Ôm ca sĩ trong khách sạn 5 sao

Hòa nhạc tại khách sạn- hướng đi mới cho ca sĩ và các nhà tổ chức?. Ảnh: N.M.H
Hòa nhạc tại khách sạn- hướng đi mới cho ca sĩ và các nhà tổ chức?. Ảnh: N.M.H
TP - Tối 17/8 có lẽ là lần đầu tiên dân phe vé Hà Nội tụ tập trên lối vào khách sạn Melia vì đêm nhạc Gọi yêu của Hà Trần và Tùng Dương diễn ra trong đó.

Thường khách sạn là nơi biểu diễn thường xuyên của các ca sĩ mới vào nghề hoặc các nghệ sĩ tên tuổi ở tầm trung. Phải chăng thời thế đã thay đổi đến nỗi Hà Trần và Tùng Dương cũng phải làm liveshow ở khách sạn?

Phòng dạ hội lớn, nơi vẫn thường diễn ra các sự kiện họp báo hay đám cưới nay trở thành phòng hòa nhạc. Mặc dù trên vé ghi “Quý khách có mặt trước giờ biểu diễn 30 phút”, nhưng sau giờ diễn nửa tiếng, khách vẫn đang loay hoay ổn định chỗ. Xảy ra chuyện khi đòi chỗ của mình, khách nhận được câu trả lời: “Chỗ tôi cũng bị chiếm rồi, anh đi mà hỏi bảo vệ.” 

Đến khách sạn 5 sao nghe nhạc nên đa số khách khứa đều ăn mặc rất sành điệu với hàng hiệu đắt tiền. Giá vé khá mềm, chỉ cần bỏ ra 1,5 cho đến 2 triệu đồng/vé là được ngồi ngay hàng đầu. Vì đợi lâu chưa thấy ca sĩ đâu, khách khứa bắt đầu phàn nàn, kiểu nửa đùa nửa thật chứ cũng không có gì là căng thẳng.

“Thôi từ giờ đi xem một là ở Cung (VH Hữu Nghị - PV) hai là Nhà hát Lớn nhé, bỏ thêm 500 ngàn nữa là ngồi ngay hàng đầu tiên, Hồng Nhung gí mic vào mồm bắt hát!” “Ừ, ngồi ngay hàng đầu, nhìn rõ cả lỗ chân lông ca sĩ”… 

Thực ra tất cả những “tiêu chuẩn” trên đều được đáp ứng trên cả mong đợi tại đêm nhạc Gọi yêu. Khán giả không chỉ nhìn rõ từng nếp nhăn của ca sĩ mà nếu muốn có thể đưa tay chạm vào người họ vì sân khấu thấp và chỉ cách hàng ghế đầu một lối đi. Không khí ở khách sạn rõ ràng có cái gì đó gần gũi hơn nhà hát. Không có MC, ca sĩ tự giới thiệu.

Tùng Dương: “Có rất nhiều bài hát về các con như là con cò, con ốc… là nhạc sĩ Lưu Hà An. Không biết bao giờ thì anh sáng tác tặng vợ bài về con gì đó, con gì hả quý vị?” Khán giả cười. “Trong khi chờ anh An sáng tác con gì đó tặng vợ, Dương xin hát bài về con nhện - Giăng tơ”.

Khán giả không chỉ nhìn rõ từng nếp nhăn của ca sĩ mà nếu muốn có thể đưa tay chạm vào người họ vì sân khấu thấp và chỉ cách hàng ghế đầu một lối đi. Không khí ở khách sạn rõ ràng có cái gì đó gần gũi hơn nhà hát.

Ở khách sạn, ca sĩ mới dám “chế” lời bài hát không phải vì quên mà để cho vui. Tùng Dương hát Bài ca trên núi đến đoạn cuối: “Núi chỉ có hai người, hai người…” Anh ngừng lại: “Quý vị muốn hai người làm gì?” Khán giả cười. Dương tiến xuống hàng ghế thứ hai, nhìn một vị khán giả tươi cười: “Chị muốn em làm gì?” Nữ khán giả bèn ôm choàng lấy Tùng Dương…

Mặc dù nhà tổ chức không nói gì đến việc sẽ tổ chức show tiếp theo hoặc thường xuyên ở khách sạn (chắc chắn giá thuê phòng rẻ hơn và dễ đặt lịch hơn nhà hát) nhưng có lẽ khán giả sẽ thích đến khách sạn bởi dễ có những “tương tác” với ca sĩ kiểu như vậy.

Quậy hết mình, hát cũng hết mình là Tùng Dương tại đêm nhạc Gọi yêu. Có những khi anh nhảy như nhập đồng rồi khi hết bài hát ngồi bệt trên sân khấu.

Ca sĩ và khán giả nhìn nhau cười như những người bạn. Có thể thật rõ sự khác biệt trong cá tính của hai ca sĩ. Trong khi Tùng Dương thường nhìn thẳng vào mắt khán giả hát, thì Hà Trần vẫn giữ ánh nhìn xa xăm. Cô cũng cháy hết mình nhưng đem đến cho khán giả một chiều cảm xúc khác.

Ở phần song ca đầu chương trình, Hà không nói một lời nào, mặc Tùng Dương chèo lái. Ở phần sau, cô nói rõ dài, trong đó thanh minh rằng mình tuổi rắn, máu lạnh nên phải sau vài bài mới làm nóng mình lên được. 

Sau khi làm khán giả cảm động với Mẹ tôi của Trần Tiến, ca sĩ lập tức quay lưng lại khán giả. Một lúc sau, vẫn chưa quay lại, cô nói lời xin lỗi vì không muốn khán giả thấy mình yếu đuối. Một lần yếu đuối nữa xảy ra khi cô nhắc đến những người bạn thân thiết ở Hà Nội. Bài duy nhất của nhạc sĩ Thuận Yến mà Hà Trần từng hát là Trái tim lang thang. Cô hát lại bài này để tưởng nhớ tác giả. 

Trong Gọi yêu, danh sách bài hát của các ca sĩ rất mở. Hà Trần làm mới những bài tủ của Ngọc Đại, Quốc Bảo, Trần Tiến và hát những bài mới của Đỗ Bảo. Tùng Dương hát nhạc xưa, hát cả Nơi đảo xa, Chiếc khăn piêu Giấc mơ tuyết trắng - bài nhạc phim mà thường anh sẽ không hát dù được yêu cầu ở những chương trình lớn.

Có cảm giác họ hát những gì họ thích và đồ rằng khán giả cũng thích, chẳng cần theo chủ đề nào, mà hiệu quả vẫn ổn. Sự thoải mái này cũng do chương trình diễn ra tại khách sạn?!

Cuối chương trình, nhà tổ chức lên xin lỗi khán giả vì vài trục trặc trước khi mở màn (thực sự thì không có màn để mở) và giải thích lần đầu dán số ghế nên chưa quen…

Ước tính gần 1.000 người chịu ngồi ghế gấp, không có tay vịn để nghe nhạc trong hai tiếng rưỡi. Cũng không thể mong chờ gì hơn ở đồ họa sân khấu: Thu cạn hay Mẹ tôi cũng chỉ vẫn hình lá hoa rơi rụng đó chiếu trên màn hình LED.

Tai nghe nào khó tính thì có thể thấy âm thanh tại không gian khách sạn dù xịn đến đâu sẽ không thể hay như trong nhà hát. Nhưng cân nhắc giữa những “được” và “mất” thì xem diva, divo trong khách sạn vẫn là một trải nghiệm thú vị.

MỚI - NÓNG