Phố cổ vui Trung thu

Trẻ em chơi đèn kéo quân. Ảnh: Tuấn Anh
Trẻ em chơi đèn kéo quân. Ảnh: Tuấn Anh
TP - Lên Hàng Mã và các phố lân cận đã thành thói quen khó cưỡng của người Hà Nội và cả ngoại tỉnh trong tháng này. Tuy vậy nếu chỉ đi dạo và ngắm suông, và lo phòng kẻ cắp, sẽ khó có niềm vui trọn vẹn.

Sáng 11/8 âm lịch (AL), đoạn phố Hàng Lược cấm các phương tiện đi lại, ưu tiên chợ Trung thu. Kể cũng hơi quá. Bất quá chỉ nên cấm buổi tối. Lòng đường các phố cắt Hàng Mã dịp này được trưng dụng để trông xe, 20.000đồng/xe máy, đúng là “mùa gặt”.

Giữa  muôn hồng ngàn tía...

Thật ngạc nhiên, Hàng Mã bây giờ đồ chơi Trung Quốc giảm hẳn, nhường chỗ cho mặt nạ, đầu sư tử, ông địa, trống... made in Việt Nam. Cả phố khua trống, inh ỏi, rộn ràng. Nhiều hàng bày mặt nạ giấy bồi, vui mắt: Hổ, lợn, cáo, mèo, Đường Tăng, phù thủy, Kachiusa, thủ lĩnh da đỏ, Thị Nở… nhập từ các làng nghề quanh Hà Nội, khoảng  25.000 đồng- 30.000 đồng/chiếc. Mặt nạ nhựa Trung Quốc gắn điện nhấp nháy 40.000 đồng-50.000 đồng. Cũng có mặt nạ silicon thần chết hoặc mặt lạnh tanh như nhân vật điện ảnh Phăng-tô-mát ngày xưa, buồn cười chứ chưa đủ dọa ai. Gậy tự sướng (dùng để khều điện thoại chụp ảnh)- mốt năm nay, bán chạy, dáng dấp không đến nỗi thô kệch. Cá chép đỏ và vàng cắm điện giãy tanh tách cũng là mốt mới. Trong các loại đèn thì đèn ông sao nhiều nhất, đèn kéo quân nhiều và không ấn tượng lắm, còn “đèn lồng đỏ treo cao” kiểu Trung Quốc ít hơn hẳn những mùa trước. 

Phố cổ vui Trung thu ảnh 1

Hóa trang ấn tượng để thu hút khách hàng.

Đèn cù, chiếc đèn yêu thích của tuổi thơ tôi đâu? Đèn cù đơn giản nhưng tuyệt, gồm 6 cánh hoa các màu, gắn kết bởi khung gỗ và giấy bóng kính, giữa có que sắt nhỏ để cắm cái nến. Cầm chiếc cán dài đẩy khắp nơi, đi đến đâu cánh hoa quay tít, đèn nến lung linh, quá vui. Hết mùa, để góc nhà vẫn thấy xứng đáng. Nay cũng thấy đèn có cán, có nến tạo hình con cá con cua, máy bay (sao máy bay lại bay là là mặt đất thế), rồi các nhân vật hoạt hình. Cũng sáng tạo đấy, nhưng ngày này tôi thích nhớ về một thứ tên là “cù” nguyên bản.

Một món tôi cần tìm nữa, chỉ để nhớ, là chiếc tàu thủy bằng sắt tây, chạy phành phạch trong chậu nước với dầu hỏa làm nguyên liệu. Món này còn ám ảnh hơn đèn cù, là thứ đồ chơi không đứa trẻ Hà Nội nào ngày xưa không mê dù trai hay gái, chỉ sợ nhà không có điều kiện. Hóa ra Hàng Mã không có nhưng “kết” quá thì có thể sang Hàng Thiếc. Tàu to 400.000đồng, tàu nhỏ hơn 300.000đồng (chưa mặc cả). Không quá đắt vì làm khá kỳ công, đuôi tàu gắn cả máy bay.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng 50 tuổi, thợ thủ công ở Khương Đình và theo khảo cứu của Ban quản lý phố cổ Hà Nội thì trước đây, làm đồ chơi sắt tây là nghề chính của dân làng Khương Đình trong đó có gia đình ông Hùng. Hết mùa vụ Trung thu, họ sản xuất thùng nước, xô chậu, lư hương, con hạc trong chùa... bằng sắt tây giả đồng. Giờ đồ chơi không thể nuôi sống gia đình nhưng họ vẫn giữ nghề với niềm vui khi còn người cần nghề của mình. Một số cửa hàng lưu niệm phố cổ vẫn đặt ông Hùng để bán cho khách du lịch- vừa là đồ chơi vừa quà lưu niệm. Thế ra không chỉ mình hâm hâm hoài cổ.

10.000 đồng một vé về tuổi thơ

Đình Kim Ngân- di tích quốc gia trên phố Hàng Bạc sáng 13 AL, ngoài cổng chăng chiếc đèn ông sao lớn màu vàng nổi bật còn trong sân, chú cá chép giấy to vật chình ình. Rồi mặt nạ đội nón quai thao, đèn nến các loại. Ở cửa đình, hai vị một nam một nữ ngồi nặn tò he và bông hồng cho trẻ ngắm, đứa nào thích thì đòi mua với giá 10.000 đồng, bị kêu hơi đắt. Được cái, cổng đình có dựng các biển thông tin kèm hình ảnh, đủ cả: Ý nghĩa của tết Trung thu, lịch sử nghề nặn tò he, nghề làm tiến sĩ giấy, nghề và nghiệp nghệ nhân làm đồ chơi v.v... Đình Kim Ngân chỉ là một trong nhiều điểm được quận Hoàn Kiếm chọn tổ chức “Lễ hội Trung thu Phố cổ” rải ra chục ngày nay, cùng với nhà cổ 87 Mã Mây, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ (Đào Duy Từ), cửa chợ Đồng Xuân... 

Phố cổ vui Trung thu ảnh 2

Chị Nga thao tác bên mẹt kẹo kéo

Giữa phố Hàng Mã, một chị đứng bên mẹt kẹo, mời tôi: “Ăn chiếc kẹo kéo trở lại tuổi thơ nào!”. Kẹo này ngày xưa bọn tôi gọi là kẹo mạch nha, còn kẹo kéo của mấy ông Tàu để trên cái hòm gỗ cơ, kẹo màu trắng nhân lạc. Kẹo của chị Nga người Ngọc Lâm (Gia Lâm) này sáng tạo thêm bánh đa kẹp dừa sợi, giá 10.000 đồng, một vốn mấy lời. Kéo kẹo tay phải khỏe lắm, mệt, tôi mua một chiếc và chụp ảnh chị đang thao tác. Mấy thanh niên tíu tít chìa tiền đòi kẹo, hỏi rõ gốc tích ngọn nguồn món ăn lạ. Đúng là trở lại tuổi thơ thật! Chị Nga hớn hở khoe, vẫn bán loại kẹo này bao năm nay, mỗi tuần ba tối ở phố đi bộ. Thế mà cứ tưởng nghề này thất truyền lâu rồi, chỉ còn kẹo bông to như cái rổ thôi.

Nếm bánh Trung thu từ tháng Bảy- tự làm càng tốt. Tăm tia nơi nào có trò chơi dân gian, hướng dẫn làm các thể loại đồ chơi thì kiếm một chân. Đi chợ Trung thu phố cổ ngắm xem năm nay khác gì năm ngoái năm kia. Được ăn cỗ và phá cỗ trông trăng đúng nghĩa, ở nơi không đẹp thì cũng thân thương gần gũi, cùng người thân người lạ... Từng ấy thứ làm thành một mùa trông trăng hạnh phúc cho đứa trẻ. Cha mẹ chúng nếu khéo, có khi còn được lên chuyến tàu trở lại tuổi thơ trong chốc lát. Đơn giản thế thôi mà dường như không dễ.

Dễ quá tải đêm chính lễ?

Đêm hội rằm Trung thu phố cổ  tối 14 AL trước cửa chợ Đồng Xuân gồm thi bày cỗ, thi rước đèn, vui phá cỗ trông trăng, các trò dân gian, văn hóa nghệ thuật, xiếc, võ thuật thiếu nhi. Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong dự đoán, cuộc này thu hút hàng nghìn trẻ.

Qua Facebook của chương trình Rước trăng chơi phố tại Bảo tàng Hà Nội, số người đăng ký lên 1.600 người lớn, chưa kể trẻ nhỏ. (Sức chứa của bảo tàng là 2.000 người). “Chúng tôi có 50 tình nguyện viên chưa kể cán bộ bảo tàng. Để tránh quá tải, BTC đánh trống khai hội 19h15, sớm hơn các địa điểm khác”, ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc bảo tàng nói. Lo ngại nhất là sức chứa của bãi xe, ông Đà cho biết phối hợp được với Cung triển lãm Quy hoạch Quốc gia giải quyết chuyện này. Nơi đây diễn ra các trò bắt chạch trong chum, tô mặt nạ, đi cà kheo… trên cỏ.  BTC cũng trao giải vẽ cho các bé thể hiện hôm 20/9.

             Toan Toan

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.