Pop art kiểu Nguyễn Văn Hổ

TP - Nhiều họa sĩ bảo Nguyễn Văn Hổ (nghệ danh Phi Hổ) có ngoại hình của Võ Tòng đả hổ trong “Thủy Hử”, nhất là khi anh để tóc dài. “Người anh hùng” ấy nói rằng, ngôn ngữ của anh không được tốt, diễn đạt có vấn đề, thế nên nếu câu chuyện có gì khó hiểu, thì cứ xem tranh anh là được!

Nội dung pop art hình thức sơn mài

Trong quá trình vẽ của Nguyễn Văn Hổ, những chất liệu anh từng kinh qua bao gồm: sơn dầu, màu nước, mực tàu, giấy dó v.v… Phong cách nổi trội là pop art với triết lý sáng tạo đậm tinh thần 9X: nghệ thuật phải fun, đừng quá nặng nề! Cuộc đời vừa ngắn vừa đầy bất trắc, nếu cả nghệ thuật cũng “mặt ủ mày chau” nữa thế thì quá mệt!

Một trong những lý do Hổ thích pop art vì những mảng màu mạnh, tinh thần hài hước và giễu nhại dù là trong những hoàn cảnh “bỗng dưng muốn khóc”.

Khoảng gần một năm nay, Hổ chuyển sang vẽ sơn mài. Có cơ duyên tiếp xúc kỹ với rất nhiều tranh gốc của những tác phẩm sơn mài đỉnh cao, anh từng bị áp lực rất lớn. Hổ cũng chưa từng nghĩ mình sẽ có thể làm gì đó khác đi bởi cái bóng của những Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm v.v… quá lớn. Cho đến một ngày, sự ngang bướng trỗi dậy: nếu chỉ sử dụng sơn mài như là một chất liệu đơn thuần thì sao? Nếu dùng cách thức cổ điển để nói những câu chuyện hiện đại thì sao? Sau đó, Hổ có “Cô gái hút xì gà” lộng lẫy vàng son và hàng chục chân dung hiện đại khác bằng sơn mài. Anh bảo càng làm thể loại này càng ưng vì sơn mài có rất nhiều “bất ngờ” mà sơn dầu không có được. Bản thân những bất ngờ từ chất liệu ấy cũng giống một liều dopping. Có bức hoàn thành trong một tháng, có bức hai tháng, Hổ còn khoe: “sẽ làm một bức từ năm nay đến năm tới khổ oách luôn: 1m2x2m4”.

Chuyển từ sơn dầu sang sơn mài cũng là một thử thách với Nguyễn Văn Hổ. Mọi khâu đều tự mày mò, có lúc anh còn tưởng không làm nổi vì “sốt ruột”. Trong khi sơn dầu có thể “một nhát ăn ngay” thì sơn mài phải nhẫn nại, phải chờ đợi, hết lớp này đến lớp khác, càng có thời gian, màu mới càng “ngấu”. Vẽ xong được mười bức sơn mài, tự Hổ nhận thấy mình trở nên “nhẫn” hơn hẳn.

Vượt qua khảo nghiệm sơn mài, Hổ đúc kết được một kinh nghiệm: kho tàng nghệ thuật truyền thống của Việt Nam thực ra đều có thể học hỏi, biến tấu trở thành những thứ ngôn ngữ và công cụ mới. Nhất là khi dùng nó để nhấn mạnh những sự đối lập: truyền thống và hiện đại, quá khứ và tương lai, bảo thủ và cấp tiến v.v…

Vào ngày 3/12, mười bức sơn mài kết hợp chạm khắc của Hổ cùng với hai họa sĩ nữa sẽ triển lãm ở 16 Ngô Quyền. Trong cuộc này, Hổ còn một chiêu nữa là sắp đặt. “Để cuộc vui thêm xôm chứ cũng chẳng âm mưu gì”!

Pop art kiểu Nguyễn Văn Hổ ảnh 1 Chân dung tự họa của họa sỹ Nguyễn Văn Hổ. Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

Hổ vẽ… hổ

Hồi tháng tư, Nguyễn Văn Hổ được võ sĩ Vịnh Xuân quyền Pierre Francois Flores

đặt hàng hai bức tranh hổ để tặng cho các đối thủ của mình. Sự việc Pierre Francois Flores giao đấu với một nhà văn võ sĩ người Việt gần như là đầu câu chuyện của thời điểm ấy. Hai bức tranh vẽ trên giấy dó trong vòng hai giờ đồng hồ, với Nguyễn Văn Hổ giống như chỉ là “tiện tay thì làm”. Sau nghe Hổ kể: ngay từ nhỏ anh đã vẽ hổ, rồng, phượng nhiều đến mức có thể đong bằng đấu.

Thuở nhỏ, Hổ chỉ được biết đến từ “mỹ thuật” và Đại học Mỹ thuật qua radio. Ông nội – một thầy đồ giỏi chữ Hán thường xuyên đem theo cháu đến đình chùa, và những hình khắc, vẽ để thờ cúng trở thành các mẫu đầu tiên của Nguyễn Văn Hổ. Sau này, để vẽ hổ, anh đã dành rất nhiều thời gian chỉ để xem các clip về những đặc tính của loài vật này. Nên nói bức tranh chỉ mất một tiếng hoàn thành, vậy chính xác hơn là nó đã qua nhiều năm tháng thử nghiệm đến độ thành tay quen.

Nguyễn Văn Hổ sinh năm 1977, mê vẽ nhưng không dám thi Đại học Mỹ thuật vì nghe nói rất khó. Cho nên ban đầu, anh đi đường vòng: thi Cao đẳng Nhạc họa Trung ương. Tốt nghiệp rồi mới biết các thầy dạy mình toàn đi ra từ ĐH Mỹ thuật. Năm năm sau đó Hổ vừa đi vẽ thuê ở Bát Tràng, đục bia mộ thuê… vừa thi đi thi lại vào ĐH Mỹ thuật. Lần thứ năm mới đỗ vào khoa Hội họa. Hiện tại, cả lớp chỉ còn mình Hổ theo nghề vẽ chuyên nghiệp.

Ông nội gần như là người thầy đầu tiên về nghệ thuật của Hổ. Cũng nhờ những bài đồng dao đậm chất folklore của ông, tranh Hổ sau này che giấu bao nhiêu cũng vẫn lộ ra sự giễu nhại đâu đó. Kể cả trong những ký họa chân dung “rất nghiêm túc”.

Pop art kiểu Nguyễn Văn Hổ ảnh 2 Họa sỹ Nguyễn Văn Hổ bên tác phẩm mới.

Vẽ khi khỏe và chỉ nghe cảm xúc

Một ngày của Nguyễn Văn Hổ thường bắt đầu lúc sáu giờ sáng. Uống nước ấm, ra sông Hồng bơi nửa tiếng (kể cả thời tiết đầu đông), sau đó ăn sáng, đi chợ mua thức ăn và đến xưởng vẽ.

Hổ kể, trong sinh hoạt anh “không nghệ sĩ” tí nào. Mỗi ngày định kỳ ăn hai quả chuối. Cơm tự nấu, ăn đúng giờ và không bao giờ uống rượu trong khi làm việc. Hỏi họa sĩ: nếu không nương nhờ chất men vậy anh dùng gì để bay? Câu trả lời nghiêm túc tôi nhận được là: cảm xúc và sức khỏe!

Xưởng vẽ của anh rộng 200 mét vuông “ai vào cũng được”, đêm ngủ thì không cần khóa cửa. Anh bảo, bởi xuất thân từ nông thôn (quê Hưng Yên), anh thích những không gian rộng lớn, trước hết để thở, để đi lại, tập luyện… Nói thêm, Hổ tập Vịnh Xuân Quyền được mấy năm nay. Đấy cũng là lý do anh nhận vẽ gấp cho một cao thủ Vịnh Xuân trong khi chưa biết ông này là ai.

Người khác phải yên tĩnh tập trung mới vẽ được, anh có thể cầm cọ trong lúc xung quanh ồn như cái chợ. Người khác thích vẽ khi cảm xúc đầy đủ, Hổ thích vẽ khi khỏe. Một cảm giác từ bên trong (mà anh không biết gọi tên là gì) luôn là kim chỉ nam của Hổ. Nghe người này người kia, bậc thầy này, bậc đàn anh khác, góp ý cuối cùng đều thấy không ổn bằng “cái cảm giác” của chính mình. Cũng có khi Hổ dùng lý trí để áp thứ cảm giác bản năng đó, nhưng rồi vẽ ra, vẫn phải sửa lại.

Có những giai đoạn bế tắc, không có ý tưởng mới, Hổ gần như không cầm cọ. Anh dành hẳn một hai năm chỉ để đi chơi và xem phim kinh dị. Cửa hàng cho thuê băng đĩa gần nhà có đĩa kinh dị nào anh đều thuê về xem hết. Cho đến lúc chán thì quay sang nghe nhạc. Từ nhạc vàng, tiền chiến, chầu văn, xẩm, cho đến nhạc thổ dân, đồng quê, pop, rock… Nghe đến chai tai mới dừng. Những tâm trạng bị đẩy “kịch trần” khiến cho tranh Hổ trước sau đều là những hình ảnh, cảm xúc rất cá nhân và chỉ cá nhân của anh.

Triển lãm H2T của ba họa sỹ Nguyễn Văn Hổ (Phi Hổ), Vũ Quang Hưng và Giáp Tuấn, khai mạc 3/12 tại Nhà triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Nguyễn Văn Hổ treo loạt tranh sơn mài anh mới sáng tác. Hai họa sỹ trẻ Vũ Quang Hưng và Giáp Tuấn mang tới tranh sơn dầu và acrylic.

Ký họa trong 2 phút

Nguyễn Văn Hổ là cộng tác viên quen thuộc của báo Tiền phong Chủ nhật trong hai năm gần đây. Anh chuyên vẽ ký họa chân dung bằng màu nước trong phần bài Nhân vật của tờ Tiền phong chủ nhật. Một vài trường hợp cá biệt, khi anh đang ở xa, không đủ điều kiện tác nghiệp thì có màu… bút bi và bút sáp. Lần đó, chơi lang thang trên miền núi, đến kỳ nộp bản thảo, Hổ phải đi bộ một tiếng đồng hồ, tìm tiệm tạp hóa mua được bộ màu sáp trẻ con giá mười ngàn đồng. Tranh màu sáp trở thành một kỷ niệm trong kho chân dung hàng trăm bức của anh.

Trong giới hội họa, Nguyễn Văn Hổ nổi tiếng vẽ nhanh. Các bức chân dung trung bình anh mất từ 2-5 phút để hoàn thành. Hiếm hoi lâu nhất cũng chỉ mất khoảng 20 phút. Ấy là những khi anh bị mất tập trung hoặc “cảm xúc tự nhiên trục trặc”!

Hiện nay Hổ sống bằng tiền bán tranh. Anh gọi là “vật vã với nghề” nhất là khi chuyển sang làm sơn mài. Bởi nguyên liệu sơn mài đắt hơn nhiều so với sơn dầu hay giấy dó. Nhưng mọi tính toán chắt bóp đều tan nát khi “cơn lên”. “Tôi mua đồ tràn lan, không nghĩ đến đắt rẻ, chỉ vì lúc đó cảm thấy thích thế”!

Không có lợi thế về ngôn ngữ, Hổ càng không giỏi việc xin tài trợ sáng tác. Từ lúc ra nghề đến nay đều là “tự nó rán nó”. Dự định cho triển lãm cá nhân đầu tiên cũng phải chờ đến sang năm vẫn bởi câu chuyện “cơm áo không đùa với khách thơ”.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.