Quảng Nam: Không đánh đổi di sản bằng mọi giá

TP - Coi bảo tồn là trách nhiệm nặng nề hơn phát triển, đó là một trong những nội dung lãnh đạo thành phố Hội An, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam khẳng định tại họp báo quảng bá Festival di sản Quảng Nam lần thứ 6, sáng 9/5 tại Bộ VHTTDL.

Trước thông tin liệu có xây dựng cáp treo ra Cù Lao Chàm, ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam khẳng định “không có chuyện xây cáp treo”. “Chúng tôi rất tự hào vì hầu hết khách đến Cù Lao Chàm hiện nay đều ở homestay. Từ 20 năm qua duy nhất một công ty ở Cù Lao Chàm xây dựng một số biệt thự, nhưng nó gắn với cộng đồng không phải loại biệt thự cao tầng cao cấp. Chúng tôi hoan nghênh khách đến Cù Lao Chàm nhưng luôn nghĩ đến việc bảo tồn vẫn là trách nhiệm nặng nề hơn, không phải lúc nào cũng nghĩ đến phát triển thương mại”, ông Đinh Hài nói. Hiện nay, Quảng Nam có giải pháp hạn chế du khách ra Cù Lao Chàm hàng ngày.

Lãnh đạo Sở cũng nói rằng có một số tiện ích và tiện nghi dành cho khách phát triển theo tuy nhiên phần lớn vẫn là du lịch cộng đồng, gắn với tự nhiên và “không làm thay đổi quá lớn đến cảnh quan”. Hướng phát triển này không riêng ở Cù Lao Chàm, đó cũng là hướng đi chung của khu di sản Mỹ Sơn và di sản sống phố cổ Hội An. “Đúng là Mỹ Sơn hiện thiếu dịch vụ, chúng tôi đang khắc phục. Một số loại hình dịch vụ tại Mỹ Sơn phát triển theo nguyên tắc cân bằng giữa bảo tồn và phát triển. Chúng tôi không biến Mỹ Sơn thành đô thị du lịch. Mỹ Sơn chủ yếu phục vụ tham quan và nghiên cứu, muốn hưởng dịch vụ hiện đại xin mời du khách về Hội An, Đà Nẵng”, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam nói. Ông cho biết thêm tương lai phía Tây Mỹ Sơn sẽ phát triển giao thông, dịch vụ tuy nhiên nay trong khu vực di sản thế giới này không thể ồn ào được.

Thực tế thời gian qua lượng du khách đổ về Hội An tăng mạnh, khoảng 30% một năm đẩy khu phố cổ vào tình trạng thường xuyên tắc đường hay xô bồ buôn bán. “Hội An đang chịu sức ép lớn giữa bảo tồn và phát triển du lịch-kinh tế. Từ trước tết đến nay chúng tôi quyết lập lại trật tự cảnh quan phố cổ, bố trí lại hàng rong từ hơn 100 hộ xuống còn 42 hộ được phép kinh doanh các mặt hàng truyền thống gắn với sự phát triển của Hội An”, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An nói. Lãnh đạo thành phố cũng nêu một số giải pháp như xây dựng một số tuyến đường giải toả ách tắc, xây dựng hai điểm đón khách ở hai đầu thành phố, đưa khách tham quan phố cổ bằng xe điện tránh để xe du lịch cỡ lớn vào nội thị gây ùn tắc. Bên cạnh đó thành phố tập trung bảo tồn, trùng tu, chống xuống cấp các ngôi nhà cổ cũng như phục hồi giá trị văn hoá phi vật thể gắn với Hội An.   

Festival Di sản Quảng Nam có gì?

Festival Di sản Quảng Nam lần thứ 6 khai mạc tối 9/6 tại bãi biển Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, bế mạc tối 14/6 tại Quảng trường sông Hoài (thành phố Hội An). Một số hoạt động nổi bật: Hội thi Hợp xướng quốc tế từ 7-10/6, trong đó BTC đưa 32 đoàn hợp xướng biểu diễn ngoài đường phố. Festival Diều quốc tế, Festival tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam và thế giới, giải Lướt ván buồm vô địch thế giới và Đua thuyền buồm Việt Nam mở rộng, Liên hoan ẩm thực quốc tế, Triển lãm Di sản văn hoá biển đảo Việt Nam, Chuỗi văn hoá tháp Chăm các tỉnh miền Trung, Lễ hội sâm núi Ngọc Linh. Trong số này có sự kiện nổi bật là hội thảo về bảo tồn, phát huy giá trị đô thị di sản. Lãnh đạo tỉnh cho biết đây là cuộc giao lưu các đô thị di sản để gặp gỡ, trao đổi thực tế quá trình bảo tồn và phát triển đô thị di sản. Dự kiến có các chuyên gia quốc tế giới thiệu các mô hình bảo tồn và phát triển đô thị di sản. BTC dự kiến đón 500-800 nghìn lượt du khách đến với Quảng Nam dịp này.

MỚI - NÓNG