Sân chơi mới cho giới ảo thuật

“Đại hội ảo thuật” không phân biệt ảo thuật gia chuyên nghiệp hay nghiệp dư. Ảnh: Duy Nguyễn.
“Đại hội ảo thuật” không phân biệt ảo thuật gia chuyên nghiệp hay nghiệp dư. Ảnh: Duy Nguyễn.
TP - Đại hội ảo thuật, một cuộc thi và chương trình truyền hình thực tế, rục rịch khởi động, được kỳ vọng là sân chơi quy mô lần đầu tiên cho hàng nghìn nhà ảo thuật Việt Nam.

Đại hội ảo thuật (The magic secret) 2015 không thi thố giống các sô truyền hình thực tế tài năng âm nhạc. Các nhà ảo thuật tham dự tại nhiều địa điểm, bối cảnh để tìm ra các chương trình đặc sắc và nhà biểu diễn tài năng. Chương trình đặc sắc lưu diễn toàn quốc. Toàn bộ phần thi được phát sóng trên truyền hình, dự kiến từ 7/2015 đến hết 1/2016.

Thí sinh qua bốn vòng thi: Vòng thi tự do, thi thực địa, vòng loại Gala và vòng chung kết. Vòng thi đầu tiên khai mạc tại Hà Nội 30/5, tổ chức tại Đà Nẵng, TPHCM. Vòng chung kết chọn top 3 ảo thuật sân khấu và top 3 ảo thuật ngoài trời, sau đó chọn quán quân ở hai lĩnh vực. Giải thưởng lớn nhất cho hai người chiến thắng là 50 triệu đồng.

Giới ảo thuật ở Việt Nam chưa thực sự có sân chơi xứng đáng. Đó là khẳng định của NSND Nguyễn Tâm Chính, thành viên BGK. “Nhiều nhà ảo thuật trẻ tài năng nhưng chưa có nơi bộc lộ. Họ tạo thành các nhóm, luyện tập các kỹ xảo mới của thế giới. Có những bạn trẻ sáng tạo được những kỹ xảo mới và đem xuất khẩu”, bà nói.

Trong tâm trí nhiều khán giả Việt, ảo thuật gia Việt Nam thường được biết đến với các trò nho nhỏ, kinh điển như biến lửa thành chim bồ câu, hoa hồng, làm biến mất đồng xu, cưa người. Khán giả Việt bây giờ có thể mở rộng tầm mắt với những chương trình truyền hình thực tế của các ảo thuật gia nổi tiếng như Cyril Takayama, với những tiết mục sống hoành tráng, kỹ xảo tuyệt vời.

Đặt câu hỏi cho BTC liệu chương trình của Việt Nam có hướng đến những tiêu chí mới mẻ và quy mô, ảo thuật gia Lê Bình, thành viên BGK, cho rằng, các nhà ảo thuật chuyên nghiệp thường không đánh giá cao những tiết mục cần đạo cụ lớn. Quan trọng là kỹ xảo bằng đôi bàn tay. “Tuy nhiên, chúng tôi sẽ thực hiện một số tiết mục hoành tráng, thậm chí lạ với thế giới”, anh Bình nói.

Ảo thuật gia Tuấn Phương lại đánh giá cao khoa học hiện đại của ảo thuật ngày nay. Nhà ảo thuật muốn thành công cũng phải nắm bắt được bước tiến mới của công nghệ. Khán giả trưởng thành đương nhiên cũng bị thu hút hơn bởi những trò mang tính giải trí cao, hiện đại. Những trò nho nhỏ phù hợp khán giả nhỏ tuổi hơn.

Đã có khoảng 300 thí sinh đăng ký. Những người thực hiện chương trình kỳ vọng, ngoài các màn phô diễn kỹ xảo thế giới, Đại hội ảo thuật phải có được chất riêng của Việt Nam. Ảo thuật gia Trung Kiên với 17 năm kinh nghiệm, xuất hiện trong họp báo 13/5 nói, điều này nằm ở sự cách điệu: Nhiều câu chuyện, nhân vật cổ tích được dàn dựng thành các kịch bản ảo thuật công phu. Chẳng hạn Vua Hùng kén rể kể chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh qua các màn ảo thuật kết hợp võ thuật, múa, nhảy, âm thanh, ánh sáng.

MỚI - NÓNG