Sắc dục

TP - Nói về thân thể người ta, tiếng Việt có nhiều chữ: cơ thể, thể xác, hình thể, thể phách... Nhiều, nên cứ tùy ý mà dùng. Tùy ý, chứ không phải là tùy tiện. Bởi vì dù đó là những từ đồng nghĩa, nhưng độ khác biệt rất tinh vi, chỉ như đầu mũi kim.

Nói về người làm nghề mại dâm, người ta có khi dùng uyển ngữ, cho nó những mỹ từ như bán phấn buôn hương, gái bán hoa, gái đứng đường. Cái kiểu nói tránh như vậy lại gây ra hiểu nhầm không hay cho người bán mỹ phẩm (bán phấn buôn hương) cho cô hàng hoa (bán hoa), cho những người bán hàng rong đứng đường hoặc người giữ trật tự giao thông đứng đường. Thực ra có thể dùng những từ trực tiếp hơn: buôn bán thân xác, bán trôn nuôi miệng...

Đúng ra, có thể nói là buôn bán thân xác.

Trường hợp này, người ta không dùng những từ đồng nghĩa: tất nhiên là không nói buôn bán cơ thể, thân thể, không nói buôn bán thể phách. Nói buôn bán thể xác cũng không nói hết cái ý nghĩa sắc dục của nó.

Phải dùng chữ thân xác thì mới đi đến độ tinh tế của ý nghĩa tính dục.

Từ đó, người đọc mới hơi sững lại khi gặp một câu như thế này: “Sẽ không còn bao giờ nhìn thấy nữa một sự tiếp xúc gần gũi, thân xác đến thế giữa dân chúng và người đại diện cho họ” (Màn, Milan Kundera, Trần Bạch Lan dịch, Nhã Nam và Văn Học 2014, trang 229).

Không chỉ sững lại mà còn gây giật mình, còn gây ra tiếng cười, vì sự thiếu tinh tế của người dịch. Gay go, dân chúng và người đại diện cho mình mà có mối quan hệ thân xác đầy tính dục như vậy là vi phạm quy tắc đạo đức trong một xã hội công dân dựa trên pháp quyền. Chợt nhớ, có lần trêu một anh bạn Hàn Quốc rằng giáo sư trẻ đẹp như anh, chắc có nhiều nữ sinh mê mẩn, anh liền bảo: Không dám, ở bên chúng tôi không thể có mối quan hệ như thế giữa thầy và trò đâu. Câu trả lời của anh gửi một thông điệp: không thể có quan hệ thân xác giữa hai đối tượng như vậy. Ở đây ta dùng chữ thân xác, chứ không dùng từ thân thể.

Trong một bản dịch khác, người dịch lại dùng tiếp một câu gây giật mình: nhân vật người đàn ông kể: “Em gái tôi đã chết trong vòng tay tôi”. Như nhai phải sạn. Ghê. Trong tay và trong vòng tay là cả một sự khác biệt. Thực ra đúng nghĩa thì anh ta phải nói là: Em gái tôi đã chết trong tay tôi. Chữ “trong vòng tay” không chỉ mang nghĩa đang ôm hay nâng hay đỡ, mà còn hàm ý quá âu yếm. Có thể viết: đứa con nhỏ trong vòng tay mẹ cha. Nhưng “trong vòng tay” thậm chí còn mang tính sắc dục: tình nhân có thể trong vòng tay của nhau. Nhưng anh trai và em gái, xin lỗi, dùng từ “trong vòng tay” là rất vướng.

Cũng thế, trong một cuốn sách khác, tác giả viết: “Ông ôm con gái vào lòng mà vuốt ve”. Văn cảnh này, ông già trên sáu mươi tuổi, bà con gái cũng gần bốn mươi rồi, tác giả không thể để cho người cha ôm và vuốt ve một người đàn bà trưởng thành như với một bé gái. Chữ nghĩa thường xuyên gây phản cảm như vậy nếu không đạt đến độ tinh tế.

Gần đây trên báo chí, thường bắt gặp những cái nhan đề như thế này: TG có dấu hiệu cưỡng hôn đồng nghiệp nữ. Hoặc Anh bán mỳ vỉa hè cưỡng hôn cảnh sát vì bị tịch thu đồ nghề...

Tưởng đâu cái anh chàng diễn viên nọ ép buộc đồng nghiệp nữ kết hôn với mình. Rồi lại thắc mắc, cái anh bị tịch thu đồ nghề mà rất nhanh chóng ép được cảnh sát cưới mình hay sao... Chưa đọc bài cũng lờ mờ đoán ra: nhà báo đã dùng sai từ cưỡng hôn. Họ chỉ muốn viết rằng các đối tượng kia đã nhảy xổ vào mà hôn người ta, không có xin phép xin tắc gì hết.

Cưỡng hôn thì chắc chắn vi phạm pháp luật. Còn đột ngột đâm bổ tới “khóa môi” người ta thì tùy trường hợp mà khép vào tội danh, có phải vậy không?

MỚI - NÓNG