Sắc đẹp và chủ nghĩa phát xít

Dân mê thời trang có thể sẽ thích cuốn sách này, kể về người đàn ông đi tìm những vẻ đẹp vượt trội như Claudia Schiffer
Dân mê thời trang có thể sẽ thích cuốn sách này, kể về người đàn ông đi tìm những vẻ đẹp vượt trội như Claudia Schiffer
TP - Trong tiểu thuyết “Cứu với, xin tha thứ”, cây bút trào phúng nổi tiếng của văn học Pháp Frédéric Beigbeder cho nhân vật chính là một “fashist”, tên phát xít, kẻ phân biệt chủng tộc về thời trang và sắc đẹp, không thể chịu nổi gái xấu.

Cuốn sách mở đầu khi nhân vật chính, Octave Parango, một tay săn người mẫu (girl-scouting) cho các hãng thời trang nổi tiếng, bước vào tuổi 40 và bắt đầu tự ghê tởm thói “phát xít sắc đẹp” của chính mình.

Là đàn ông nhưng Octave cũng là một nô lệ của nhan sắc, anh ta bắt đầu chăm chút ngoại hình từ khi phẫu thuật cắt bỏ đôi tai ngoại cỡ ở tuổi thiếu nhi. Về sau anh ta trở thành “một thằng già không chịu già”, say sưa dùng mỹ phẩm và các biện pháp thẩm mỹ để níu giữ vẻ trẻ trung – một điều không thể tránh khỏi một khi đã lún quá sâu vào giới thời trang và nhìn thấy quanh mình toàn sự đẹp đẽ.

Cuốn sách chọn đề tài thời thượng: Đàn ông ngắm nghía và phân loại gái đẹp (nghe có vẻ rẻ tiền nhưng săn phụ nữ đẹp thực sự là nghề nghiệp của nhân vật chính).

“Phụ nữ là vật thờ phụng của con. Con muốn chinh phục họ như một đất nước hay một châu lục. Con muốn trở thành Christophe Colomb của các người mẫu, Vasco de Gama của những cô nàng nóng bỏng” – Octave bộc bạch. Cách mô tả phụ nữ của Octave đậm chất nhục dục không che giấu, đó vừa là bản năng vừa là nhãn quan nghề nghiệp của anh ta.

Những nhân vật được nêu đều là những nhà khai phá của nhân loại. Octave tự so sánh mình với họ, nhưng thay vì các vùng đất mới thì chỉ ôm mộng khai phá… gái. Ngòi bút trào lộng của Beigbeder lên đến đỉnh cao khi so sánh với Neil Armstrong: “Lúc đã chinh phục được em, anh sẽ làm giống người đầu tiên bước đi trên mặt trăng: cắm cờ rồi quay trở xuống mặt đất”. Hành động “cắm cờ” ở đây chắc ai cũng hiểu.

Văn của Beigbeder, một nhà văn ngoài đời cũng dấn sâu vào lĩnh vực giải trí, có vẻ bóng bẩy phô trương, nhưng quan trọng là nhìn thấu bản chất của ngành công nghiệp sắc đẹp.

Người ta thường lãng mạn hóa ngành này, còn Beigbeder viết qua lời Octave: “Kế hoạch truyền thông của họ (hãng leader trong ngành mỹ phẩm toàn cầu) phân chia theo lứa tuổi: 15-35 tuổi (các vấn đề về da mụn), phụ nữ tuổi băm (những người tin rằng mình vẫn 20 tuổi), phụ nữ tứ tuần (những người mơ ước mình vẫn ở độ tuổi 30), phụ nữ ngũ tuần (những người hy vọng người khác không dễ dàng phát hiện ra họ đã đi căng da mặt)”.

Cũng qua góc nhìn của Octave, các cuộc thi sắc đẹp bị rẻ rúng: “Với Internet, chỉ cần đăng một thông báo nho nhỏ là lũ phụ nữ bèn ào đến, hàng nghìn cô, sẵn sàng làm nhục bản thân nơi công cộng vì 3 rúp 50 xu trong một buổi biểu diễn bán vé, trước toàn thế giới… Thế giới đã thay đổi: Xưa kia bọn con phủ phục dưới chân họ, nay thì các cô gái nài xin bọn con”. Vì đâu sắc đẹp ra nông nỗi này? Là khi sắc đẹp được sử dụng để tìm kiếm danh tiếng.

Người đọc hẹp hòi chắc sẽ ghét tác giả, vì cho rằng ông giễu cợt và nghiệt ngã với ước mơ chính đáng là được xinh đẹp của phụ nữ. Nhưng nếu nghĩ kỹ, thực ra Beigbeder đang viết từ góc độ người trong cuộc, điểm nhìn của một tay đàn ông cũng bị ám ảnh bởi cái đẹp, và viết như một sự giải thoát cho mọi người khỏi nỗi ám ảnh khiến họ khổ sở đó (dù có vẻ bất khả thi).

Với Cứu với, xin tha thứ, Beigbeder- nhà văn của trào lộng và những triết lý sâu cay vụn vặt, tái ngộ độc giả Việt Nam qua bản dịch của Nguyễn Trần Kiên. Các tiểu thuyết trước của cùng tác giả: Một tiểu thuyết Pháp, Tình yêu kéo dài 3 năm, Kẻ ích kỷ lãng mạn.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.