước hay không, chỉ biết lúc nào anh cũng giơ hai tay lên trời mà thốt: “Không biết đâu mà lần”.

“Không biết đâu mà lần” không đơn thuần chỉ là tên sách, càng không đơn giản chỉ là câu cửa miệng của nhân vật, mà nó là âm hưởng chung của cả thế hệ những người trẻ như anh, không, đó là âm hưởng của mọi thế hệ bất kể lão ấu khi đi qua tuổi trẻ.?

Tuổi trẻ ấy là những tháng ngày hừng hực khí thế và háo hức với cuộc đời, khi ta nghĩ trong tay mình là sức mạnh đủ để xoay chuyển cả thế giới. Ta hùng dũng bước đi, và rồi vấp phải cục đá trên đường. Lồm cồm bò dậy, xoa xoa cái cằm tím cái đầu gối đau, ta quay lưng lại tìm cục đá đã làm mình ngã, và thấy may mắn vì mới chỉ vấp phải nó, chứ chưa bị nó đè bẹp.

Câu chuyện trong Không biết đâu mà lần cũng na ná như thế, cũng bẽ bàng và nhiều tổn thương như thế. Nó là câu chuyện thường thấy, thậm chí nhan nhản, nhiều như rau dưa cá thịt bày bán ngoài chợ, của những cô cậu cử nhân ra trường và ngơ ngác đặt câu hỏi: đời rồi sẽ đi về đâu? Đi về đâu không biết là bởi ngay từ đầu đã chọn sai đường đi, hay bởi gặp cảnh ngăn sông cấm chợ? Đúng thật, không biết đâu mà lần.

Không biết đâu mà lần là câu chuyện giễu nhại ngành giáo dục. Cũng đúng. Nói nó là câu chuyện về thứ tuổi trẻ bị “ngược đãi”, chuyện về những nam thanh nữ tú quờ quạng mò mẫm tìm lối đi cho cuộc đời cũng không vừa. Cuốn sách là tất cả của những thứ ấy, lồng ghép vào nhau, tự “làm khổ” nhau. Khổ mà không khóc được, chỉ thấy buồn cười. Thật, không biết đâu mà lần.

Xét về mặt ngôn ngữ, cuốn sách này tiếp tục là một trò chơi chữ nghĩa của Văn Thành Lê, khi anh cố gắng viết ra những câu, tạo ra những ý tứ dài ngoằn ngoèo tựa trò rắn săn mồi vốn một thuở làm mưa gió trên những chiếc điện thoại màn hình đen trắng của thập kỷ trước. Một câu văn có thể diễn đạt trong mười từ, nhưng đó không phải kiểu viết của Văn Thành Lê. Anh sẽ thêm thắt, nêm nếm, thậm chí là nhồi nhét từ ngữ, ý tứ vào câu văn ấy sao cho nó phải dài gấp đôi, gấp ba… Ấy thế mà sự dài dòng cố ý đấy lại trở thành nét duyên dáng, thành một dạng dấu hiệu nhận biết của Văn Thành Lê. Khi đọc thấy vui vui, đọc xong lại thấy… nhơ nhớ. Nhơ nhớ rồi thì phì cười vì không hiểu sao một câu văn lại có thể có nhiều thứ trong đó như vậy, y như cái bánh mỳ pa tê trứng chả ruốc. Đọc văn mà tưởng như đang ăn bánh mỳ, cắn ngập răng, vừa no cái bụng vừa sướng cái miệng. Nhưng trong lòng thì có tí gì buồn man mác.

Chẳng hiểu từ bao giờ những người già, những người đã trải qua cả nửa cuộc đời với vô vàn kinh nghiệm đúc rút được lại không phải nơi để những người đi sau đặt niềm tin hay kính trọng. Họ trở thành đối tượng để chê bai, để đả kích, để nghi ngờ và thậm chí là ghét bỏ. Nên trách ai? Trách những người trẻ non nớt kinh nghiệm là thiếu hụt niềm tin, hay trách những vị lão làng kia, thay vì giúp đỡ những người đã từng một thời hoang mang giống mình thì lại coi chúng như đàn cừu béo để một tay mình thao túng. Kinh nghiệm sống giờ không hẳn là tri thức, nó đã trở thành một thứ vũ khí để “đàn áp” những kẻ vẫn còn vô vàn ngơ ngác với cuộc đời.

Thật, không biết đâu mà lần!

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.