Nữ yêu nữ thì sao…

Nữ yêu nữ thì sao…
TP - Đồng tính nữ không còn là khái niệm xa lạ với công chúng ở đô thị. Nhưng đây đó trong từng mảnh đời của những người nữ yêu nữ vẫn không thiếu chuyện buồn, thậm chí đau lòng. Và không ai khác ngoài họ tự kể câu chuyện của mình qua triển lãm nghệ thuật đương đại Lộ sáng diễn ra mới đây ở Hà Nội. Biến những người nữ yêu nữ thành nghệ sĩ là Nguyễn Thế Sơn.

Đây có vẻ như triển lãm đầu tiên ứng dụng nghệ thuật đương đại vào xử lý một vấn đề xã hội do người không chuyên thực hiện và chắc chắn là dự án nghệ thuật đầu tiên mà người tham gia toàn là đồng tính nữ. Nguyễn Thế Sơn- giảng viên ĐH Mỹ thuật Việt Nam có 3 tháng để biến những người bình thường thành nghệ sĩ. Từ giữa năm ngoái, CSAGA (Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới- Gia đình- Phụ nữ và Vị thành niên) đã đăng tuyển qua báo chí, mạng xã hội… mời các bạn nữ yêu nữ tham gia lớp tập huấn để tự mình kể chuyện của mình bằng nghệ thuật.

Tác dụng của nghệ thuật ngoài việc giúp cho công chúng được tiếp cận sâu với câu chuyện của người đồng tính nữ còn thắt chặt thêm sự gắn kết giữa những người cùng cảnh. Một số cặp đôi trong quá trình tham gia tập huấn đã chuyển từ nhóm xám (chỉ những người đồng tính nữ chưa công khai) sang xanh (công khai hoàn toàn).

Nhóm xám dù sao cũng có cách lộ sáng riêng. Đó là loạt ảnh các cặp đôi nhìn nhau, trên nền trắng người xem chỉ có thể thấy bóng đen của các gương mặt nhìn nghiêng. Cách đây nhiều trăm năm, khi chưa có nhiếp ảnh, người ta đã vận dụng hiện tượng sấp bóng này để ghi lại nét mặt nghiêng của nhân vật. “Chẳng lẽ chụp ảnh xong lại xoa xoa mặt như tội phạm,” Sơn bình luận. “Nghệ thuật cắt bóng dễ chịu hơn nhiều”. Một tác phẩm sắp đặt ở giữa phòng triển lãm phần nào thể hiện tình cảnh của nhóm xám. Đó là một bể kính đầy nước bên trong thay vì cá là những vỏ chai rỗng. Trong chai chính là những bức ảnh đen trắng nhìn nghiêng không rõ nhận dạng. Một máy tạo sóng đẩy những chiếc chai trôi nổi liên tục trong bể. Cả bộ ảnh và sắp đặt nói trên đều của Trần Diệu Ly (Hải Phòng). Ly còn là tác giả của một bộ ảnh của nhóm xanh, những bức ảnh đầy màu sắc chụp các cặp đôi tươi cười nhìn thẳng vào người xem, khung được kết hoa trang trọng.

Để có thể ra được những tác phẩm đúng chất đương đại như vậy, hàng tuần, các bạn đồng tính nữ lại tập hợp về Hà Nội. Trong những buổi cuối tuần tập huấn, họ không chỉ nghe thầy Sơn giảng bài và dẫn đi xem khắp các triển lãm mà còn chia sẻ với thầy, với bạn những câu chuyện sâu kín nhất. Việc của thầy là chọn lọc từ đó ra chất liệu cho tác phẩm. Như Ly vừa nuôi cá vừa có sở thích sưu tập vỏ chai (do đặc thù công việc pha chế ở quán bar), từ đó mà có tác phẩm sắp đặt trên. Cũng vì mê thích làm nghệ thuật đương đại mà Ly đành mất việc dạy nhảy ở một trường quốc tế.

Phạm Tùng (tên khai sinh là Phương Hạnh) ban đầu định chụp các đồ dành cho tomboy (nữ mặc đồ nam tính) trong cửa hàng của mình để triển lãm. Nhưng khi được thầy gợi chuyện về đầu tóc, khuyên tai, Tùng mới “lộ” ra từng bị buộc thôi học chính vì ngoại hình không giống con gái đó. “Tùng bị chính cô giáo mang ra làm trò cười cho lớp, một hình thức như tra tấn”, Nguyễn Thế Sơn nói. “Nghe những câu chuyện như thế cũng rụng rời đấy. Không phải lãng mạn mà sự thật trần trụi, đau xót”. Mà chuyện có phải xa đâu, xảy ra mới năm ngoái. Tùng có nhiệm vụ về ngôi trường cũ để làm một bộ ảnh. Bảo vệ không cho vào, cậu phải nhờ bạn học cũ dùng điện thoại chụp lại chỗ mình bị đứng phạt giữa trời nắng đến nỗi ngất, ngã xuống rách cả cằm. Vết sẹo trên da vẫn còn.

Một bộ ảnh khác kể chuyện một bạn bị gia đình đưa vào trại tâm thần vì yêu người cùng giới, và chỉ có… chó làm bạn để chia sẻ. “Đồng tính nữ có xu hướng ẩn hơn, dễ bị tổn thương hơn so với đồng tính nam,” Sơn nhận định. “Cũng vì thế, dấu vết bạo lực xã hội dồn vào khá ghê gớm. Bản thân các bạn ý thức được bản dạng giới rồi nhưng nhóm cộng đồng trực tiếp liên quan bao gồm người thân không muốn nhìn nhận việc đấy. Sau khi dùng hết cách không thể thay đổi được con em mình thì họ cứ lờ đi, kệ thôi”. Tất nhiên cũng có tác phẩm thể hiện khía cạnh đẹp lãng mạn giữa hai cô gái. Một đôi U50 không tham gia tập huấn nhưng cho mượn ảnh để trưng bày. Cả hai đều đã chồng con, và giờ đến với nhau được sự tác hợp của cả hai bên gia đình.

Không phải học viên nào cũng đi đến cùng với Lộ sáng. Chỉ nửa non số người tham gia tập huấn có tác phẩm. Đáng ra triển lãm còn có một màn trình diễn do một vũ công ở Hà Nội thể hiện. Đạo cụ là 7 lớp rèm đã chuẩn bị đâu ra đấy. Nhưng ngay trước lễ khai mạc, cô từ chối xuất hiện, không nói rõ lý do nhưng ai cũng hiểu...

Bản thân Sơn công nhận làm giám tuyển cho Lộ sáng còn mệt hơn làm triển lãm cho chính mình, tuy nhiên sau 3 tháng đau đáu cùng nữ yêu nữ anh cảm thấy mình “cho nhiều mà nhận lại cũng nhiều”. Chẳng hạn nếu không tham gia dự án, Sơn không thể hình dung trong LGBT (cộng đồng đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới) lại chia ra tới 25 loại khác nhau. Qua Lộ sáng, anh cũng được gợi ý thêm nhiều phương án cho những dự án tới đây. Hiện Sơn lại lặn lộn ở miền Trung để chuẩn bị cho một triển lãm video về tình trạng lao động nhập cư bất hợp pháp của người Việt ở châu Âu.

Nữ yêu nữ thì sao… ảnh 1
Mỗi dự án nghệ thuật của Nguyễn Thế Sơn đều gắn với một vấn đề nóng. Anh chụp và triển lãm các biển quảng cáo karaoke ở Hà Nội khá lâu trước khi xảy ra các vụ cháy làm dư luận xôn xao. Cũng bằng ảnh, anh dựng lại cuộc sống vất vả của các công nhân ở Bình Dương. Sau khi giúp nạn nhân của bạo lực gia đình lên tiếng bằng triển lãm ảnh, mới đây Sơn lại cùng CSAGA đưa cộng đồng đồng tính nữ 7 tỉnh miền Bắc ra ánh sáng...
MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.