NSƯT Lê Chức: Nói dai nhưng... không dại

NSƯT Lê Chức: Nói dai nhưng... không dại
Sinh năm 1947, cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn Bộ VHTT. Đợi 2 năm nữa (tới 2007) thì nhận sổ hưu thì đùng một cái, năm 2005, NSƯT đạo diễn Lê Chức trúng cử BCH Hội Nghệ sĩ sân khấu VN - được phân công Thường vụ, Phó chủ tịch thường trực Hội.

Trúng cử, thế là ông - quý tử của cố nhà thơ Lê Đại Thanh nổi tiếng hào hoa, phiêu lãng của đất cảng Hải Phòng, lục tục dọn ổ từ Cục NTBD 32 Nguyễn Thái Học về cơ quan Hội NSSK 51 Trần Hưng Đạo.

Hà Nội một ngày sau cơn bão số 2 trời gió, nắng bình yên lạ thường. Một người bạn văn có tật háu ăn rủ tôi: Tạt qua 51 thăm ông tân quan Phó chủ tịch Thường trực đi. Trưa nay bọn mình ăn trạc lão ấy một bữa. Tôi hỏi ăn trạc à? Ừ.

Lê Chức vừa ra “tuyên bố”: Bạn bè ai nhỡ bữa trưa cứ ghé vào văn phòng của lão. Lão nuôi cơm rượu đàng hoàng. Cơm xong súc miệng chè thượng hảo hạng/trăm hai ngàn đồng một lạng (giá cũ).

Tôi hỏi: Lão ấy khấu vào tiền tiếp khách của Hội à? Lắc đầu không phải. Đó là tiền công lão vẫn đi đọc lời bình cho các phim tài liệu. Tiền túi của Lê Chức chứ không phải tiền túi của Hội NSSK.

Vừa gõ cửa phòng là đã nghe thấy một giọng hào sảng vui vẻ: Vào đi. Mời vào. NSƯT, đạo diễn Lê Chức nhổm ngay khỏi xa - lông đỏ, tươi cười chìa tay thân thiện đón khách. Mặt như Quan Công Tam Quốc. Tóc trắng. Râu trắng. Lông mày cũng trắng. Cái hình hài bên ngoài của ông là một sự tương phản khá kỳ dị.

Chỉ cần mấy cái thứ lông tóc trăng trắng đó nếu về quê ăn cỗ thì ông được xếp ngay chiếu trên các cụ là cái chắc. Nhưng mà da thịt ông đỏ au căng nhẵn thế kia, ngực nở, bụng to; bắp tay bắp chân lực lưỡng như một đô vật thế kia…

Năm 1987 Lê Chức ở Liên Xô về làm chuyên viên nghệ thuật tại Cục Sân khấu Bộ VH - TT với tấm bằng đỏ đạo diễn sân khấu. Năm 1989 được bổ xuống Phó giám đốc rồi Giám đốc Nhà hát Cải lương Trung ương. 13 năm sau, ông quay về Cục Sân khấu (nay đổi tên là Cục Nghệ thuật biểu diễn) với chức vụ Cục phó phụ trách nghệ thuật.

Ngoài bằng đạo diễn, ông đã kịp tu thêm được 3 bằng nữa, trong đó tất nhiên không thể thiếu bằng: Chính trị cao cấp Học viện Nguyễn ái Quốc. Kể về Lê Chức như thế còn thiếu: Gần hai chục năm lăn lộn ở “đấu trường” kịch nghệ ông là đạo diễn của gần 50 vở đủ loại kịch nói, tuồng, chèo, cải lương.

Nhưng kể về Lê Chức như thế vẫn còn thiếu. Ông còn là một nhà thơ di truyền cái gien của người cha thi sĩ hào hoa lại chịu ảnh hưởng dòng thơ “Tôi sinh ra đã có Hải Phòng” văn cao đa tài chủ súy tao đàn đất Cảng. Nhưng kể về Lê Chức như thế vẫn chưa đủ nếu chưa nói đến cái đại gia đình nghệ sĩ của ông.

Lê Chức luôn tự hào: Cả nhà tôi làm nghệ thuật, cha tôi nhà thơ. Anh tôi họa sĩ nổi tiếng. Chị tôi, các cháu tôi nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, ấy là tôi chưa kể còn có một ông nguyên là anh rể cũng nghệ sĩ nhân dân kịch sĩ v.v.

Bao nhiêu năm quen biết Lê Chức, tôi thấy ông tự nguyện chọn kiếp sống phân thân. Có một câu thơ nổi tiếng lẫy lừng: Trái tim anh đó/ Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ. Với Lê Chức, cái tỉ lệ chia ba to nhỏ, ít nhiều bao nhiêu ai mà biết được. Nhưng chia ba thì đúng, còn: phần dành cho thơ, phần dành cho sân khấu và một phần dành cho... quan trường. Và hình như tạo hóa cũng ưu ái ban cho ông cả ba phần thành đạt? Thực lòng ngắm ông, nghĩ ông, bạn bè nể phục, mà cũng thèm!

Nghe thiên hạ đồn thổi từ hồi về Hội, văn phòng của ông lúc nào cũng ầm ĩ vui vẻ nói cười. Ông đang âm mưu chiêu hiền đãi sĩ?

Tôi chẳng có nhu cầu chiêu hiền đãi sĩ. Tôi rất nhiều bạn. Nói như các cụ thì tôi là loại tốt bạn. Thiếu vắng bạn bè là tôi buồn. Có một câu nói rất hay: Người nào không có bạn thì người đó là một kẻ ác.

Ông được đào tạo bài bản để lãnh đạo cơ quan Nhà nước, nay lại chuyển sang lãnh đạo tổ chức đoàn thể. Ông có tự cảm thấy bị tréo ngoe không?

Tất nhiên không thể áp dụng cách quản lý một cơ quan Nhà nước cho một tổ chức đoàn thể. Mười mấy năm làm Giám đốc làm Cục phó rèn luyện bản lĩnh cho tôi. Và bây giờ thì tôi đang suy nghĩ, từ từ làm quen với công việc mới mẻ ở Hội.

Cố Chủ tịch ủy ban toàn quốc Các hội liên hiệp VHNT Việt Nam – Nhà văn Nguyễn Đình Thi có câu nói lạ tai: Lãnh đạo văn nghệ sĩ là không lãnh đạo gì cả. Ông lý giải câu nói đó như thế nào?

Tôi không lý giải câu nói này của cụ Thi. Tôi nghĩ, công tác lãnh đạo một Hội văn nghệ là phải tổ chức cho văn nghệ sĩ bộc lộ và phát huy sáng tạo nghệ thuật. Phải vận động, thuyết phục. Phải tập hợp được anh em.

Đời ông tâm phục khẩu phục ai nhất?

Tôi thờ hai thánh tâm Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh. Tôi luôn treo ảnh hai cụ trước bàn làm việc để tự răn mình.

Con người, tính cách của ông rất khác với Chủ tịch Hội, NSND Trọng Khôi. Về Hội làm việc ông có bị vênh bị va với Chủ tịch Trọng Khôi?

Chúng tôi là hai bản thể rất khác nhau. Nhưng tôi và Chủ tịch Trọng Khôi có một điều giống nhau đó là sự thành tâm, nên cũng dễ tha thứ, hòa hợp với nhau.

Tôi luôn quý trọng NSND Trọng Khôi không chỉ vì anh là Chủ tịch Hội mà còn vì những thành tựu, đóng góp của anh cho nền nghệ thuật sân khấu nước nhà.

Lê Chức sống phân thân nhưng ông lại nhất quán. Quảng giao. Nồng nhiệt. Thẳng thắn. Chê trách ông (hay nói như giọng điệu tổ chức là góp ý xây dựng)?

Ông sống hơi bị cứng và có bệnh nói dai! Bạn bè quý mến thì bảo: Tay này thích nói cho nó hả chữ. Mấy ông kịch tác gia càu cạu táo bón không sáng tác được thì vu ầm lên: Cái lão này lúc nào cũng nghĩ mình lão là tổng đạo diễn còn thiên hạ đều là diễn viên ráo trọi. Nực cười! Nửa đùa nửa thật, nửa kín nửa hở như vậy không hiểu ông Phó chủ tịch Thường trực có nhột không, có cáu sườn không?

MỚI - NÓNG