Phim Việt hóa gây sốt: Biên kịch Việt ở đâu?

Phim “Người phán xử”.
Phim “Người phán xử”.
TP - Sức nóng của hai bộ phim truyền hình “Sống chung với mẹ chồng” và “Người phán xử” khiến nhiều người tin tưởng vào một sự “thoát xác” đầy khởi sắc của phim Việt. Nhưng cũng không ít người e ngại về một tương lai mịt mờ cho điện ảnh “made in Vietnam”, khi mà cả 2 bộ phim trên đều phải mua kịch bản của nước ngoài.

Kịch bản ngoại “phong tỏa” phim Việt

Dù mới chỉ lên sóng 3 tháng nhưng “Sống chung với mẹ chồng” và “Người phán xử” đều đã tạo nên “cơn sốt” hiếm có cho khán giả phim Việt. Mỗi bài đăng trên 2 fanpage của các phim này thu hút hàng nghìn lượt bình luận, chia sẻ. Báo chí, các diễn đàn, cộng đồng mạng liên tục thông tin, bình luận, theo dõi sát sao từng tập phim… Các câu thoại, hình ảnh của phim tràn ngập mạng xã hội như một trào lưu thực thụ.

Mừng cho khán giả nhưng lại thấy tiếc nuối cho phim Việt. Bởi, cả 2 bộ phim này đều được Việt hoá từ các nguyên tác của nước ngoài. Phim “Người phán xử” có nguyên tác từ phim hình sự của Isarel, còn phim “Sống chung với mẹ chồng” được chuyển thể từ tiểu thuyết Trung Quốc “Phù thủy dưới đáy biển” của tác giả Giả Hiểu. Trước đó không lâu, bộ phim “gây bão” cộng đồng mạng “Tuổi thanh xuân” cũng là sản phẩm được chuyển thể từ kịch bản của Hàn Quốc.

Trên màn ảnh rộng, trào lưu làm lại phim theo kịch bản nước ngoài còn rôm rả bội phần. Nhìn vào danh sách những bộ phim đã và đang được Việt hóa trong năm 2017, sẽ khiến không ít người giật mình.

Đầu tháng 4/2017, Hãng CJ Entertainment và HK Film thông báo đang thực hiện bộ phim “Yêu đi, đừng sợ!”, tác phẩm Việt hóa thứ 3, sau thành công của “Em là bà nội của anh” và “Cô hầu gái”. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng tiết lộ anh đang bận rộn tuyển diễn viên cho bộ phim “Ngựa hoang”, làm lại từ phim hài “Sunny” đình đám của Hàn Quốc. Đạo diễn Văn Công Viễn đang bắt tay vào dự án phim “Cô nàng ngổ ngáo”, làm lại từ phim “My sassy girl” của Hàn Quốc. Nhà sản xuất Chánh Phương cũng chớp ngay thời cơ, công bố dự án bom tấn “Sát thủ đầu mang mũ” do Charlie Nguyễn đạo diễn, được làm lại từ bộ phim Nhật Bản “Key of life”. Ngoài ra không thể không kể đến dự án làm lại phim bom tấn Hàn Quốc vừa quay xong là “Sắc đẹp ngàn cân”  do công ty của nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh mua bản quyền phim “200 pounds beauty”…

Nhận thấy tiềm năng của phim Việt hóa, nhiều nhà sản xuất phim Việt cũng đang có xu hướng săn lùng các phim ăn khách của Hàn, Nhật, Thái... để mua bản quyền làm lại.

Kịch bản Việt: Nhợt nhạt như người thiếu máu

Lý giải trào lưu phim Việt hóa thời gian gần đây, nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn cho rằng, mỗi năm Việt Nam làm 50-60 bộ phim, trong khi Mỹ làm 800 phim, Hàn Quốc cũng 500-600 phim Ấn Độ 1000 phim, … nên khán giả Việt luôn trong tình trạng “bị đói” những bộ phim hay là điều dễ hiểu.

“Điện ảnh Việt từ lâu rồi bị sa vào đơn giản hóa, thiếu sâu sắc, thiếu phức tạp, không bao giờ dám đi đến tận cùng vấn đề. Trong khi đó, “Sống chung với mẹ chồng” dám khai thác triệt để những tình huống, xung đột quyết liệt xung quanh cuộc chiến mẹ chồng nàng dâu mà những bộ phim cùng đề tài trước đây đã lảng tránh. Còn “Người phán xử” đã thay đổi hoàn toàn cách xây dựng nhân vật ông trùm mà từ trước đến nay màn ảnh nhỏ vẫn khắc họa. Cho nhân vật đóng vai tội phạm nhiều đất diễn là một điều hiếm thấy ở phim Việt Nam. Những điều này khiến khán giả thấy thú vị, thấy gần gũi, thấy đời hơn”- Ông Đoàn Minh Tuấn phân tích.

Điểm yếu lớn nhất của các nhà biên kịch Việt hiện nay, theo ông Tuấn, chính là “xa rời cuộc sống”. Ông kể, ngày xưa, những người được đào tạo viết kịch bản là những người đã tốt nghiệp đại học và đi làm phim được 5 năm. Nhưng hiện nay, điện ảnh đang đào tạo những bạn trẻ mới tốt nghiệp phổ thông. Họ chưa có trải nghiệm. Phần lớn, các cây viết trẻ lại viết theo nhóm, khiến phim không có sự nhất quán trong câu chuyện hay các diễn biến tâm lý nhân vật.

“Họ chỉ khái niệm về trồng cây cao su, khái niệm về đời sống dân tộc, khái niệm về chiến tranh… không hề có chi tiết hay câu chuyện thực tế. Họ cho ra các tác phẩm mang tính chủ quan, thiếu hơi thở cuộc sống. Tôi bảo các em phải đi đi, va chạm, trải nghiệm thì mới có chất liệu mà viết, mà đưa vào phim. Nhưng các em lại lười đi, lười cả đọc. Tôi mua sách cho sinh viên đọc nhưng hôm sau các em cười bảo chưa kịp đọc vì bận bán hàng online. Mỗi khóa có hơn 10 sinh viên nhưng khi tốt nghiệp chả thấy ai làm phim cả. Nếu có làm thì cũng như đi vào rừng mà không có bản đồ”- Là người trực tiếp giảng dạy nhiều khóa sinh viên lớp biên kịch của trường Sân khấu điện ảnh, Đại học Văn hóa, ĐH KHXH&NV- nhà viên kịch Đoàn Minh Tuấn không giấu sự thất vọng khi nói về lớp biên kịch trẻ hiện nay.

 “Trại sáng tác của Hội điện ảnh mở ra bao năm nay nhưng số tác phẩm có thể làm phim chỉ chiếm 1/1000. Hội điện ảnh cũng từng mời nhiều nhà làm phim nước ngoài đến giảng dạy, nhưng các nhà làm phim của mình chỉ phóng xe đến điểm danh rồi ra quán café ngồi. Nhiều nhà văn, nhà biên kịch nổi tiếng tôi không tiện nhắc tên đã từng cười khẩy cho rằng viết kịch bản cũng chỉ như viết truyện ngắn. Họ làm phim theo cảm tính, nhưng lại giữ chức quản lý trong bộ phận làm phim ở các xưởng làm phim lớn, thì làm sao chúng ta có phim hay? Nên những tác phẩm làm ra cứ nhợt nhạt như người thiếu máu”, tác giả biên kịch phim “Sống cùng lịch sử” nhận định.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, một nguyên nhân không nhỏ khiến phim Việt “đói” kịch bản còn là bởi ở Việt Nam, biên kịch là vị trí ít được chú ý nhất khi đánh giá một bộ phim. Không chỉ bị “ghẻ lạnh” trong đoàn làm phim và trước công chúng mà thù lao cho biên kịch cũng chưa thực sự tương xứng. Bởi vậy, để có nhiều tác phẩm hay, nhiều bộ phim hay, sẽ không chỉ trông chờ vào sự “cựa mình” của các nhà biên kịch mà còn cần cả cái bắt tay từ những người quản lý nghệ thuật.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.