Quấy rối thì rắc rối

Quấy rối thì rắc rối
TP - Trong cuộc họp, người chủ trì ngắm nhân viên đang loay hoay với cái máy ảnh trên tay, bèn hỏi thăm “Tình hình zum ra zum vào đêm qua thế nào”. Anh này ngớ ra, xong rồi nghe thấy điệu cười ha há và nét mặt của “sếp” thì cũng hiểu. Lãnh đạo, nhân viên hòa đồng thế đấy.

Nhiều cuộc uống ăn, sinh hoạt tập thể, thấy mình chẳng làm gì nên tội mà cứ bị văng cả rổ của quý vào mặt. Phản ứng đôi khi vô ích nên giữ thái độ lạnh lùng. Vào hàng quán, nhiều cô gái trông rất sáng sủa mô-đec nhưng phàn nàn “lóng thế nhỉ”, gọi món thì “cho bát lạc” (thịt nạc, không ăn mỡ) và văng ầm ầm chẳng vì lý do gì, toàn của tươi giòn.

Và không biết dạo này thế nào chứ một thời, hướng dẫn viên du lịch được hình dung là những người rất tự hào thủ sẵn kho tiếu lâm để đãi khách, cho đỡ tẻ. Càng tục tĩu càng sinh động, mua lấy trận cười của du khách.

Những hành vi này có được xem là quấy rối tình dục? Căn cứ vào bản dự thảo Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục nơi làm việc do một loạt cơ quan kết hợp Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa khởi xướng, thì có vẻ có. Vậy phải cư xử thế nào với hành vi quấy rối? Chắc chắn, nhiều người chưa quen phản xạ. Dù khó chịu về cái gọi là quấy rối đó, cũng giả điếc lác cho xong.

Mọi người vẫn cười cười tổng kết, hai trong những điều phụ nữ sợ nhất thời bao cấp đó là đi xe buýt và xếp hàng mua bánh mì. Một lần, trên xe buýt tuyến Nguyễn Trãi - Thanh Xuân (Hà Nội) đầy sinh viên Tổng hợp, An ninh, Kiến trúc, Ngoại ngữ... bỗng  cô gái xinh xắn bé nhỏ học khoa Sinh trường Tổng hợp giật phắt cuộn giấy cứng của anh chàng bảnh chọe học Kiến trúc rồi đập đôm đốp vào đầu, vừa đập vừa hét toáng, rủa xả anh kia tơi bời. Anh chàng lập tức xuống bến gần nhất và sau này gần như không thấy nữa. Mọi người trên xe nhìn cô vừa e dè vừa kiêng nể bởi chuyện đụng chạm, “xuất hiện vật thể lạ” ngày nào chả đầy trên các cung đường nhưng có ai dám hành xử “quá khích” như cô đâu.

Trong bộ phim Philadelphia do Tom Hank thủ vai chính và đoạt giải Oscar, có chi tiết một phụ nữ da đen kiện đồng nghiệp nam vì đã nhận xét “khuyên tai của cô quá to so với gương mặt”, coi đó là hành vi quấy rối tình dục. Dân Mỹ nhiêu khê thật. Trong khi có lúc lại mô tả chi tiết chẳng hạn cuộc sinh nở, bằng hình ảnh và những từ ngữ “rất chuyên môn”. Bên ta, mấy nhà văn nổi tiếng nói giống nhau “Một ngày không nói tục cứ thấy nhạt mồm nhạt miệng”, khoe được chị em khen nói tục có duyên. Cũng có người có duyên thật nhưng duyên của anh này ở nhà đãi vợ con thì vừa xoẳn chứ cứ đem ra thi triển chốn công cộng từ lúc trẻ cho đến tận bây giờ tóc bạc da mồi người có mùi, chỉ gây liên tưởng bất lợi về vùng nhạy cảm của chính mình.

Thời trẻ, có lần một nhà văn có phong thái kiểu lính tẩy, vận quần soóc bó chít ghé tai tôi: “Anh là con đực hoàn hảo”. Tôi đáp “Em cũng thế” dù là một “thị”. Anh bảo văn mình gồ ghề lắm. Cô bạn thân đứng cạnh phang “Phải rồi, gai góc, gồ ghề, gầm ghè đòi bò ra khỏi quần soóc”.  Nhà văn khác viết sex rất khổ sở, cứ hổn hà hổn hển nhưng lại ham tả, và luôn tự nhận mình dâm. Kiểu tả sex của ông chỉ sang trọng hơn tác giả cuốn “Ổ rơm”, chứ bao giờ bén gót Nguyễn Khắc Trường với “Mảnh đất lắm người nhiều ma” dù ông này trông cũng nông dân. Những người viết lách làm phiền bạn đọc thế, tiềm tàng khả năng “quấy” bất cứ khi nào có thể, ẩn ức thôi rồi.

Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục nơi làm việc  hiện vẫn chỉ dừng ở một nguồn tài liệu tham khảo, và mới thế đã thấy nhiều tiếng kêu khó, trước hết là khó xác định hành vi. Tuy vậy, có lẽ “nhắc mới nhớ”, rằng trên đời này có tồn tại dạng quy tắc đó, liều liệu mà hành xử nói năng. Còn nếu cố tình “quấy”, ít nhất cũng phải ăn mấy cái đập trong sự chê cười của chung quanh khiến phải lủi như chuột ngày, giống câu chuyện trên tuyến xe buýt xưa kia.

MỚI - NÓNG