Phạm Tuyên qua hồi ức của vợ

TP - Nhờ phu nhân nhạc sĩ Phạm Tuyên, công chúng được biết nhiều thông tin thú vị về ông qua hồi ký Chúng tôi đã sống như thế. Tại họp báo đêm nhạc Phạm Tuyên- Nhớ và quên (sẽ diễn ra ngày 14/1 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia), nhạc sĩ kể từng có NXB yêu cầu phải bỏ những phần nói về Phạm Tuyên và cha ông- học giả Phạm Quỳnh- mới xuất bản, nhưng cuối cùng sách đã ra mắt đông đảo bạn đọc một cách nguyên vẹn.

Phạm Tuyên qua hồi ức của vợ ảnh 1 Nhạc sĩ Phạm Tuyên thời trẻ. Ảnh: NVCC

Khi thầy yêu trò

Tiếng là hồi ký của PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết - người đặt nền móng cho ngành giáo dục mầm non của Việt Nam nhưng quá nửa số trang trong Chúng tôi đã sống như thế dành kể về chồng bà - nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ngay những trang đầu tiên nói về nhà văn hóa
Phạm Quỳnh.

Bạn đọc được biết, dù sống ở đâu, Phạm Quỳnh vẫn giữ nếp kê bàn học, bàn làm việc trước bàn thờ gia tiên. Ông thường dạy các con: “Phải làm sao giữ cho gia đình mình trong như thủy tinh, không chút bụi mờ; giữ gìn đạo đức, nề nếp sao cho khỏi hổ với vong linh các cụ”. Khi ông làm quan Thượng thư ở triều đình Huế, các con ông được dành điều kiện tối ưu để phát triển các thiên hướng. Riêng Phạm Tuyên nổi bật về hội họa và âm nhạc, viết được ca khúc gửi NXB ở Hà Nội. Nhưng khi NXB yêu cầu gặp, tác giả trốn biệt vì ngại người ta biết mình là trẻ con(!).

Không đợt tăng lương nào không dính líu đến lý lịch của anh, cũng không có lần đề bạt nào mà gốc rễ gia đình anh không bị lôi ra. Cả những lần khen thưởng tuyên dương anh cũng gặp sự hẹp hòi, đố kỵ rất khó chịu và lại chịu thiệt thòi! Anh phải thường xuyên gánh vác nhiệm vụ trọng trách nhưng luôn chỉ giữ các chức “phó”, bởi anh không có “nhãn mác” là thành phần cơ bản.

Phu nhân nhạc sĩ 

Phạm Tuyên viết về chồng trong hồi ký Chúng tôi đã sống như thế

Nhờ hồi ký, công chúng mới hay Phạm Tuyên có mảnh đạn găm nơi tay phải nay vẫn còn. Ông bị thương ngày 27/7/1950 khi đứng lớp tại trường Thiếu sinh quân Việt Nam ở Đại Từ, Thái Nguyên. Sau khi hướng dẫn học sinh xuống hầm tránh bom thì thầy Tuyên trúng thương. Sau này ông không làm thẻ thương binh, phần vì ngại thủ tục lằng nhằng.

Phạm Tuyên “chấm” cô trò nhỏ Ánh Tuyết khi đang dạy nhạc tại Khu học xá dành cho học sinh Việt Nam ở Nam Ninh, Trung Quốc. Tình yêu được tổ chức vun đắp nhưng gia đình Tuyết ban đầu phản đối quyết liệt, vì lý lịch của Phạm Tuyên. Đây cũng là những trang “ngôn tình” đầy cảm xúc của cuốn hồi ký.

Ở phần sau, tác giả hơi sa đà vào phân loại và trích lời các bài hát của Phạm Tuyên. Nhưng cũng nhờ đó mà công chúng biết ngoài những bài nổi tiếng (chủ yếu trong dòng nhạc đỏ), Phạm Tuyên còn vô số sáng tác trong các mảng đề tài khác (về các ngành nghề, về địa phương…). Một thực tế trong mảng tình ca, Phạm Tuyên ít khi viết lời mà thường phổ thơ, hầu hết của tác giả nữ. Với báo giới, nhạc sĩ tuyệt nhiên không nhắc tới sáng tác tặng vợ nhưng trong hồi ký, vợ ông khẳng định có hai bài ông viết cho bà.

Tất nhiên không thể thiếu hoàn cảnh ra đời và câu chuyện xung quanh các bài hát. Bà Tuyết đặc biệt chú trọng các bài hát cho thiếu nhi vì lĩnh vực nghiên cứu của bà là tâm lý học trẻ em. Bài Cô và mẹ - “Mẹ và cô ấy hai mẹ hiền” của vợ phần nào thể hiện quan điểm giáo dục mẫu giáo của vợ.

“Luật sư” của chồng

Phạm Tuyên qua hồi ức của vợ ảnh 2

Vợ chồng nhạc sĩ Phạm Tuyên đang hoàn thiện bản thảo “Chúng tôi đã sống như thế”

Có thể nói đời Phạm Tuyên chịu không ít thiệt thòi, bất công vì chuyện của bố ông. Sự “mất tích” ở Huế cuối tháng 8/1945 của Phạm Quỳnh  trở thành một vấn đề lý lịch đối với con cái. Đầu những năm 1960, Phạm Tuyên và Trọng Bằng cùng được cử đi tu nghiệp ở Liên Xô. Nhưng phút chót, tên Phạm Tuyên bị rút khỏi danh sách. Bà Tuyết tự an ủi: “Anh không được học ở Tây hay ở Tàu gì cả mà chỉ tự họ theo nhu cầu của mình, theo cách thức của mình, nên tác phẩm không bị ảnh hưởng nặng nề bởi thầy Tàu hay thầy Tây nào cả mà mang bản sắc của riêng mình…”.

Có lẽ chính vì Phạm Tuyên nổi tiếng mà câu chuyện Phạm Quỳnh càng được biết đến nhiều hơn.  Nhưng chính cách sống mà Phạm Tuyên đã chọn phần nào đủ để người đời hiểu đúng về cha ông. Tự mình nói tốt về mình đã là khó, đây lại tự kể những thiệt thòi của bản thân càng khó. Phạm Tuyên quả là may mắn có người vợ giỏi giang
kể hộ.

Bà Tuyết kể, Phạm Tiến Duật trong chuyến công tác Đan Mạch năm 1997 mang về cho Phạm Tuyên trường ca 300 câu Phạm Quỳnh và câu chuyện còn tiếp tục của Erik Stinus. Nhà thơ này từng ba lần sang Việt Nam và được biết về học giả Phạm Quỳnh từ nhiều nhà văn, nhà văn hóa Việt Nam. Tiếc rằng Phạm Tiến Duật ra đi khi chưa kịp chuyển ngữ bản trường ca sang tiếng Việt.

Cuốn hồi ký được bà Tuyết bí mật viết từ đầu 2007. Viết gần xong mới bị phu quân phát giác. “Những chuyện ông kể, ông thì quên mà tôi lại nhớ nên ghi được vào hồi ký, đọc đến đâu ông mới nhớ ra đến đấy”, bà cho hay. Khi lâm bệnh, bà Tuyết mong được sống thêm để ra đi sau chồng ít nhất nửa năm đặng lo cho ông thật chu toàn. Nhưng bà không qua khỏi và ra đi giữa năm 2009, chỉ vài tháng sau khi hoàn tất cuốn hồi ký.

MỚI - NÓNG