Phế tích Phật viện Đồng Dương thành Di sản quốc gia đặc biệt

Phế tích Phật viện Đồng Dương thành Di sản quốc gia đặc biệt
TPO - Mặc dù đã trở thành phế tích, song dưới lòng đất của Đồng Dương vẫn còn chứa nhiều giá trị văn hóa – lịch sử

Sáng 7/12, UBND huyện Thăng Bình tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương (thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, Quảng Nam).

Phế tích Phật viện Đồng Dương thành Di sản quốc gia đặc biệt ảnh 1 Trao Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt cho Phật viện Đồng Dương

Theo nội dung tấm bia tìm thấy tại làng Đồng Dương, năm 875 vua Indravarman II đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ Tát bảo hộ cho vương triều là Laskmindra Lookesvara Svabhayada. Tính chất Phật giáo đại thừa được thể hiện rõ qua nội dung bia ký cũng như các tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương..

Dưới triều đại của Indravarman II, kinh đô của vương quốc Chămpa lại được dời từ vùng Panduranga trở ra vùng Amaravati. Văn bia Đồng Dương cho biết tên của kinh đô mới là Indrapura. Theo một số nhà nghiên cứu, địa điểm xây dựng kinh đô Indrapura là khu vực làng Đồng Dương ngày nay.

Phế tích Phật viện Đồng Dương thành Di sản quốc gia đặc biệt ảnh 2 Tháp Sáng ở Phật viện Đồng Dương. ảnh H. Văn

Đáng tiếc là khu di tích quan trọng vào loại bậc nhất của kiến trúc Phật giáo Chămpa này đã bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh. Hiện nay, trong khu di tích này chỉ còn mảng tường tháp được nhân dân gọi là Tháp Sáng cùng với nền móng các công trình kiến trúc và một số vật trang trí bị vùi lấp.

Mặc dù đã trở thành phế tích, song dưới lòng đất của Đồng Dương vẫn còn chứa nhiều giá trị văn hóa – lịch sử. Vào những năm đầu của thế kỷ XX các nhà khoa học đã khai quật được hàng trăm các tác phẩm điêu khắc vô giá, phần lớn các tác phẩm điêu khắc được tìm thấy ở Phật viện Đồng Dương hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng Điêu khắc ChamPa Đà Nẵng.

MỚI - NÓNG