'Quân khu Nam Đồng' - gương mặt chiến tranh từ một mảnh ghép ký ức

TP - "Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhìn lại ký ức, mọi thứ cứ lung linh và mờ ảo, giống như một buổi sáng mùa đông, chúng ta ngắm nhìn cảnh vật qua những lớp sương mù...”- Mở đầu cuốn sách “Quân khu Nam Đồng” (Bình Ca, Nxb Trẻ, 2015), tác giả đã viết như vậy.

Lớp sương mù khiến cho những hình ảnh ký ức mà tác giả cất công “phục dựng” trong tác phẩm trở nên gần xa, hư thực - đẹp cũng đẹp hơn, lạ cũng lạ hơn.

Thế nhưng, càng đọc, lớp sương mù càng bay đi, để lộ một câu chuyện - không, rất nhiều câu chuyện, nói như Nguyễn Minh Châu khi bàn về văn học thời chiến -“những cuộc đời của những con người bình thường nhưng chứa đựng số phận của cả đất nước, chứa đựng cả một bài học về đường đời”.

'Quân khu Nam Đồng' - gương mặt chiến tranh từ một mảnh ghép ký ức ảnh 1
'Quân khu Nam Đồng' - gương mặt chiến tranh từ một mảnh ghép ký ức ảnh 2

Đọc những trang đầu tiên và cả những chương đầu tiên, cứ ngỡ như đây là tác phẩm viết cho thiếu nhi với cách hành văn trong sáng, hài hước rất có duyên và những câu chuyện “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” ngỗ nghịch, tai quái, đôi khi đùa ác mà vẫn nhân hậu, đáng yêu. Rõ ràng, tác giả kể chuyện mình, với tư cách là người trong cuộc. Cứ tưng tửng vậy lại khiến người ta liên tục phải bật cười. Và nhân vật Quân khu Nam Đồng được vẽ bằng nét vẽ phóng khoáng, vui tươi, thật thà không chút ngần ngại.

Tự nhiên như thế mà viết, rồi như cuộc sống từ non nớt hồn nhiên chuyển sang giai đoạn dậy thì đầy khủng hoảng, mạch truyện tăng tốc dần, các tuyến nhân vật dần rõ nét, những câu chuyện từ lúc nào trở nên gay cấn, cuốn người đọc vào không khí của một thời. Bấy giờ, lộ ra một gương mặt khác - dữ dội hơn, khiến ta đôi khi nín nghẹn rối bời, hoặc rã rời trong những phát hiện mới. Đó là gương mặt chiến tranh! Ở một lát cắt khác của cuộc sống, nó chính là “nỗi buồn chiến tranh” thứ hai, hoặc thứ ba, hoặc thứ mấy nữa không rõ. Gương mặt này của chiến tranh vẫn ẩn sau những tất bật của cuộc sống hậu phương thời chiến, có vẻ lu mờ đi ở thời bao cấp kham khổ, nhưng Quân khu Nam Đồng đã khiến cho nó hiện hình rõ mồn một. Những con người bận rộn đối mặt với chiến tranh, những ấu trĩ của cuộc sống, những gia đình thiếu thốn người cha, những đứa con lớn lên như cỏ dại, mang trong lòng “nỗi buồn thăm thẳm”, những tuổi thơ “nhiều năm không bao giờ bị cha mắng”, với đầy đủ mọi nông nổi, quyết liệt của tuổi mới lớn. Từ đó hình thành nên những tính cách khác nhau, những bước ngoặt đưa đẩy khác nhau của số phận. Những ngây ngô khảng khái, những trung thực nghĩa hiệp bên cạnh cả những lươn lẹo đớn hèn - tất cả được bày hết ra, không che giấu, như ký ức được một lần bung mở đến tận cùng.

Dù đây là một cuốn tiểu thuyết, vẫn thấy rõ, tác giả viết trong mạch cảm xúc mạnh mẽ dội về từ ký ức, không chủ định “làm văn”. Thế nhưng, văn chương đã đọng lại nhờ cái duyên của người viết.Những mẩu chuyện nhỏ xen giữa các câu chuyện dài được viết bằng ngòi bút uyển chuyển, chân thành. Tôi thực sự cảm thấy thú vị với cách kể chuyện hóm hỉnh của tác giả, với những triết lý về tình yêu, về những vết rạn trên tấm gương tình yêu, “khi soi cắt đôi mặt mình”, về những bức thư tình viết tập thể, mà vẫn được viết bằng cả trái tim. Và về rất nhiều điều nho nhỏ khác nữa làm nên một tuổi thơ, một tuổi trẻ, khởi đầu háo hức của một đời người. Chính vì vậy mà hiện thực đôi khi bạo liệt được tái hiện trong Quân khu Nam Đồng không khiến cho tác phẩm để lại vĩ thanh buồn. Đây đó có những đoạn văn miêu tả thật điềm tĩnh, nhuần nhị, tạo hiệu ứng mỹ cảm mạnh. Kiểu như thế này: “Với nhiều người, mùa hè năm 1974 cũng trôi qua êm ả như bao mùa hè khác. Vẫn tiếng ve râm ran khắp nơi nơi, nắng như đổ lửa trên đường và nước nhỏ giọt ở các máy nước công cộng. Nhưng riêng khu tập thể Nam Đồng, bọn trẻ con cảm thấy một không khí khác lạ, khẩn trương và gấp gáp hơn. Con nhà lính bao giờ cũng nhạy cảm với những âm hưởng từ chiến trường vọng về...”.

Đây cũng chính là âm hưởng mà cuốn sách để lại cho tôi: khác lạ, độc đáo mà vô cùng quen thuộc, thân thương đến vô lý như hình ảnh những vòi nước công cộng rỉ nước trong thời khan hiếm nước ngày xưa..

MỚI - NÓNG