Nữ nghệ sĩ ghi ta Hà Nội nổi danh ở Ấn Độ

Nữ nghệ sĩ ghi ta Hà Nội nổi danh ở Ấn Độ
TP - Theo chồng sang Ấn Độ, Lê Thu - nghệ sĩ ghi ta có tiếng của Hà Nội - đã xác định bỏ cuộc chơi, nhưng cơ duyên vẫn đưa đẩy cô trở thành trưởng khoa Ghi ta tại một trường nhạc danh tiếng ở New Dehli.

Cô đoạt giải Nghệ sĩ xuất sắc nhất khu vực châu Á tại Liên hoan Ghi ta Quốc tế tổ chức tại Kolkata, tháng 12-2010 và trở về Hà Nội biểu diễn trong chương trình Giao lưu Ghi ta Bắc Nam, ngày 22-4.

New Delhi rộng đến nỗi muốn mua một chai nước rửa bát, Lê Thu phải đi 25km, mất hơn tiếng vì tắc đường. “Về Hà Nội thấy thoáng mát hắn”, cô nói. Chồng Thu làm cho một tập đoàn khách sạn quốc tế, luôn phải luân chuyển công tác.

Là con gái độc nhất của họa sĩ, nghệ sĩ ghi ta Lê Hạnh, ba tuổi Thu đã dùng màu nước để vẽ tranh công chúa. Nhưng bố hướng con gái sang cây ghi ta. Ông thửa riêng cho con một cây đàn nhỏ, để rồi năm tuổi, Thu đã ôm nó lên sân khấu rạp Công Nhân biểu diễn. “Hồi đấy còn chẳng biết gì mà run”, cô nhớ lại. “Bác Hải Thoại giới thiệu xong, bế lên ghế. Đánh xong lại bế xuống”.

Tốt nghiệp xuất sắc bộ môn Ghi ta Học viện Âm nhạc Quốc gia 2001, Thu xin được học bổng du học Tây Ban Nha. Bỗng chàng trai Ý xuất hiện xáo trộn dự định của cô. Thu lấy chồng ở tuổi 25, theo chồng sang Ấn Độ hai năm trước. Bảy tháng sau, Thu đã thành trưởng Khoa Ghi ta của Học viện âm nhạc Bridge, trường có ba chi nhánh với vài trăm học sinh ở New Delhi.

Cơ duyên bắt đầu từ lần Thu đi mua dây đàn, thấy nhãn hiệu đàn quen thuộc mà cô từng cộng tác ở Việt Nam, cô hỏi thăm xem quanh vùng có trường nhạc nào không. Họ cho cô liên lạc của trường Bridge- trường hàng đầu về nhạc cổ điển. Thu chưa liên lạc gì thì vẫn nhãn đàn kia mời cô đến dự một buổi tiệc ra mắt sản phẩm. Thấy có ban nhạc, Thu mượn đàn chơi hai bài, và nhận lời mời làm chương trình đầu tiên. Tại chương trình này, Thu được giới thiệu với người làm công tác nhân sự của trường Bridge. Bằng cấp và ngón đàn của cô hoàn toàn thuyết phục họ. “Vào cái lên trưởng khoa luôn”, Thu kể.

“Bên ấy đàn điện gảy bằng móng, họ chơi rất khá, nhưng theo phong cách cổ điển Tây Ban Nha gần như không có. Họ nhìn mình đánh bằng ngón đã nể rồi”. Điều khác biệt là Ấn Độ không có trường dạy nhạc cổ điển phương Tây như ở ta. Ngoài nhạc Ấn Độ rất phát triển ra, theo Thu, họ chơi jazz-blues, rock hay hơn Việt Nam nhiều.

Đồng nghiệp ở trường bắt đầu kéo Thu đi diễn. Trong một lần diễn, cô gặp ông bầu thuộc loại có cỡ ở New Delhi, hầu như các nghệ sĩ có tiếng đều trong tay ông quản lý. “Từ đấy sếp gọi đâu đánh đấy”, cô tâm sự. “Có cuộc vui, có cuộc đánh kiếm tiền cho xong. Có những buổi mình được hòa nhạc với các nhạc cụ cổ điển của Ấn: đàn tanpura, sitar, trống tabla... Được nhiều kinh nghiệm hay”.

Các chương trình giải trí, tiệc tùng ở New Delhi diễn ra rất muộn. Giờ diễn của Thu sớm nhất cũng bắt đầu lúc 22h. Trong điều kiện Ấn Độ hiện nay, phụ nữ ra ngoài buổi tối vẫn rất nguy hiểm, Thu cho hay. Nên mặc dù buổi diễn nào ông bầu cũng phải đánh xe đón tận nhà, Thu vẫn không muốn đi diễn hằng đêm như ở Việt Nam. “Thù lao cho nghệ sĩ cũng như thu nhập của giới trí thức nói chung cao hơn Việt Nam”, Thu kể.

Tháng 12-2010, Ấn Độ lần đầu tiên tổ chức Liên hoan Ghi ta Quốc tế. Cuộc thi có quy mô lớn nhất châu Á với hơn 100 thí sinh 25 nước. Trong số 9 người lọt vào chung kết, Thu là đại diện nữ duy nhất. Hiện không chỉ tập luyện cho chương trình Giao lưu Ghi ta Bắc Nam (cùng Hùng Phong, Tuấn Khang), Thu đang lên kế hoạch chinh phục các cuộc thi quốc tế tới đây ở Thái Lan và Rumani.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG