Rơ chăm Phiang - Chim Chơ Rao vẫn hát

Tranh: Nguyễn Xuân Hoàng
Tranh: Nguyễn Xuân Hoàng
TP - Giọng hát cao như chim, véo von như họa my, bay bổng như sáo diều. Rơ Chăm Phiang, cái tên lạ nhưng giọng hát sao cuốn hút lòng người đến vậy.

Những năm 70 của thế kỷ trước, mỗi khi đài TNVN phát đi giọng hát của Rơ Chăm Phiang với bài hát Cô gái vót chông là tim tôi xốn xang. 

Năm 2013, tôi và Rơ Chăm Phiang cùng các bạn văn nghệ sỹ CLB Hà Tuyên đi Hà Giang. Tôi gặp lại cô. Ngồi trên xe con với tôi có NSƯT Kim Tiến, NSƯT Rơ Chăm Phiang và nhà báo Nguyễn Văn Tông, nguyên TBT báo Hà Giang. Xinh xắn như xưa, má hồng phơn phớt, nụ cười có duyên thầm lặng. Kim Tiến kể chuyện suốt từ Hà Nội lên Hà Giang không biết mệt mà nói rất hay về mình, về Hà Giang, về tuổi thơ Tuyên Quang. Còn Rơ Chăm Phiang ngồi yên lặng như chỉ để lắng nghe, như là không có mình trên xe. Tôi cứ ngỡ Kim Tiến và Rơ Chăm Phiang không quen biết nhau. Khi gần xuống xe, Kim Tiến bảo tôi và cũng như nói với mọi người trên xe: Chị Rơ Chăm Phiang là hình mẫu mà em mơ ước, là giọng ca mà em mê đắm, là cô giáo của em từ thuở thiếu thời. Tôi hiểu ra, họ đã quen thân nhau. Tôi hiểu hơn, có một Rơ Chăm Phiang khiêm tốn và ẩn mình. 

Nhưng rồi, như một món nợ chưa trả được, ấn tượng về Rơ Chăm Phiang cứ day dứt tôi mãi. Phải nói, phải viết về chị để cho người Tây Nguyên và tất cả người đời thông cảm hơn, yêu mến hơn người nghệ sĩ ấy.

Tuổi thơ và chiến tranh

Rơ Chăm Phiang tâm sự: Em quê ở xã Đức Cơ (hiện nay gọi là xã yaparôm) huyện Gia Lai, tỉnh Gia Lai, gần biên giới Campuchia. Buôn làng của em cũng giáp ranh Campuchia. Em thuộc dân tộc Gia Rai. Từ bé cho đến khi 10 tuổi em sống ở đấy. 

Rơ chăm Phiang - Chim Chơ Rao vẫn hát ảnh 1

Tây Nguyên của em rất đẹp. Mùa mưa, lúc còn bé, em hay đi chăn trâu trong rừng già. Chiều chiều đi qua suối, nước trong vắt va vào đá trắng xóa. Bọn em vẫn kéo nhau đi xúc cá dưới suối rồi đốt lửa nướng ăn. Sau mỗi ngày mưa, nấm rừng mọc trắng cả bờ suối. Những túi nấm hái về, nấu canh rau rừng ăn ngon lắm, vị ngon mà 50 năm qua em chưa được nếm lại. 

Rơ Chăm Phiang kể: Cái tết đầu tiên ở Thủ đô, mỗi mình em ở lại khu tập thể nhà trường. Hai năm trời xa Tây Nguyên, em không có liên lạc gì với gia đình và gia đình em cũng không cách nào liên lạc được với em. 

Bố em hoạt động trong ban tuyên huấn của huyện. Nhà nghèo, bố đi hoạt động cách mạng biền biệt suốt năm. Để nuôi sống mẹ và các em, em phải đi làm nhiều mới có được cơm ăn. Cuộc sống thời đó khổ lắm, cơm phải độn với sắn khoai, nhưng em vẫn thích hát dân ca Gia Rai. 

Ở làng em có một anh cũng đi văn nghệ của huyện. Anh ấy bảo bây giờ ở buôn làng mình có em và hai người nữa biết hát bằng tiếng địa phương (tiếng Gia Rai). Rơ Chăm Phiang cố gắng đi hát trong buôn để phục vụ các anh du kích địa phương và bộ đội. Nghe thế, em thích lắm. Nhưng lúc đó, em khoảng 9, 10 tuổi biết gì đâu. Tuổi đó em còn không được đi học. Em chỉ học tranh thủ thôi. Buổi tối học 1, 2 tiếng những bài dân ca Gia Rai để biết chữ. Những bài hát dân ca đầu đời mà các anh chị trong buôn dạy em như là định mệnh gắn cuộc đời em với nghiệp ca hát.

Biết em hát hay, các chú tuyển em lên huyện tham gia đội văn nghệ của huyện. Từ văn nghệ của xã, em thấy rất vinh dự được lên đội văn nghệ của huyện. Em được đi biểu diễn nhiều hơn, hát ở các địa phương phục vụ cho du kích ở buôn làng để động viên dân làng đi đánh Mỹ Ngụy. Buổi tối đi hát cho du kích, ban ngày em về nấu cơm cho đội văn nghệ của huyện. Thực ra, nấu cơm còn vất vả hơn cả đi làm rẫy. Nấu cơm thì phải đi giã gạo, đi hái măng rừng, thái củ sắn để trộn với cơm cho mọi người kịp ăn buổi trưa. Mà phải làm rất gấp, nấu kịp ăn trước 12h cho 15 người, chỉ một mình em. Nhưng em rất vui.

Rơ chăm Phiang - Chim Chơ Rao vẫn hát ảnh 2

Em nhớ mãi năm 1972, em với một con bé bằng tuổi em và một anh nữa đi hái rau rừng. Xong xuôi, đang trên đường về đơn vị đóng quân để nấu cơm thì gặp lính ngụy đã phục hai bên đường, sau các cây dạ, cây chuối. Anh lớn nhất đi trước, tay đeo đồng hồ, vai có đeo cái đài radio con lủng lẳng va vào dây lưng phát tiếng lách cách nên lộ. Địch nổ súng. Ba người chạy ngược lại. Súng địch bắn phạt đổ hết những cây sắn, cây chuối, mía hai bên đường. Anh con trai bị trúng đạn, may có du kích nổ súng yểm trợ địch sợ không dám đuổi. Anh bạn bị thương nặng được du kích ra cõng về. Hai đứa con gái bọn em nhảy tùm xuống đầm lầy bơi sang bên kia bờ là đất của mình. Đó là kỷ niệm đầu tiên em tiếp xúc với súng đạn. 

Một lần khác, em và một cô bé đang nấu cơm trưa, khói bốc lên, bị lộ. Địch báo cho 4,5 máy bay trực thăng kéo đến. Chúng em vội chạy ra đầm lầy. Đầm lầy rộng mênh mông, xung quanh bờ đầm toàn rừng già. Máy bay vây lấy bọn em, hạ thấp dần. Em nhìn rõ lính Mỹ trên cửa trực thăng. Có anh bộ đội ở gần đó, chạy ra cứu bọn em. Khi máy bay đến gần, anh dìm đầu bọn em xuống nước hoặc phủ lục bình lên mặt. Máy bay đi lại nhô lên thở. Thoát sang bờ bên kia, hai đứa chui vào một cái hầm trú ẩn trên mặt đất. Anh bộ đội la lớn: Vào hầm là chết! Anh lôi bọn em ra xa. Vừa lúc máy bay đến thấy hầm, lính địch ném lựu đạn, cửa hầm vỡ hoác. Đó là lần thứ hai em chứng kiến bom đạn trực tiếp.

Ca hát như là định mệnh

Ở Tây Nguyên, qua nhiều hội diễn quân khu, giọng hát của Rơ Chăm Phiang được chú ý. Đoàn văn công quân giải phóng Tây Nguyên nhận xét: cô bé có giọng hát trong và có bản lĩnh sân khấu. Thế là họ giữ lại cô ở lại vùng căn cứ B3. Ít lâu sau, cô được tuyển về đoàn văn công quân khu 5 Đà Nẵng. Những tưởng ở lại Đà Nẵng, nhưng chỉ hai năm sau, trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật quân đội vào tuyển sinh, cô giáo Hồ Mậu La tuyển Rơ Chăm Phiang. Cô bảo: Rơ Chăm Phiang có giọng trong, cao và tỏ rõ năng khiếu. Nhưng cô cũng lo: giọng hát đẹp quá nhưng không biết có thành nghệ sĩ giỏi không vì thấy gầy quá (lúc đó chỉ có 37 cân), lại nói tiếng Kinh không sõi, văn hóa lại rất thấp. Lúc đó Rơ Chăm Phiang mới 17 tuổi. Lại vác ba lô lên đường ra thủ đô.   

Rơ Chăm Phiang kể tiếp: Cái tết đầu tiên ở Thủ đô, mỗi mình em ở lại khu tập thể. Hai năm trời xa Tây Nguyên, em không có liên lạc gì với gia đình và gia đình em cũng không cách nào liên lạc được với em. Gia đình em nghĩ, có khi em không còn sống nữa vì chiến tranh khốc liệt quá. Em ăn tết một mình ở Hà Nôi, trong nhà tập thể quân đội rất vắng vẻ và buồn. Nhưng em có bản lĩnh sống tự lập không phụ thuộc vào ai cả từ lâu rồi nên em chịu được.

Con chim Chơ Rao bay ra thế giới

Lần đầu tiên, Rơ Chăm Phiang dự thi một cuộc thi lớn do Bộ Văn hóa tổ chức. Hồi đó, ca sỹ Quang Thọ cũng thi. Hai người cùng được giải nhất. Sau lần đó cô được cử đi thi quốc tế ở Nga gồm 27 nước tham dự, được giải ba. Khi đó cô đang học Trung cấp Thanh nhạc năm thứ hai. Ở Mátxcơva, cô được thanh niên Nga đứng hai bên đường phố chào đón. Nhiều người Nga gọi tên cô chúc mừng. Rơ Chăm Phiang ngỡ ngàng…

Rơ Chăm Phiang kể: Một lần, cô đang học đại học, được đi biểu diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội. Cô hát một bài hát nhạc cổ điển của Moza. Một nhà ngoại giao Thụy Điển hỏi phiên dịch: Ca sĩ Việt Nam có được học ở nước ngoài không mà hát tiếng nước ngoài rõ và hay thế? Cô phiên dịch bảo, cô ca sĩ ấy đang là sinh viên, học trong nước thôi. Ông ấy lên sân khấu bắt tay, tặng hoa Rơ Chăm Phiang và nói rất khâm phục em hát tiếng được tiếng Ý, Đức, Nga. Vì rất mến mộ em, nên hàng tháng có chương trình ca nhạc mà em biểu diễn, ông ấy đều đi xem. 

Rơ Chăm Phiang được phong NSƯT từ năm 1997. Lúc ấy, nước ta chưa có nhiều nghệ sĩ ưu tú. Nhưng chị rất buồn vì chưa được phong nghệ sĩ nhân dân. Rơ Chăm Phiang là nghệ sỹ có nhiều cống hiến trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, có thành tích nghệ thuật rất dày: 3 giải quốc tế, đều là giải lớn; giải trong nước, chị có đến 10 giải nhất. 

Hà Nội, Xuân Ất Mùi 2/1/2015

Hạnh phúc và nỗi đau

Rơ Chăm Phiang kể tiếp: Em nghĩ vợ chồng như là duyên số. Yêu nhiều người nhưng chỉ lấy một người thôi. Chồng em tên là Vũ Văn Mùi, bác sĩ. Em quen anh ấy thật tình cờ. Ngày đầu tiên em gặp anh ấy là khi đến bệnh viện 108 chơi với một chị đồng hương. Chị ấy là người Tây Nguyên, làm bác sĩ. Chị ấy bảo em: Chị phải tìm cho mày một người chững chạc và thật là giỏi ấy. Ở đây có một anh bác sĩ giỏi lắm, tao gán cho em tao nhưng nó không thích. Em đến chơi mấy lần, anh bác sĩ nhìn thấy em xinh xinh, anh ngỏ ý làm quen. Bước đầu em cũng không thích vì trông anh ấy nghiêm túc và cứng nhắc quá. Em cũng vòng vo.

Người ta ngỏ lời yêu em cũng không đáp lại để người ta thấp thỏm hi vọng. Tình yêu hai người cũng gian truân lắm, phải 6, 7 năm mới lấy được nhau. Trước khi em đi nước ngoài biểu diễn, anh ấy đòi đi đăng ký kết hôn và em đã đồng ý. Anh ấy sợ em đi nước ngoài là em có người khác mất. Hồi đó, nếu không có ràng buộc thì có khi em ở lại nước ngoài rồi. Khi ra nước ngoài, thấy em có tài, lại có sắc nên nhiều người dụ dỗ em ở lại. Nhiều người giỏi về âm nhạc và giàu có nữa. Nhưng em vẫn về vì nặng nghĩa với anh Mùi. Mặc dù tính cách hai người không hợp nhau, nhưng em nghĩ, tình yêu là tạo ra chứ không tìm kiếm mà được.

Chồng em rất khó tính, cẩn thận và đòi hỏi người vợ rất chu đáo, giỏi gia đình, nữ tính, biết thương yêu chồng con. Em là ca sĩ, là cô giáo thanh nhạc ở trường đại học, nhưng ở nhà, em vẫn lo cơm nước, nội trợ. Đấy cũng là niềm vui và hạnh phúc của người phụ nữ Tây Nguyên.

Khi em có cháu trai đầu lòng, anh Mùi ôm con mà nước mắt rưng rưng. Hạnh phúc tràn vào đầy nhà như là mùa Xuân đến. Thằng bé lớn nhanh như thổi và lại đẹp giai, học giỏi. Hai vợ chồng chỉ có một con trai.

Nhưng bất hạnh thì luôn bất ngờ, cách đây mấy tháng thôi, đứa con trai duy nhất của Rơ Chăm Phiang, đang độ tuổi 21, đột ngột ra đi, không rõ lý do. Rơ Chăm Phiang đau khổ kể: Nó ngoan lắm, không rượu chè, không nghiện hút, rất chăm học hành và thương bố mẹ. Bố cháu là bác sĩ giỏi nhưng không cứu được con. 

Không kể thì nỗi đau tạm lắng lại. Kể ra thì như vết thương chưa lành. Rơ Chăm Phiang lại khóc.

Rơ Chăm Phiang giở cho tôi xem những tấm huy chương vàng, những bằng chứng nhận giải thưởng quốc tế, Quyết định công nhận bằng thạc sĩ nghệ thuật, rồi những tấm ảnh của người nghệ sĩ một thời vàng son. Chị đang có ý định sẽ làm tiếp đĩa DVD để kỷ niệm cuộc đời ca hát tươi đẹp của chị. Tôi vui mừng nhận ra: Ngọn lửa Rơ Chăm Phiang vẫn cháy.

MỚI - NÓNG