Phó An My: Sau lửa là gió

Tranh của Nguyễn Văn Hổ
Tranh của Nguyễn Văn Hổ
TP - “Ngón dương cầm bão tố” (danh hiệu do các nhà báo đặt) Phó An My sẽ tái ngộ khán giả Thủ đô vào tháng 10. Lần này, cô “xe duyên” cho chèo và piano.

Diễn giải dân gian bằng chính mình

Nhà My đang ở trên phố Tây (Đặng Thai Mai, Hà Nội), mở cửa suốt ngày. Đây cũng là tụ điểm tập luyện của ekip tuồng trước đó và chèo sắp diễn ra. My chỉ vào cây đàn đỏ bảo: trông oách không, đang đắn đo có nên mua hẳn? Cũng thích đấy nhưng nếu mua lại phải kéo cày trả nợ, rất phiền!

Còn hơn một tháng nữa “Gió” của My sẽ diễn ra ở Rạp Công nhân (ngày 29/10/2016). Mặc dù tám năm ở Đức cũng được học cả: làm PR, sản xuất… song bởi vì phải nai lưng ra “tự”: từ tập luyện, bán vé đến trải thảm nhà hát nên đến trước giờ biểu diễn My thường bị… đơ, hoặc đúng mô tả của khổ chủ là “lưỡi vắt sang một bên”.

“Gió” là chương trình lớn thứ ba Phó An My kết hợp âm nhạc dân gian và khí cụ phương Tây, cụ thể ở đây là piano và chèo, dựa trên cốt truyện Quan Âm Thị Kính.

Gió sẽ là vở diễn cuối cùng của Phó An My và Đặng Tuệ Nguyên đi theo mảng đối thoại Đông Tây, làm tiền đề cho hướng rẽ mới của My và Nguyên trên con đường mới.

Phó An My sinh năm 1977, bắt đầu học piano từ 5 tuổi. 13 tuổi, sang Berlin (Đức) thi đỗ vào Trường E.M. Phillips Bach - một trong những trường đào tạo âm nhạc tốt ở Đức. Từng đoạt giải nhất cuộc thi song tấu piano - clarinette của TP. Berlin năm 1996. Cô tốt nghiệp loại xuất sắc, năm 1998.

Trước đó, năm 2011 My có “Bóng” – đối thoại giữa piano và hầu đồng. My bảo, lúc đầu lấy tên “Bóng” rất khó xin giấy phép, mọi người bảo đổi đi nhưng My kiên quyết bảo vệ nó. Cô giải thích với những người cấp phép: “Bóng” ở đây là tưởng tượng, là phần nằm trong tâm tưởng, một phần không thiếu được trong mỗi con người chứ không phải là gay, là lesbian hay là mê tín dị đoan. Năm 2014 My làm “Lửa” – kết hợp tuồng và piano. “Lửa” trong nguyên tác của nhà thơ Lương Tử Đức là “Lửa thiêng” nhưng My chỉ thích những thứ ngắn, kiệm, cho nên ra rạp chỉ còn tên “Lửa”.

Ý tưởng này của My bắt đầu từ năm 2006, khi lần đầu diễn ở Festival Huế. Cô nghĩ đến một phương thức làm tuồng, chèo, chầu văn dễ nghe, dễ cảm hơn, cũng làm cho âm nhạc cổ điển phương Tây gần gũi hơn với số đông dân chúng.

Những chương trình đầu tiên vấp phải khá nhiều phản đối, có ý kiến cho là My đang phá tuồng. Ngay phụ huynh cũng có lúc hoang mang: “cho con ăn học để đánh cổ điển, con cứ làm gì thế”?

Phó An My: Sau lửa là gió ảnh 1

My giải thích: cô chỉ muốn diễn giải cái cũ bằng cá nhân mình. Đứng ngoài tác phẩm thể loại đó để nhìn vào nó, sòng phẳng như một người bạn. Cô không có nhu cầu phá vỡ mà chú trọng giữ nguyên bản, để hai thể loại nhạc có thể song hành, đối thoại cùng nhau. Đây là một sự kết hợp bình đẳng, nâng đỡ nhau, sử dụng hai ngôn ngữ nghệ thuật âm nhạc và diễn xướng khác nhau thành một chỉnh thể nghệ thuật khác.

Bằng vào chính các tác phẩm của mình, My muốn chứng minh: Âm nhạc cổ truyền Việt Nam hoàn toàn có thể giao thoa với âm nhạc thế giới mà không sợ bị hòa tan hay mất bản sắc.

Càng khó càng thích

Năm 2014, My khai phá tuồng và piano, mời NSND Lê Tiến Thọ làm cố vấn nghệ thuật. Cô chỉ dùng một câu duy nhất để thuyết phục ông: “Chú sẽ thấy Tuồng lên sân khấu Nhà hát Lớn không bao giờ có thể đông hơn và sang trọng hơn như thế này”. Sau khi “Lửa” cháy cùng khán giả suốt hơn một tiếng đồng hồ, ông Thọ đã phải thốt lên: "phong cách độc đáo nhất Việt Nam và làm đời sống âm nhạc truyền thống sáng cháy lên ở thời nay".

Hỏi My làm thế nào để “quẳng phản ứng đi và diễn tiếp”, cô cười: “tôi chẳng quẳng cái gì cả. Người ta khen chê chứng tỏ họ quan tâm. Muốn chê vậy thì phải có lý lẽ. Những người cộng tác với tôi đều là các nghệ sĩ tuồng gạo cội, nhưng chưa thấy ai bảo tôi phá tuồng”. 

NSND Hương Thơm – Phó GĐ nhà hát Tuồng VN đóng vai Phương Cơ trong vở “Lửa” nhận xét: “Khi My kết hợp tuồng và âm nhạc hiện đại đã gợi ý cho chúng tôi một cách thức mới để quảng bá nghệ thuật tuồng không chỉ trong nước mà cả ra nước ngoài. Piano làm tuồng nhẹ đi, dễ hiểu hơn. Nếu Tuồng không tìm được những cách thức tiếp cận khán giả, có thể nó sẽ biến mất”.

NSƯT trống tuồng Nguyễn Văn Quý cho rằng: “Nghệ thuật tuồng là nghệ thuật mang tính bác học. Đối với khán giả chưa từng tiếp xúc thì sẽ thấy khó hiểu. Khi Phó An My đưa ra ý tưởng kết hợp tuồng và piano, đầu tiên tôi thấy nó không có điểm chung, nhưng hiện thực đã chứng minh, chúng thực có thể tìm thấy nhau trên sân khấu”.

Nam Phong - một fan của My, sau khi xem “Lửa” viết trên tường nhà cô thế này: “Tôi là một người xem nghệ thuật rất bình thường, chẳng hiểu lắm về piano, cũng như tuồng. Thế nhưng tôi đã không thể đứng dậy ra về được bởi sự cuốn hút kỳ lạ và vô cùng mãnh liệt khi tiếng đàn piano kết hợp với tiếng trống tuồng thúc giục, tiếng kèn khi da diết khi bi ai… trở thành tổ hợp âm thanh đưa người xem chìm vào những xúc cảm mãnh liệt cùng các nhân vật. Sự mới mẻ trong âm nhạc đã giúp các nhân vật của tuồng thăng hoa hơn, người ta như nhìn thấu đến tận cùng xúc cảm của nghệ sĩ sau tấm mặt nạ tuồng sặc sỡ mà bí ẩn”.

My bảo, cứ mấy năm không làm gì thì lên cơn điên. Nhưng làm xong bao giờ cũng phải mất một năm chỉ để thở, chả làm được gì khác.

Phó An My: Sau lửa là gió ảnh 2

Phó An My

Cô cũng chưa từng có cảm giác thỏa mãn sau mỗi chương trình. Thường làm xong sẽ cáu bẳn, sẽ biết thế và tiếc thế. Sẽ vò đầu bứt tai tự hỏi: sao nghề này tổn thọ thế nhỉ, mỗi chương trình kết thúc thấy mình như già đi mấy tuổi.

Nói về âm nhạc My rất tự tin, song vẫn tỉnh táo bảo: có thể lần nào cũng kín rạp là vì mình đi con đường chưa ai đi, mọi người thấy lạ, đến xem. Còn nó hay dở thế nào, có khi mười hai mươi, năm mươi năm sau mới biết được. Chỉ biết là mình đang làm với những cố gắng tốt nhất và tử tế nhất!

Thuộc diện “hộ nghèo”

Bạn bè nói về My thường kèm thêm hai mỹ từ: điên lắm và rách lắm! My bảo: mọi người thấy tôi làm toàn chương trình oách, tưởng nhiều tiền nhưng thực ra, những cái thử nghiệm này công diễn được đã là quá kinh. Tiền là xa xỉ của xa xỉ.

Bạn thân của My bảo: nó nghèo nhưng sống rất sang. Cầm tiền trong tay sợ bỏng, cứ có là phải nghĩ cách tiêu hết.

Nhớ lần diễn “Bóng” ở rạp Công Nhân (Hà Nội), sát giờ tự nhiên được thêm 30 triệu tài trợ. My thuê luôn người trải thảm đỏ, gắn hoa hồng nhung (biểu tượng của đạo Mẫu) vào tất cả các ghế. Và để cho giống buổi hầu đồng - phải có quà cho mọi người, My lại nhờ người chuẩn bị mấy trăm suất tặng khán giả. Sau lần ấy My ân hận mãi, bởi vì làm decor đẹp quá dân tình cứ đứng ngoài chụp ảnh, buổi biểu diễn bị muộn giờ. Năm nay diễn “Gió” My dọa: chả làm đẹp nữa!

Hoặc lần diễn “Bóng” ở Nhà hát Lớn, lãi 10 triệu, My nghĩ ngay đến việc đem nó vào Sài Gòn, dù lúc đó mọi quan hệ trong Sài Gòn bằng không.

Ở Sài Gòn, tám giờ diễn, 7h30 mới có một khách đến. Cả ekip buồn thiu. My quyết định: dù có một người cũng vẫn diễn như đang kín rạp. Đúng 8h, một người hô: chuẩn bị diễn nhá, kín rạp rồi! Cả đoàn như được tiêm dopping. Diễn xong khán giả im phăng phắc. Sau đó thì vỗ tay “váng đầu”. Còn có rất nhiều người xúm lên khán đài xin chữ ký. My bị sốc vì chưa hề chuẩn bị tinh thần cho việc đó.

Lần cao hứng này làm My lỗ hơn 100 triệu, chủ yếu cho chi phí đi lại và bị đổi Nhà hát.

My bảo, đi được đến bước này, phải cám ơn rất nhiều ekip đã song hành với cô. Mặc dù nghệ sĩ nào cũng sở hữu cái tôi to đùng, thế nhưng trong suốt mấy năm hợp tác, mọi người lại chưa hề tranh cãi, không khí làm việc gần như hòa bình tuyệt đối. My rất phát xít đối với mình, nhưng với cộng sự lại rất có lòng tin. Câu My hay nói là: không tin thì tự làm đi! 

Không tỏ ra nguy hiểm

My sang Đức học piano từ năm 13 tuổi, thuộc diện dễ hòa nhập nhưng vẫn thích ở Hà Nội nhất. Lý do là không bỏ được những khoảnh khắc giao mùa, hay khi gió mùa đông bắc, chỉ cần nghe đã xúc động rồi.

Việc mà My thường làm nhất trong ngày là ngồi ghếch hai chân rình muỗi đập. Có thể làm việc ấy ngày này qua ngày khác và chỉ thay đổi tư thế. Có thể ngồi trắng đêm đến 6 giờ sáng không nghĩ gì hoặc nghĩ được rất nhiều thứ.

My rất khéo tay, làm đồ thủ công cực chất. Có thể nấu bữa cơm trong 15 phút và thích nghiên cứu về ẩm thực các vùng miền.

My cũng giỏi các việc lao động tay chân. Khi tôi nghi hoặc: Sao nghe nghệ sĩ piano phải bảo vệ bàn tay kỹ hơn bản mặt? Cô cười rũ: “Bọn nó tỏ ra nguy hiểm đấy. Vì người tập piano phải tập cả lực ngón tay, cơ cổ và cánh tay. Cho nên tay chúng khỏe hơn người thường”.

My chủ trương không ở cố định một ngôi nhà. Cứ năm bảy năm sẽ thuê một cái nhà mới. Ba mẹ con My sống bằng tiền cho thuê cái nhà “thừa kế” ở phố Quán Thánh. Bạn bè động viên My đi diễn event hoặc nhận dạy piano cho trẻ em để thêm thu nhập, mua cái ô tô mà đi, nhưng My lại nghĩ: mua ô tô lại phải tìm nơi gửi, phải rửa, sửa, đổ xăng, rất phiền toái. Vậy là thôi. Tương tự với các kế hoạch “thoát nghèo” khác, My đều tìm một lý do gì đó để thấy nó “không xứng đáng”. Thời gian còn lại cô dành để rong chơi. Triết lý của My là đời không nên có cái gì vướng vào thân.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.