Liên hoan ảnh báo chí thế giới:

'Nóng' người nhập cư

Tác phẩm về những người Syria tìm cách trốn qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ đạt giải thưởng trị giá 8 nghìn euro tại “Thị thực cho hình ảnh” lần thứ 27.
Tác phẩm về những người Syria tìm cách trốn qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ đạt giải thưởng trị giá 8 nghìn euro tại “Thị thực cho hình ảnh” lần thứ 27.
TP - Liên hoan ảnh báo chí thế giới của Pháp Visa pour l’image (Thị thực cho hình ảnh) 2015 trở nên gay cấn hơn bởi sự kiện dòng người nhập cư tràn vào châu Âu, nhất là bức ảnh thi thể cậu bé 3 tuổi gây sốc toàn thế giới tuần qua.

Nhà báo Claire Guillot của tờ Le Monde (Pháp) viết: “Chưa bao giờ tại liên hoan ảnh báo chí này, những hình ảnh như muốn nhảy ra khỏi khung. Chưa bao giờ ảnh chiến tranh xa xôi do các phóng viên chiến trường ghi lại có vẻ gần gũi đến vậy. Việc công bố bức ảnh thi thể của cậu bé Aylan 3 tuổi người Syria, nằm úp mặt bên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đột nhiên nhắc tất cả những người tham gia rằng, nạn nhân của những trận ném bom trên những bức ảnh ở Syria hay ở Liban, Hy Lạp hay Italia, thực ra đều kể cùng một câu chuyện. Một câu chuyện ở rất gần chúng ta, câu chuyện của chúng ta”.

Liên hoan ảnh báo chí thế giới của Pháp diễn ra tại Perpignan, miền Nam nước Pháp, kéo dài đến 13/9. Nhân bức ảnh được cho là giúp thế giới mở to mắt kể trên, các nhiếp ảnh gia hâm nóng lại đề tài người nhập cư. Giulio Piscitelli trưng bày những bức ảnh về “Nạn nhập cư và pháo đài châu Âu”. Tác giả dành 4 năm để đi hơn chục nước sáng tác, nói: “Tôi xem ảnh về các thi thể trên bãi biển Libya tuần qua, trong đó có cả trẻ con. Tại sao thế này? Trong hoàn cảnh vấn đề tị nạn tràn lan như hiện nay, một bức ảnh có thể đánh thức lương tri, như thế sẽ tốt hơn”.

Nhiếp ảnh gia Olivier Jobard có quãng thời gian dài theo đuổi đề tài tị nạn nói: “Đảo Kos vốn là nơi tập trung của rất đông nhiếp ảnh gia vào mùa hè, nhưng không ai phản ứng gì, có lẽ do đề tài này quá nhàm rồi chăng”. Olivier dành thời gian dài thể hiện câu chuyện của vấn đề nhập cư thông qua các cá nhân cụ thể. Ông theo 5 đứa trẻ Afghanistan trong suốt 4 tháng và kể lại hành trình đó. Các nhân vật này xuất hiện trong cuốn sách Kotchok của ông. “Ý tưởng của tôi là  tách con người khỏi đám đông và nhận diện họ. Hình ảnh về cậu bé ấy không nghi ngờ gì nữa cho chúng ta thấy hình ảnh một cậu bé cô độc”, ông nói.

Nhiều biên tập viên, nhà nghiên cứu cũng chỉ ra sức mạnh cảm xúc và tính biểu tượng của tấm ảnh này. Olivier Laurent, người điều hành trang web ảnh Lightbox của tạp chí Time, đã chọn tấm ảnh này vào danh sách những bức ảnh có sức ảnh hưởng của năm. “Sức mạnh của tấm ảnh này, là sự ngây thơ toát lên. Đứa trẻ dường như đang ngủ, rõ ràng không có bạo lực xuất hiện. Nhiều người nhìn bức ảnh, họ có cảm giác như có thể là con mình đang nằm ngủ trên giường”.

Có ý kiến cho rằng, việc đăng tải bức ảnh này trên trang nhất nhiều tờ báo là điều gây sốc. Đối với Jean-Francois Leroy, giám đốc Liên hoan ảnh báo chí này, việc công bố là điều không cần bàn cãi. “Bức ảnh không nặng nề, chỉ có sự thật là đáng kinh sợ. Chúng ta nhìn thấy xác những người tị nạn đang phân hủy được chất đầy trong chiếc xe tải, điều đó còn bạo lực hơn. Bức ảnh này là cần thiết”.

Tác giả bài bình luận trên Le Monde kết luận: “Một số người có mặt tại liên hoan liên tưởng bức ảnh cậu bé Aylan với bức Em bé Napal, do Nick Út chụp năm 1972 ở Việt Nam. Tuy nhiên Sophie Batterbury của tờ The Independent (Anh) lại cho rằng, có thể bức ảnh về Aylan Kurdi sẽ trở thành một biểu tượng: Mỗi ngày thêm nhiều bức ảnh ra đời, nhưng ngày càng ít những tấm ảnh mang tính biểu tượng”.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.