Nở rộ các chương trình văn hoá giải trí cho thiếu nhi dịp 1/6

Kịch, xiếc lại nở rộ dịp Tết thiếu nhi và dịp hè. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH
Kịch, xiếc lại nở rộ dịp Tết thiếu nhi và dịp hè. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH
TP - Kịch, chương trình tạp kỹ, xiếc, múa rối là những món đến hẹn lại lên mỗi dịp Tết Thiếu nhi 1/6, diễn suốt dịp hè.

KỊCH, XIẾC NỞ RỘ

Nhà hát Tuổi trẻ với thương hiệu phục vụ khán giả nhỏ tuổi tung ra ba chương trình, chỉ Sơn Tinh-Thủy Tinh là mới, hai tác phẩm còn lại đều ra mắt năm ngoái: Con chim xanh là vở kịch thần thoại dựng từ kịch bản của nhà văn Bỉ Maurice Maeterlink. Giấc mơ của nàng tiên cá vẫn chương trình quen thuộc tạp kỹ-ca-múa-nhạc-kịch dành cho lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học.

Nhà hát Múa rối Thăng Long ra mắt chương trình tổng hợp Các con là tất cả, kết hợp các loại hình rối nước, rối cạn và hề xiếc cùng với các điệu nhảy hiện đại. Những người làm chương trình đưa nhân vật Tễu dẫn các em nhỏ bước vào thế giới của những nhân vật huyền thoại như rồng, lân, trăn tinh, siêu nhân. Trong số các tiết mục có hài kịch rối Bạch Tuyết, Hoàng hậu và 7 chú lùn với những tình tiết mới-Bạch Tuyết cảm hoá hoàng hậu trở thành người lương thiện.

Liên đoàn Xiếc Việt Nam ra mắt kịch xiếc Cuộc phiêu lưu của chú Tễu, quy tụ khoảng 60 nghệ sỹ trẻ đạt nhiều giải thưởng gần đây trong các kỳ liên hoan quốc tế. Đạo diễn đưa Tễu thành nhân vật chính, vốn thông minh và đam mê khoa học luôn có những giấc mơ trải nghiệm đặc biệt. Mỗi giấc mơ là cuộc phiêu lưu ở những thế giới khác nhau với các cuộc chiến được lồng ghép thông điệp bảo vệ môi trường như ô nhiễm không khí, rác thải nhựa hay nạn phá rừng.

Dù không chuyên phục vụ khán giả nhỏ tuổi, nhưng nhiều đơn vị cũng nhằm dịp này đầu tư chương trình thời vụ. Nhà hát Kịch Việt Nam dựng Anh hùng Sờn Zách về chuyện anh hùng cứu mỹ nhân thời hiện đại. Nhà hát Múa rối Việt Nam diễn Miền đất mới của chú bé rừng xanh để khoe các trò múa rối. Peter và con chó sói là tác phẩm vũ kịch của nhà hát Star Galaxy.

Một số đơn vị như Nhà hát Chèo Hà Nội mọi năm cũng dựng kịch thiếu nhi, năm nay vắng bóng. Cặp nghệ sĩ Xuân Bắc-Tự Long vài mùa hè trở lại đây không còn làm chương trình cho trẻ, dù họ tạo được cái duyên và sự hấp dẫn đáng kể. Tuy thế sân khấu tư nhân Lệ Ngọc mới mở ở Hà Nội mời đạo diễn Singapore Chua Soo Pong dựng Tấm Cám. Vở kịch lấy chất liệu cổ tích Việt Nam nhưng thay đổi nhiều tình tiết để hướng tới sự nhân văn, trong đó ông Bụt thay bằng người mẹ. Vở diễn không chỉ hướng tới thiếu nhi.

Sân khấu Idecaf (TPHCM) lâu nay vẫn đứng đầu bảng về độ chịu đầu tư, giữ vững thương hiệu cho loạt Ngày xửa ngày xưa. Vở Truy tìm Thủy Long kiếm năm nay vẫn thế mạnh của dàn nghệ sĩ Thành Lộc, Hữu Châu, Lê Khánh, Đình Toàn, Hoàng Trinh, Don Nguyễn. Lịch diễn kín đặc gần 30 suất vào các ngày cuối tuần từ nay tới hết tháng 6.

VẪN LOAY HOAY

Những năm gần đây chương trình cho thiếu nhi bớt tính mùa vụ hơn. Phần lớn các đơn vị nghệ thuật nhà nước, tư nhân có uy tín dần hình thành thương hiệu riêng để kéo khán giả. Các chương trình của Nhà hát Tuổi trẻ đều bán kín chỗ trước 1/6, trong đó nhiều vở như Con chim xanh hợp tác với đạo diễn Bỉ dàn dựng. Rạp xiếc Trung ương dịp  này cũng hoạt động hết công suất, do lượng đặt vé từ các cơ quan cho chương trình xiếc mới. Tuy nhiên câu hỏi có gì hấp dẫn cho trẻ dịp hè chưa được giải đáp thoả mãn.

Nhìn vào hầu khắp các vở diễn, chương trình gần đây thấy đều khai thác chất liệu dân gian, cổ tích, hoặc được làm mới bằng cách đưa thêm một số nhân vật hoạt hình thịnh hành gần đây. Sự cố gắng làm mới thể hiện phần nhiều ở ứng dụng kỹ xảo âm thanh, ánh sáng để tăng thêm hiệu ứng cho vở diễn. Một số tác giả khi phóng tác vở diễn thiếu nhi có điều chỉnh một số tình tiết cho phù hợp lứa tuổi, hướng tới sự nhân văn.

“Năm nào tôi cũng cho các con xem các chương trình sân khấu khác nhau. Thấy cách dàn dựng, lựa chọn câu chuyện và chất liệu na ná, các cháu xem tới vở thứ hai kém hào hứng hẳn”, chị Ngọc Nga (Hoàng Mai) nhận xét.

“Thách thức đối với nghệ sĩ sân khấu khi dàn dựng tác phẩm thiếu nhi không nhỏ. Bởi tác phẩm chỉ gói gọn một giờ đồng hồ nhưng vẫn phải vừa kích thích giác quan của các em qua diễn xuất, trang phục lại vừa tác động để trẻ tham gia câu chuyện, tư duy về nội dung”, NSƯT Chí Trung, Quyền Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ phân trần.

Theo phân tích của người hoạt động sân khấu lâu năm, ông Nguyễn Thế Vinh, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chỉ ra rằng sân khấu thiếu nhi dẫu có cải thiện nhưng khó tránh khỏi tính mùa vụ. “Tuy nhiên điều chưa được là thiếu sự đầu tư nghiêm túc từ phía Nhà nước, các đơn vị nghệ thuật lớn. Nhiều chương trình chất lượng chưa cao, đôi khi nhảm nhí”, ông Vinh nói. Nhiều tác giả chuyển thể kịch bản thiếu nhi thừa nhận thực tế hiếm người, lại hiếm của hay, nên sân khấu cho trẻ đôi khi vẫn quẩn quanh, nghèo nàn.

Đạo diễn người Singapore Chua Soo Pong trước khi dàn dựng Tấm Cám có kinh nghiệm dựng kịch thiếu nhi cho Việt Nam (Đám cưới chuột, Con gà trống) nêu cái khó khi dựng vở cho trẻ: “Câu chuyện kể cho thiếu nhi vừa phải dí dỏm, nhiều tình tiết không thật nhưng phải thuyết phục các em tin vào là điều không đơn giản”.

Sân khấu TPHCM ngoài thương hiệu mạnh của Ngày xửa ngày xưa của Idecaf, nhiều đơn vị đua nhau làm chương trình cho trẻ: Thiên thần nhỏ của tôi (Sân khấu Hồng Hạc), Lọ lem truyền kỳ và Tiên hắc ám (Sân khấu Trịnh Kim Chi), Cậu bé rừng xanh (Nhà hát Nghệ thuật phương Nam).

Nở rộ các chương trình văn hoá giải trí cho thiếu nhi dịp 1/6 ảnh 1 Kịch, xiếc lại nở rộ dịp Tết thiếu nhi và dịp hè. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH
MỚI - NÓNG