Oscar 2007: “Cả thế giới” sẽ đoạt giải!

Oscar 2007: “Cả thế giới” sẽ đoạt giải!
Oscar lần thứ 79 sẽ trao giải vào ngày mai, 25/2, hứa hẹn một kỳ giải mang tính “toàn cầu hóa” nhất từ trước đến nay bởi các đề cử cho giải là các bộ phim của những đạo diễn và diễn viên đến từ nhiều nước trên thế giới. 
Oscar 2007: “Cả thế giới” sẽ đoạt giải! ảnh 1

Diễn viên Nhật Bản Rinko Kikuchi - niềm hi vọng của châu Á tại Oscar 2007 - Ảnh: Reuters

Oscar rộng cửa

“Vui quá, nền điện ảnh Mỹ đang rộng cửa đón nhận tất cả mọi người trên thế giới” - nữ ứng viên vai phụ Oscar 2007 người Mexico Adriana Barraza (phim Babel) sống ở Miami phát biểu với báo giới bằng tiếng Tây Ban Nha.

Ở hạng mục giải quay phim, bốn trong năm ứng viên đến từ khắp nơi: Vilmos Zsigmond (nhà quay phim Hungary), Dick Pope (Anh), Emmanuel Lubezki Guillermo Navarro (đều của Mexico).

Duy chỉ Wally Pfister là sinh ra tại Mỹ. Ở giải đạo diễn, 3/5 ứng viên quốc tịch khác Mỹ: Hai đạo diễn Anh Stephen Frears, Paul Greengrass và đạo diễn Alejandro Gonzalez Inarritu (Mexico). Cần biết trong mười năm trở lại đây, có 6 lần giải đạo diễn thuộc về những người không sinh ra tại Mỹ.

Nhìn qua đề cử diễn xuất cá nhân, có 7/10 ứng viên giải nữ diễn viên chính và phụ là diễn viên nguồn gốc không phải Mỹ (ở phía giải nam diễn viên thì con số là 3/10).

Năm trong số 20 đề cử diễn viên là người da màu. Châu Á có một đại diện là diễn viên Nhật 26 tuổi Rinko Kikuchi - người đang được cả xứ hoa anh đào cầu nguyện cô đoạt giải “để điện ảnh Nhật được quốc tế công nhận” (lời kỳ vọng của nhà phát hành phim Babel tại Nhật).

Có cả ba ứng viên nữ chính xuất sắc đều là diễn viên Anh: Helen Mirren, Kate WinsletJudi Dench. Với vai nữ hoàng Elizabeth (phim The Queen), Helen Mirren nhiều cơ may đoạt giải nhất và nếu vậy thì bà sẽ là nữ diễn viên Anh đầu tiên tái ngộ tượng vàng Oscar nữ diễn viên chính xuất sắc nhất kể từ năm... 1993 đến nay.

Oscar 2007: “Cả thế giới” sẽ đoạt giải! ảnh 2
Kate Winslet là ứng cử viên cho giải diễn viên nữ chính xuất sắc nhất

Việc nhiều gương mặt Ănglê được đề cử khiến cho cả chính trị gia như Tony Blair cũng phải sướng rơn, gọi đây là “sự tôn vinh thật sự nền điện ảnh cũng như các tài năng độc đáo ở nước Anh”.

Tính toàn cầu

Nữ diễn viên Adriana Barraza bình luận trước thềm Oscar: “Ngày nay chúng ta cùng sống trong một xã hội toàn cầu, mọi người có thể cùng suy nghĩ về những vấn đề chung của thế giới”.

Hollywood đã sản xuất bộ phim Blood diamond nói về cuộc nội chiến đẫm máu và loạn khai thác kim cương ở một quốc gia cùng khổ tận Tây Phi (Sierra Leone). Vì vậy diễn viên gốc Phi Djimon Hounson mới đóng cặp với tài tử da trắng bảnh trai Leonardo DiCaprio, và diễn xuất của Djimon lại cho thấy châu Phi có thể sản sinh các diễn viên đóng giỏi như thế nào.

Và còn The last king of Scotland cũng là câu chuyện xảy ra ở Uganda với diễn xuất tuyệt vời của diễn viên da màu Forest Whitaker (gần như nắm giải nam diễn viên chính).

Đặc biệt lần đầu tiên Oscar có những điều cực kỳ thú vị như Clint Eastwood, một đạo diễn /diễn viên tinh túy của nền công nghiệp điện ảnh Mỹ, lại được đề cử cho một bộ phim (Letters from Iwo Jima) mà ông làm về... người Nhật, diễn viên Nhật, nói toàn tiếng Nhật (ngoại ngữ mà Clint không hề rành) và lại quay ở Iceland (nơi bối cảnh giống Iwo Jima).

Không thể không nhắc đến Babel - ứng viên được cho là nhiều khả năng đoạt giải phim hay nhất (bất chấp The departed dẫn đầu... tỉ lệ cá cược). Babel quay hình ở bốn quốc gia, diễn viên nói năm thứ tiếng, kịch bản được viết và đạo diễn bởi hai nhà làm phim tài năng nhất xứ Mexico.

Nếu như phim Crash (phim hay nhất Oscar 2006) là sự đối chọi giữa các nền văn hóa, va chạm giữa các dân tộc khác nhau tồn tại trong phạm vi hẹp của một thành phố, ở một quốc gia (Mỹ) thì Babel năm nay lại phổ quát hơn rất nhiều.

Những bi kịch xâu chuỗi từ nhiều vùng đất ở các châu lục đã làm nên một tác phẩm điện ảnh về những bất đồng ngôn ngữ, sắc tộc, tôn giáo, giai cấp trên toàn thế giới.

Vì thế, trước giờ G nhà báo nữ Julie Watson (Hãng AP) đã bình phẩm: “Cả thế giới trên sân khấu Oscar”. Còn Hãng tin Reuters thì bình luận: “Vẫn biết giải Oscar mang tầm cỡ quốc tế, nhưng đây là năm mà giải thưởng điện ảnh Mỹ này đã đặc biệt chấp nhận sự lan tràn của nhiều anh tài nước ngoài”.

Nhất định “cả thế giới” sẽ cùng đoạt giải Oscar 2007 bất kể đêm 25/2 mỗi tượng vàng sẽ xướng tên cụ thể cho ai.

Theo Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG