Phố đi bộ ở TP Hồ Chí Minh - Bài 1: Đẹp và chưa đẹp…

Phố đi bộ Bùi Viện vừa được khai trương với đặc sản chủ yếu là ẩm thực “thượng vàng hạ cám”hai bên đường.
Phố đi bộ Bùi Viện vừa được khai trương với đặc sản chủ yếu là ẩm thực “thượng vàng hạ cám”hai bên đường.
TP - Đến hai phố đi bộ ở Sài Gòn, du khách được thưởng ngoạn cảnh đẹp và ẩm thực độc đáo nhưng hàng rong vô tội vạ và rác thải tiện đâu xả đó khiến nhiều người ngán ngẩm.

Đẹp thì có đẹp…

Sài Gòn có hai phố đi bộ nằm ở Quận 1; phố Nguyễn Huệ khai trương từ tháng 4/2015 và Bùi Viện vừa khai trương 20/8 vừa qua. Ở vị trí và đặc thù khác nhau nên hai phố này có nhiều nét khác biệt.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ là một quảng trường dài thu hút hàng ngàn người dân và du khách, nhất là những người trẻ đến đây mỗi buổi tối bởi nhiều lý do. Đầu phố, khu công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đông nghẹt người chụp hình, tham quan. Đây cũng là khu vực đẹp nhất của phố đi bộ, thu hút lượng lớn du khách với những tòa nhà nổi bật: trụ sở UBND thành phố, Nhà hát thành phố, khách sạn Rex … mang nét đẹp lịch sử hoà lẫn với thương xá TAX được cải tạo mới, tòa nhà Saigon Times Square cùng trung tâm thương mại Vincom với dáng vẻ xa hoa, hiện đại.Từ đây, du khách còn có thể hướng mắt về phía bến Bạch Đằng ngắm trọn toàn cảnh phố đi bộ, nhìn ngắm tòa nhà đổi màu và tòa Bitexco cao nhất thành phố đẹp lung linh về đêm.

Việc chụp hình trong khung cảnh tuyệt đẹp của Sài Gòn là điều không thể thiếu của bất cứ ai khi đến phố Nguyễn Huệ.

Ngoài cảnh đẹp, điểm nhấn của phố Nguyễn Huệ là chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố“Ho Chi Minh City Street Show” do Sở Du lịch TPHCM tổ chức vào tối thứ bảy, chủ nhật hằng tuần với 6 cụm trải dài khắp phố. Người dân và du khách được xem biểu diễn rối nước, nhạc cụ truyền thống kết hợp với nhạc đương đại, biểu diễn violin kết hợp múa, xiếc - ảo thuật, biểu diễn các đạo cụ, nhảy flashmob… Tại ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi, Nguyễn Huệ - Mạc Thị Bưởi còn có hai hồ nhạc nước kết hợp trình diễn ánh sáng nghệ thuật như một điểm nhấn.

Cùng đó, người dân đến phố Nguyễn Huệ còn bị thu hút với nhiều quán café, nhà hàng ăn uống hai bên đường. Tụ tập bạn bè vừa ăn uống vừa chụp ảnh cả con phố từ trên cao là sở thích của rất nhiều bạn trẻ khi đến đây.

Trong khi phố Nguyễn Huệ xôm tụ với thưởng ngoạn cả ngày thì ở phố đi bộ Bùi Viện (còn gọi “phố Tây ba lô”) chỉ nhộn nhịp về chiều tối và đêm. Đây là con đường khá hẹp, tập trung nhiều du khách nước ngoài và có nhiều nhà hàng, quán bar từ sang trọng đến bình dân. Đặc sản thu hút khách của phố Bùi Viện là ẩm thực đa dạng, nhiều món truyền thống Việt, Thái, Ấn, Âu… với giá bình dân, được niêm yết cụ thể. Du khách tới đây được ngồi vỉa hè uống bia, thưởng thức đủ món thịt nướng, hải sản, nghêu sò… tới tận 2h sáng mà không bị làm phiền.

Ngoài ẩm thực đa dạng, phố Bùi Viện cũng có điểm nhấn là các chương trình nghệ thuật đường phố tương tự phố Nguyễn Huệ, gồm hai cụm ở đầu và cuối phố trong khung giờ 20-22h cuối tuần.

Phố đi bộ ở TP Hồ Chí Minh - Bài 1: Đẹp và chưa đẹp… ảnh 1 Phố đi bộ Nguyễn Huệ còn nhếch nhác.

Đơn điệu và nhếch nhác

Dù thành phố đã cấm hàng rong nhưng bất chấp lệnh cấm, có đến cả trăm xe đạp, xe máy, xe ba gác và các tụ điểm bán hàng rong bày biện khắp phố Nguyễn Huệ. Khu công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được lực lượng an ninh kiểm soát tốt nhưng hàng rong lại bủa vây xung quanh các rào chắn. Ngay trước mặt trụ sở UBND TP, cả chục xe hàng rong đèn sáng lập lòe mời gọi. Hàng rong còn có mặt khắp phố đi bộ. Không chỉ gây cản trở, những chiếc xe máy, xe ba gác hàng rong còn gây nguy hiểm cho người đi bộ mỗi khi bị lực lượng chức năng truy đuổi.

“Đuổi thì chạy. Chạy hoài cũng thành quen, xui lắm mới bị lên phường xử phạt. Nghe nói có chỗ thành phố cho bán hàng rong nhưng tôi nộp đơn lên nhưng không được duyệt đành ra đây bán cho đông khách”, một phụ nữ bán hàng rong cho biết.

Những món hàng rong được bày bán chủ yếu là nước suối, nước ngọt đóng chai, những món ăn vặt bánh tráng trộn, bánh tráng nướng, trứng cút, hột vịt lộn… với giá chỉ hơn mười ngàn đồng/món. Quanh những chỗ bán hàng rong, các bạn trẻ ngồi tụ tập nói chuyện vui vẻ, vô tư ăn uống vặt và nhiều người cũng vô tư xả rác. Rác vứt thành đống, rác vương vãi quanh những thùng rác được bố trí hai bên đường phố, rác vương vãi khắp nơi.

“Có dịp đưa gia đình ra phố đi bộ, tôi phải tìm mãi mới được chỗ gửi xe máy mất 20 ngàn đồng. Cảnh đẹp thật nhưng hàng rong và rác đầy trên phố rất nhếch nhác, làm mất hình ảnh Sài Gòn với du khách nước ngoài”, anh Dũng, một cư dân thành phố đến phố đi bộ bày tỏ.

Ngoài điểm sáng nghệ thuật do Sở Du lịch TPHCM tổ chức ngắn ngủi, các chương trình nghệ thuật đường phố khác ở cả hai phố đi bộ đều không thực sự nổi bật. Vài nhóm bạn đàn hát, nhảy nhót, giao lưu nghệ thuật với nhau cuối tuần dạo khai trương phố Nguyễn Huệ đã trở nên hiếm thấy. Cuối phố, vài bạn trẻ cùng làm “tượng sống”, dáo dác (vì sợ bị lực lượng chức năng truy đuổi) chào mời du khách mua kẹo. Mua 20 ngàn đồng/cây kẹo, bạn mới được chụp hình cùng nhân tượng.

Thực khách “rượu vào lời ra” cãi vã, xô xát nhau là chuyện diễn ra thường xuyên ở phố Bùi Viện. Điển hình như vụ ẩu đả gây thương tích của diễn viên trẻ Phạm Tuấn Anh cùng nhóm bạn với nhóm giữ xe; hay vụ người của hai quán nhậu đánh nhau khiến 1 người tử vong rạng sáng ngày 14/5 vừa qua. Đó là những mặt trái cần được cơ quan chức năng có biện pháp quản lý, chấn chỉnh.            

(Còn nữa)

“Phố Bùi Viện có cái dở là ngắn quá, con đường quá nhỏ mà nép vào khu dân cư quá đông. Vì vậy, mâu thuẫn, xô xát dễ xảy ra, nhất là những người có quốc tịch, màu da, chủng tộc văn hóa khác biệt”.

GS.TS Nguyễn Minh Hòa, Ủy viên Hội Đồng Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM nhận định

MỚI - NÓNG