Những ngày Then ở thành Tuyên

Hát tặng bạn câu Then tại Bắc Kạn. Ảnh: Đỗ Huyền.
Hát tặng bạn câu Then tại Bắc Kạn. Ảnh: Đỗ Huyền.
TP - Nghệ nhân Then, các chuyên gia trong và ngoài nước tụ hội trong ba ngày Liên hoan nghệ thuật hát Then - đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ 5, kết hợp lễ hội thành Tuyên.

Bảy hoạt động chính của liên hoan kéo dài từ 24-26/9, theo thông báo của ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang tại họp báo sáng 15/9. Lễ khai mạc diễn ra tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang lúc 20h tối 25/9. Nghệ nhân, diễn viên các tỉnh giới thiệu các thể loại hát, múa Then, đàn Tính trong hai ngày 25 và 26/9 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Tuyên Quang. Triển lãm “Di sản văn hóa Then Tày, Nùng, Thái Việt Nam”, giới thiệu các hiện vật, sản phẩm về nghệ thuật hát Then, đàn Tính.

Chuỗi hoạt động có điểm nhấn quan trọng là hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”. Hội chợ Nông nghiệp và Thương mại vùng Tây Bắc giới thiệu sản phẩm nông nghiệp 26 tỉnh thành. Đêm hội thành Tuyên  nằm trong những ngày Then, theo giải thích của lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang-muốn gắn kết nhiều sự kiện, tránh tổ chức quá nhiều sự kiện riêng lẻ.

Ba năm trước tại liên hoan ở Lạng Sơn cũng có hội thảo về Then nhưng mới dừng ở tầm quốc gia. Bộ VH-TT&DL cho biết hội thảo quốc tế lần này nhằm hoàn thiện hồ sơ Di sản Then để trình UNESCO năm 2016. Đại diện Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam - đơn vị chủ trì hồ sơ Then - cho biết, Việt Nam có nhiều di sản được UNESCO công nhận nhưng duy có Cồng chiêng Tây Nguyên là của đồng bào dân tộc. Di sản Then trình UNESCO lần này là di sản đầu tiên của đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc. “Người Tày, Nùng đi đến đâu Then đi tới đấy”, ông Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc nói.

Ngoài 12 tỉnh tham gia xây dựng hồ sơ Then cùng chuyên gia trong nước, hội thảo này còn đón các chuyên gia Anh, Pháp, Malaysia, Thái Lan. Đặc biệt có những chuyên gia UNESCO chuyên âm nhạc tín ngưỡng các dân tộc Đông Nam Á. “Chúng tôi sẽ mời chuyên gia đến một địa phương của tỉnh Tuyên Quang để xem các thầy Then làm lễ cầu phong cúng vía, chúc thọ các cụ cao niên”, đại diện Học viện Âm nhạc quốc gia nói. Hồ sơ Then mà Việt Nam đăng ký trình UNESCO ở hai loại hình là nghi lễ, lễ hội (tập trung ở các nghi lễ then cổ truyền) và nghệ thuật trình diễn dân gian.

Đơn vị xây dựng hồ sơ hy vọng chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn các loại di sản phi vật thể ở nhiều quốc gia khác. Nhận diện hiện trạng của Then cũng là điều BTC hướng đến. Người phát ngôn Bộ VHTT&DL, ông Phan Đình Tân cho biết, thời gian tới Bộ yêu cầu bổ sung thông tin, hình ảnh để giới thiệu rộng hơn nữa di sản Then đến bạn bè quốc tế, thông qua các dịp xúc tiến, quảng bá hình ảnh, các ngày văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

MỚI - NÓNG