Rối nước: Còn hàng trăm trò chưa khai thác!

Rối nước: Còn hàng trăm trò chưa khai thác!
Liên hoan múa rối quốc tế Bangkok sẽ khai mạc vào thứ hai 1/8, qui tụ các nước trong khối ASEAN cùng với ba khách mời ngoài khu vực là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Rối nước: Còn hàng trăm trò chưa khai thác! ảnh 1

Trò rối Bát âm

“Đây là lần đầu tiên Đoàn Múa rối TPHCM đại diện VN đi dự một liên hoan nghệ thuật múa rối quốc tế!” - họa sĩ Nguyễn Đức Thế, trưởng đoàn, cho biết trước ngày lên đường.

Đoàn Múa rối TPHCM sẽ mang theo những gì?

Chúng tôi đem đi 15 trò rối nước: Bật cờ, Tễu giáo trò, Múa rồng, Múa phượng, Lân tranh cầu, Múa sư tử, Nông nghiệp, Cáo bắt vịt, Nhi đồng hí thủy, Bát âm, Đá gà, Bát tiên, Đu tiên, Đánh cá, Tứ linh. Hầu hết là trò rối cổ truyền, chỉ có hai trò rối mới sáng tác là Đá gà và Đu tiên.

Vì sao anh không đưa rối cạn đi?

Rối cạn VN làm sao so nổi với các nước mà đưa đi! Trong rối cạn có nhiều thể loại, mà thể loại nào thì cũng đụng phải cao thủ: rối bóng cổ truyền, rối que thì Indonesia, Malaysia quá giỏi; rối dây có Thái Lan, Trung Quốc; rối bóng hiện đại, rối đen thì thuộc về sở trường của Nhật Bản...

Rối nước VN đang được chuẩn bị hồ sơ để xét công nhận “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Theo sử liệu, rối nước có mặt từ đời Lý, tồn tại đã gần ngàn năm nhưng... không lẽ chỉ còn một nhúm trên mươi trò, quanh đi quẩn lại?

Theo công trình nghiên cứu của ông Ngô Quỳnh Giao, rối nước VN hiện còn lưu hành 53 trò, nhưng đưa vào khai thác sử dụng mới 17 trò. Thật ra, số trò rối nước lên đến khoảng 300, theo công trình sưu tầm thống kê dựa trên sử liệu xưa của các cụ Nguyễn Huy Hồng, cụ Tô Sanh.

Lâu nay mọi người chỉ biết rối nước được điều khiển bằng sào, nhưng đâu chỉ có thế, còn có rối nước điều khiển bằng dây. Toàn thế giới chỉ có rối dây trên cạn, VN mình lại có rối dây dưới nước!

Muốn hiểu thực chất của di sản rối nước thì phải tìm đến 21 phường hội truyền thống, trong đó nổi bật là các phường rối Đông Anh, Đào Thục (Hà Nội), Nguyên Xá (Thái Bình), Thạch Thất (Hà Tây)... Như trò Sư chạy đàn là rối dây dưới nước, đang tồn tại ở các phường rối dân gian. Nhưng nhiều nghệ nhân giờ đây không muốn tiết lộ, giấu nghề.

Theo tôi, đó không phải lỗi của họ. Đã có một lúc các nghệ nhân rối nước sẵn sàng chỉ nghề, vì ban đầu ai cũng tin là để bảo tồn. Nhưng sau đó rối nước hái ra tiền, tuy nhiên tiền không về túi nghệ nhân mà về túi một số người biết kinh doanh, còn nghệ nhân vẫn khổ, vẫn chân lấm tay bùn nơi ruộng đồng.

Nhà nước cần bỏ ra hàng tỉ đồng để giúp đời sống nghệ nhân, tôi tin chắc họ sẽ không giấu nghề khi được trân trọng thỏa đáng. Hàng chục, thậm chí là trăm trò rối được khai phá, ắt hẳn thế giới sẽ còn bất ngờ hơn nữa về nghệ thuật rối nước VN.

Hơn nữa, sự khai phá ấy sẽ tạo nên sức thuyết phục để thế giới nhanh chóng công nhận rối nước VN là di sản nhân loại. Chứ ít ỏi quá, mình đi diễn hoài cũng áy náy...

MỚI - NÓNG