Nói chuyện địa ngục để răn ác, khuyến thiện

Hai diễn giả của buổi tọa đàm
Hai diễn giả của buổi tọa đàm
TP - Chỉ trong vòng hai giờ sau khi buổi tọa đàm về “Địa ngục trong tâm thế người Việt” kết thúc ở L’espace (Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội), bản livestream đã thu hút 10.000 lượt người xem và con số này vẫn đang tăng lên.

Đây là một kết quả ngoài mong đợi đối với cả ban tổ chức, bởi nói gì thì câu chuyện về địa ngục vẫn khiến nhiều người Việt e ngại.

“Chúng ta đang nói về thứ mà chả ai biết cả”

Mấy tuần trước khi buổi tọa đàm chính thức bắt đầu, trên facebook đã rộn ràng những hội nhóm rủ nhau đi nghe chuyện địa ngục. Buổi tọa đàm này được tổ chức nhân dịp ra mắt bản dịch tác phẩm “Các tầng địa ngục theo Phật giáo” của hai tác giả người Pháp: Léon Riotor và G.Leofanti (Phạm Văn Tuân dịch; Lang Sa hiệu đính; Trần Trọng Dương giới thiệu, NXB Thế Giới và công ty sách Nhã Nam).

Số lượng thanh niên quan tâm khá đông, bên cạnh các nhà nghiên cứu. Đây gần như là lần đầu tiên ở Việt Nam có một buổi tọa đàm mang tính học thuật - nhưng lại dành cho số đông về đề tài “rùng rợn” này.

Nói chuyện địa ngục để răn ác, khuyến thiện ảnh 1 Bìa cuốn sách đang gây chú ý

 Lý giải về sức hút của câu chuyện địa ngục, Tiến sĩ Văn học Mai Anh Tuấn cho rằng: một trong những câu hỏi rất lớn, luôn gặp phải trong đời sống chính là: cái chết liệu có phải là kết thúc, có phải dấu chấm hết cuối cùng của con người hay không? Các tôn giáo, nhìn chung lý giải cái chết chưa phải là hết, mà là khởi đầu cho một hành trình khác. Sau cái chết, con người phải đối mặt với một thế giới khác nữa, một trong những thế giới ấy là các tầng địa ngục. Vấn đề là ai, và người thế nào thì sẽ phải đối diện các tầng địa ngục đó?

Sự bí ẩn, đáng sợ, thói quen tránh né và cả mê tín... khiến nhiều người khi nói đến địa ngục thì vừa sợ, nhưng lại vừa tò mò. “Chúng ta sợ cái chết thế nào, thì cũng e ngại địa ngục thế đó, thậm chí có phần hơn, vì cái chết đôi khi là giải thoát, song không ai nói xuống địa ngục để giải thoát cả. Và bởi vì chưa ai còn sống mà từng kinh qua địa ngục nên nó càng kích phát nhu cầu tìm hiểu của người ta”, Thạc sĩ xã hội học Trần Thùy Trang cho hay.

Tiến sĩ Trần Trọng Dương - nhà nghiên cứu Hán Nôm và cổ sử Việt Nam cũng tiết lộ rằng, khi được công ty Nhã Nam mời viết lời giới thiệu cho cuốn “Địa ngục trong tâm thế người Việt” anh nhận lời ngay bởi “nghe tên cuốn sách đã tò mò, vì mình hoàn toàn không biết gì về vấn đề này”.

Hà Nội từng có cả thị trường tranh về địa ngục

Hai tác giả người Pháp, Léon Riotor (chính trị gia và nhà văn người Pháp, từng là phó chủ tịch Hội đồng Thị chính Paris) và Gaston Léofanti (từng là phóng viên tờ L’Avenir du Tonkin, biên tập viên và thương gia) khi đến Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 đã “phỏng vấn” và nói chuyện với các sư trụ trì ở chùa Báo Ân (đã bị phá, chỉ còn lại tháp Hòa Phong bên bờ Hoàn Kiếm) về “địa ngục” theo Phật giáo. Họ được các nhà sư dùng kiến thức triết học, tôn giáo cùng những truyền thuyết của xứ sở để thuyết minh cặn kẽ các tranh vẽ địa ngục trên tường chùa. Cuốn sách “Các tầng địa ngục theo Phật giáo” do đó được đánh giá là một tư liệu quý ghi chép theo lối khảo tả từ góc nhìn của người phương Tây hơn 130 năm trước, phần nào phản ánh đời sống văn hóa, triết học và tâm linh của người Việt thời kỳ đầu thế kỷ hai mươi, đặc biệt là những gì họ hình dung và tin tưởng vào một thế giới sau cái chết.

Một chia sẻ rất đáng chú ý của Tiến sĩ Trần Trọng Dương là vào đầu thế kỷ 20 ở Hà Nội, cùng với sự phát triển của in ấn, ngay giữa lòng thành phố tồn tại cả một thị trường tranh địa ngục in màu. Khách hàng của các loại tranh này chủ yếu là người bình dân. Họ mua tranh như mua một thứ “điều răn”.

Tiến sĩ Trần Trọng Dương cũng nói thêm, những tưởng tượng về địa ngục hầu hết được hình ảnh hóa và xuất hiện tại các chùa ở dạng điêu khắc, phù điêu, tranh tường ở phía hậu điện. Phù điêu chủ yếu dùng mảnh gỗ to khắc họa cảnh địa ngục. Bức phù điêu lớn nhất về địa ngục hiện nay ở chùa Thầy nhưng là mới làm, bức cổ nhất có từ cuối thế kỷ 18 ở Sài Gòn. Các chùa nổi tiếng như chùa Trăm Gian, chùa Thầy, chùa Vĩnh Nghiêm... đều dùng phương thức mô tả địa ngục bằng điêu khắc.

Nói chuyện địa ngục để răn ác, khuyến thiện ảnh 2 Nhiều khán giả trẻ quan tâm đến “địa ngục”

Vì sao lại trưng bày những hình ảnh đáng sợ về địa ngục ở trong chùa?

Nhớ về quãng thời gian 20 năm điền dã ở các chùa, anh Dương kể: lần đầu tiên nhìn thấy những hình ảnh địa ngục trong chùa thì “giật mình” bởi xưa nay người ta mặc định đi vào chùa (cõi Phật) là để tìm an lành, trong khi thứ mà nhiều người phải đối mặt lại toàn là những hình phạt thảm khốc của mười tám tầng địa ngục từ dùng kìm rút lưỡi, cho diều hâu mổ mắt, cho đến ném vào vạc dầu đang sôi... Những hình ảnh tầng tầng lớp lớp về các tầng địa ngục hiển hiện qua điêu khắc, đồ họa, tranh vẽ, như một cuộc sắp đặt nghệ thuật sống động trong không gian linh thiêng, làm người đi chùa giật mình không hiểu mình đang đi vào Nát Bàn hay xuống Địa Ngục? Vì những băn khoăn đó, vị tiến sĩ đi sâu nghiên cứu về vấn đề này.

Anh tổng kết: Chữ Tâm chính là hình ảnh khái quát của triết học Phật giáo, Phật tại tâm, địa ngục cũng tại tâm. Triết học Phật giáo hướng về cõi hiện tại. Kiếp sau như nào thì do báo ứng của kiếp này.

Như vậy, việc vẽ, mô tả những hình ảnh địa ngục ngay trong hậu điện chùa chính là nhằm mục đích răn ác, khuyến thiện, khiến cho con người biết đến một thế giới mà mình có thể thuộc về, để điều chỉnh lối sống. Công cuộc giáo hóa không đơn thuần chỉ nói về cái thiện, mà phải nói cả hậu quả của cái ác để hướng thiện. Đây là cách đi đến giá trị nhân bản của Phật giáo, tuy rằng cách này tương đối đáng sợ song nó phù hợp với người bình dân, đơn giản, dễ hiểu.

MỚI - NÓNG