Quê hương có khi mà ta không biết

Nét làng.
Nét làng.
TP - Xã Xuân Minh, Thọ Xuân, Thanh Hóa quê ngoại tôi mới đón nhận danh hiệu Anh hùng thời kháng Pháp cách đây vài tháng.

Cuộc chống thực dân gọi là cũ ấy kết thúc cách nay đã hơn 60 chục năm mà nay xã mới được nhận cái đáng nhận?! Tôi ngẫm ra chỉ có một nguyên nhân hữu lý là các cụ trong xã, những người lẽ ra phải được hưởng cái niềm vinh quang ấy khi còn sống đã không coi những cái mà họ làm được có gì ghê gớm, nên đã không làm hồ sơ đề nghị bất cứ danh hiệu nào trước khi khuất núi.

Tôi ở quê ngoại gần như cả tuổi thơ, đã thấy ở đầu làng có một khu móng nhà khác thường mà dân làng gọi là “Ðồn”, khi ấy được tận dụng để chứa phân chuồng, mà không biết rằng đó là vết tích của cái đồn Tây xây lên từ trước Tháng Tám năm 45 do phong trào cách mạng trong xã quá mạnh. Trước Cách mạng, xã có ngót trăm người bị Tây bắt, bị kết án tổng cộng 500 năm tù và các cụ đã “thi hành án” tất cả 300 năm. Hai người trong số họ, cụ Nguyễn Xuân Thúy và Nguyễn Hồ tham gia tổ chức cách mạng Tân Việt từ trước khi có Ðảng, là hai trong năm ủy viên của BCH Tỉnh Ðảng bộ lâm thời năm 1931. Xuân Minh cũng là nơi mà sau khi bị khủng bố trắng, những đảng viên còn lại của Thanh Hóa đã tái lập BCH Tỉnh Ðảng bộ lâm thời vào năm 1934, cũng là nơi mà các nhà cách mạng nổi tiếng như Tố Hữu, Nguyễn Tạo từng về trú ẩn và hoạt động sau khi vượt ngục. Năm 1941, tại chiến khu Ngọc Trạo có gần 100 chiến sĩ thì Xuân Minh đóng góp 12 người; thêm 25 người có mặt tại Chiến khu Ða Ngọc… Xã có 10 đảng viên giai đoạn 30-45, 93 lão thành cách mạng, 50 gia đình ân nhân cách mạng - có công với nước, 124 liệt sĩ…

Những điều trên đây tôi chỉ biết vài năm trước đây, khi xã cho viết và in cuốn sử của mình! Tôi đã sống một thời gian dài bên cạnh mà không hề biết về quá khứ rất hào hùng của những người nông dân bình thường, những ông già hút thuốc lào, những bà già ăn trầu răng đen ấy.

Có ba điều kỳ thú về quê ngoại mà mãi sau này tôi mới phát hiện khi đọc sách.

Xem cuốn “Thần tổ các nghề Việt Nam”, tôi kinh ngạc thấy đoạn ghi tổ nghề ca công là vợ chồng Phong Xà - Ðào Hoa sống ở thế kỷ thứ mười ở làng Ngọc Trung xã mình. Phong Xà hát hay đàn giỏi, phụ trách việc hát múa trong cung điện của Lê Hoàn (người xã Xuân Lập cách Xuân Minh vài thửa ruộng) ở Hoa Lư, rồi vì mối bang giao mà sang phục vụ trong cung đình nhà Tống, được vua Tống gả cho người con gái tên là Ðào Hoa. Sau hai ông bà về lại quê truyền bá nghề và được suy tôn tổ nghề ca công, được dân lập đền thờ.

Rồi truyện ngắn của Nguyễn Tuân “Một vụ bắt rượu lậu” kể bác nhiêu Tìn mưu trí vờ bê chĩnh tương chạy rồi nhảy xuống ao để Tây đoan và lính tráng đuổi theo bắt, đánh lạc hướng cho bà vợ ôm vò cơm rượu thật tẩu thoát. Tên làng trong truyện là Phong Cốc, đúng tên làng tôi. Lần tìm, tôi được biết Nguyễn Tuân viết dựa vào một vụ việc có thật nổi tiếng toàn xứ Ðông Dương xảy ra ngày 14/9/1936, khi tên Tây phụ trách thuế vụ Bernardet cùng lính tráng vào Phong Cốc quê tôi mượn cớ bắt rượu lậu để lùng sục những người cách mạng. Khi những người cách mạng tập trung dân làng để phản đối, Bernardet nổ súng khiến lý trưởng Trần Văn Hoàng thiệt mạng. Vụ việc khiến cho mười chiến sĩ cách mạng người trong làng bị bắt, nhưng cũng biến thành một vụ kiện đình đám khiến Bernardet bị phạt 5 tháng tù án treo và bị trục xuất khỏi xứ Trung Kỳ. Chính luật sư Trần Văn Chương (sau trở thành đại sứ chế độ họ Ngô tại Mỹ, bố của Trần Lệ Xuân) bào chữa cho những người làng bị bắt.

Nhưng kinh ngạc nhất là chuyện làng tôi từng có người đỗ thám hoa, tên được khắc trên bia đá trong Văn Miếu. Từ điển trực tuyến Wikipedia tiếng Việt viết về ông như sau:

“Ðỗ Huy Kỳ (1695-1748) người tổng Thử Cốc huyện Thụy Nguyên phủ Thiệu Thiên, thừa tuyên Thanh Hóa (nay thuộc làng Phong Cốc, xã Xuân Minh, Huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa).

Hiện nay ông được thờ tại Ðình làng Phong Cốc, Xuân Minh, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Ðây là ngôi đình cổ, được dân làng Phong Cốc lập cách đây gần 200 năm. Hiện tại đình Phong Cốc được xem là một trong những ngôi đình cổ hoàn toàn bằng gỗ lim, to lớn đẹp nhất ở Thọ Xuân - Thanh Hóa.

Ông trước đỗ khoa Sĩ Vọng, năm 37 tuổi đỗ Ðình nguyên, đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (Thám hoa) khoa Tân Hợi niên hiệu Vĩnh khánh 3 (1731) đời vua Lê Duy Phường, làm quan đến chức thừa chính sứ, tước bá. Ông từng làm chánh sứ đi sứ nhà Thanh. Thừa chính sứ Hải Dương, tước Hoa Nhạc bá. Ði sứ năm Cảnh Hưng Mậu Thìn (1748). Nhưng mới đi đến trạm Lã Côi (nay thuộc xã Yên Thường, huyện Gia Lâm) thì lâm bệnh mất. Ðược truy tặng chức Lễ bộ Hữu thị lang. Ông cũng là một trong các nhà nho hay chữ có tiếng, có học trò đỗ đạt như Phan Huy Cẩn, đỗ Hội nguyên đồng tiến sĩ năm 1754…”.

Hồi nhỏ, tôi đọc sách về các danh nhân, các địa danh thắng tích, thấy quê mình thật là thua sút, lòng cứ thán phục đất người, quê người. Ðâu có biết rằng quê hương có nhiều điều mà mình không hề biết. 

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.