Quảng Nam: Phó ban tuyên giáo tỉnh uỷ “đạo văn”?

Quảng Nam: Phó ban tuyên giáo tỉnh uỷ “đạo văn”?
Nửa tháng sau ngày Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Nam phát hành cuốn sách: Chúng tôi làm Tuyên giáo, trong giới TT-VH, báo chí, xầm xì nghi hoặc: Bài viết của Phó ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ...có vấn đề
Quảng Nam: Phó ban tuyên giáo tỉnh uỷ “đạo văn”? ảnh 1

Một đoạn trong bài viết của ông Châu. Phần gạch chân là  giống trong bài viết của ông Viên

Vừa qua, nhân kỷ niệm 75 năm ngành Tư tưởng-Văn hóa (TT-VH), Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Nam đã cho ra mắt cuốn sách: Chúng tôi làm Tuyên giáo, dày 266 trang, in trang trọng, nhiều bài viết công phu, giàu tư liệu của các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, cán bộ hoạt động TT-VH trên mảnh đất Quảng Nam-Đà Nẵng trong 75 năm qua. 

Cuốn sách đã được giới thiệu trang trọng trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, phân phát về các địa phương và như “Lời nói đầu” của cuốn sách là sẽ được tái bản vào tháng 2/2006.

Đâu chừng nửa tháng sau ngày phát hành (sách ra mắt ngày 20/7/2005), bỗng lan truyền trong giới TT-VH, báo chí, xầm xì nghi hoặc: Bài viết “Một thời để  nhớ” là...có vấn đề !

“Một thời để nhớ”, tác giả là ông Phan Thanh Châu, Phó ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, bắt đầu ở trang 45 của cuốn sách, cuối bài có ghi “Dựa theo lời kể của đồng chí Nguyễn Viên”. Ông Châu cũng là người chịu trách nhiệm nội dung cuốn sách đó.

Bài viết dài 13 trang, bao quát giai đoạn hoạt động 1946-1950 của Ban Tuyên truyền Kháng chiến QN-ĐN lúc đó. Có thể xem đây là một trong những bài “đinh” của cuốn sách.

Nhưng, bài này lại gần như giống hoàn toàn bài viết: Hoạt động của Ban Tuyên truyền Kháng chiến Quảng Nam-Đà Nẵng những năm 1946-1950, tác giả Nguyễn Viên, nguyên là cán bộ Ban Tuyên truyền Kháng chiến QN-ĐN in trên Tạp chí Văn hoá Thông tin Quảng Nam Đà Nẵng tháng 8/1995.

Chúng tôi đã đọc hai bài viết trên, tạm đưa ra nhận xét: Về kết cấu và trình tự kết cấu, bài viết của ông Viên chia làm 4 phần: Giới thiệu khái quát,  Đội Tuyên truyền xung phong, Báo “Chiến thắng”, “Các chòi phát thanh”.

Bài viết của ông Châu cũng giống y hệt. Về nội dung: Có thể nói, có sự trùng khớp đến lạ lùng, giống y hệt nhau đến  gần 100%, từng câu, từng chữ. 

Bài của ông Châu có khác ở vài điểm nhỏ: Đề bài là “Một thời để nhớ”; hai tít phụ thì thêm đầu tít một chữ: “Về Đội tuyên truyền xung phong”,  “Về tờ báo Chiến Thắng”.  Ông Châu cũng có thay đổi trật tự từ trong khoảng 2 câu; biến đổi đại từ nhân xưng từ “đồng chí” sang “anh” (trường hợp này chỉ diễn ra một lần, các lần sau đó không thay đổi gì cả).

Chỗ nào ông Viên viết tắt, ví dụ “TTXP” thì ông Châu viết rõ ra “Tuyên truyền xung phong” và ngược lại ông Châu đổi dài thành ngắn, ví dụ “Ban phụ trách” thành “Ban”.

Bài ông Châu không có đoạn thơ 4 câu ở phần “Báo Chiến thắng” và một vài đoạn khác. Đoạn kết, bài viết ông Châu thêm 6 dòng (không có trong bài ông Viên-PV). Tổng cộng, so bài ông Viên và ông Châu, thì bài ông Viên  mất đi khoảng 10 dòng.

Bài ông Viên xuất hiện ở tạp chí trên vào tháng 8/95, nhân cuộc gặp mặt 50 năm những người làm Tuyên truyền kháng chiến QNĐN. Chúng tôi đã gặp một người trong Ban biên tập Tạp chí Văn hoá Thông tin QNĐN lúc đó, người này cho  biết: Chính họ đã đề nghị ông Viên viết, và bài viết trên đã trở thành tư liệu của ngành Văn hoá-Thông tin.

Nói về sự trùng hợp kỳ lạ trên, người này cười: “Ai trong ngành, đọc bài ông Viên sẽ nhớ bởi nó được viết bởi một người có trình độ khá cao, văn phong giản dị, cảm động, có nhiều chi tiết nếu không có “nghề” thì chưa chắc đã được thành hình. Bài ông Châu chỉ khác... 50 chữ” và bình luận: “Hết chỗ nói!”. 

Chiều 10/8, tiếp xúc với chúng tôi, ông Phan Văn Phờ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đã bộc lộ nỗi niềm “khó nói” với tư cách là người chịu trách nhiệm xuất bản đồng thời là thủ trưởng trực tiếp của ông Châu: “Sai là rõ rồi. Lỡ dại rồi. Nếu sắp tới tái bản thì sẽ rút bài đó ra. Nếu ông Viên lên tiếng thì ông Châu phải xin lỗi...”.

Cái sự “lỡ dại” của ông Châu có lẽ không phải một lần, bởi ông đã từng “lỡ dại” sử dụng bằng giả cấp 3, báo Tiền Phong đã phản ánh vào năm 2001, ông bị kỷ luật nhưng vẫn không rời ghế Phó ban Tuyên giáo phụ trách báo chí mãi đến giờ.  

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.