Sao Mai Điểm hẹn 2008 - Nhìn từ ghế Hội đồng Nghệ thuật

Sao Mai Điểm hẹn 2008 - Nhìn từ ghế Hội đồng Nghệ thuật
TPO - Sao Mai Điểm hẹn năm nay có nhiều điều để nói. Hãy nghe Hội đồng Nghệ thuật - những người gần gũi với Ban tổ chức, cũng như nắm rõ chất lượng thí sinh hơn ai hết - lên tiếng.
Sao Mai Điểm hẹn 2008 - Nhìn từ ghế Hội đồng Nghệ thuật ảnh 1
Những người can đảm ngồi vào ghế HĐNT Sao Mai Điểm Hẹn 2008: Ngọc Châu, Thanh Lam và Giáng Son. Ảnh: N.M.Hà.

Anh chị có ý kiến đóng góp gì để những kỳ thi sau được tổ chức tốt hơn?

Nhạc sĩ Giáng Son: Âm thanh, ánh sáng năm nay không được tốt lắm vì ở ngoài trời. Điều này rất quan trọng với những thí sinh lần đầu tiên lên sân khấu lớn. Nhất là âm thanh không tốt (tiếng hát quá nhỏ, phập phù...) rất ảnh hưởng đến thí sinh.

Trang phục, trang điểm cũng chưa được tốt nên trông thí sinh già hơn tuổi. Còn có chuyện 2 nhà tạo mẫu “đùn đẩy” thí sinh cho nhau.

Ban tổ chức nên trao đổi với nhà thiết kế, trang điểm để giúp thí sinh. Không thể để cái tôi quá lớn hoặc thiện cảm cá nhân ảnh hưởng đến công việc, thích thí sinh nào thì “đầu tư” rõ rệt, không thích thì bỏ rơi...

Nhạc sĩ Ngọc Châu: Nếu tổ chức, lần sau chắc chắn phải có sự thay đổi về hình thức thi, để thí sinh thể hiện một cách tự do hơn. Mình thấy vẫn phải có một đêm thi rock- kiểu như đề thi phân loại học sinh. Ai có tố chất thì sẽ bứt phá.

Như năm 2006, Anh Khoa mà không có đêm rock  thì… hết hơi. Trước đó, Khoa rất mờ nhạt, nhưng đến “đêm ấy”, Khoa bứt phá và từ đó tự tin hơn hẳn.

Có lẽ không cần phải gọi đêm thi pop. Trừ rock, đã gọi là pop thì anh được lựa chọn bất cứ cái gì đang phổ thông. Tốt nhất, nên gọi đêm Tự chọn 1, đêm Tự chọn 2 của giai đoạn I để thí sinh tự do thể hiện hết những gì mình có. Ai thích jazz thì jazz luôn đi. Đêm thứ 4 lại quay về Tự chọn đi, coi như đêm tổng hợp. Ai pop thì pop hẳn, rock thì rock hẳn. Không nên có thêm R&B với Dance - vẫn là pop.

Vì khoảng cách 1 tuần quá ngắn mà có rất nhiều việc phải rút kinh nghiệm, nên thí sinh chưa kịp hoàn thiện, đã lại tiếp tục mắc lỗi mới. Theo mình, có thể giai đoạn I vẫn giữ nguyên từng tuần để mang tính hấp dẫn, nhưng vào giai đoạn II thì nên giãn ra.

Giữa các tuần nên có đêm nghỉ, có thể là gala với hình thức hát bè, hát tốp... thì khán giả cũng nhìn rõ năng lực của 6 người còn lại hơn.

Và quan trọng là nên có thời gian 2 tuần để chuyên gia khắc phục nhược điểm, để nhìn thấy sự tiến bộ của từng thí sinh. Chứ cứ thi liền tù tì thế này, chất lượng không cao.

Vào giai đoạn II, chỉ cần 2 đêm thi bứt phá ngoạn mục cuối cùng, thì tổ chức gala tổng kết là xong. Cũng không cần phải thi trong đêm Gala cuối cùng nữa, vì những gì mình thấy ở đêm vừa rồi thì các em đã hết sức, không thể cố gắng hơn được nữa.

Bên cạnh đó, vì khoảng cách 1 tuần rất ngắn, để chuẩn bị cho tận 12 người, ban nhạc làm việc cực kỳ căng thẳng. Phần phối không “ngon” thì chất lượng của đêm thi cũng bị giảm sút.

Anh chị nói gì về hiệu quả của ban nhạc Sao Mai Điểm Hẹn năm nay?

Nhạc sĩ Giáng Son: Một tuần phải chơi mười mấy bài là một áp lực lớn cho ban nhạc. Không có ban nhạc nào có thể chơi hay được tất cả các thể loại. Thành viên ban nhạc cho biết, do thí sinh đưa bài quá muộn, không phối kịp được.

Với lý do này, Ban tổ chức phải có một quy định nghiêm khắc: Đúng giờ này, ngày này, là không cho đổi bài. Chứ cứ đổi bài xoành xoạch, ban nhạc nào mà xoay cho kịp.

Đương nhiên, cũng muốn các anh em trong ban nhạc có sự đầu tư hơn nữa cho từng bản phối, và phải thương thí sinh hơn.

Nhạc sĩ Ngọc Châu: Những lần thi trước, trình độ của các thí sinh ít nhiều cũng tốt hơn nên việc tập luyện với dàn nhạc vì thế dễ dàng hơn. Năm nay, thực ra các bạn rất cố gắng nhưng mặt bằng trình độ chung không được đồng đều.

Năm trước, Sao Mai của Đỗ Bảo là ban nhạc tự do nên cách làm việc cũng khác so với ban nhạc của trường Nghệ thuật Quân đội. Ban nhạc năm nay cũng làm hết trách nhiệm nhưng theo dõi, mình thấy có sự phân công công việc: Nay người này, mai người kia ở bộ riff (trống, ghi ta bass...). Nếu có sự cố định các tay đánh, mình nghĩ, các bạn sẽ ăn dơ hơn trong quá trình chơi nhạc.

Việc thí sinh đưa chậm bài một phần là lỗi của thí sinh. Trong quá trình thi, thí sinh mới thấy bài ấn định ban đầu chưa phù hợp so với bước tiến của mình, nên mất thời gian tìm kiếm để đổi bài. Vì thế, họ thường đưa bài muộn cho ban nhạc.

Về quy chế cuộc thi cần thay đổi gì để tránh những tan nạn đáng tiếc như trường hợp của Hà Linh?

Nhạc sĩ Giáng Son: Trường hợp của Hà Linh, tôi thấy Ban tổ chức đã cảnh cáo trước chứ không phải đuổi ngay lập tức. Ban tổ chức cũng “ra tay cứu vớt” rồi mà thí sinh vẫn không tuân thủ thì phải ra quyết định thôi.

Tôi không biết các thí sinh nắm quy chế đến đâu, tại sao vẫn còn để xảy ra sự việc như thế? Tôi tin Hà Linh đương nhiên không cố tình để bị đuổi.

Anh rút được kinh nghiệm gì khi ngồi trên ghế Hội đồng Nghệ thuật?

Nhạc sĩ Ngọc Châu: Mình quan niệm Hội đồng Nghệ thuật là người tìm tòi ra những khả năng tốt nhất của ca sĩ. Không phải là cứ ngồi nói lảm nhảm, “em hát phô lắm, em hát chênh lắm”. Đấy là những cái rất cơ bản, bắt buộc vào đến đây, anh phải khắc phục được. Đã học ở trường thì phải vượt qua được những lỗi ấy.

Anh chưa có kinh nghiệm về biểu diễn, phong cách âm nhạc, xử lý tác phẩm, xây dựng hình ảnh thì tôi góp ý để anh tiến bộ, để anh đi đúng và tô đậm mình lên. Đấy mới là chức năng của Hội đồng Nghệ thuật. Còn như thế kia thì khác gì Ban giám khảo.

Ngồi trên đấy mới thấy chê cũng khó, khen cũng khó, không hề đơn giản. Mình nhiệt tình thì cứ lao vào thôi, chứ chị Huyền Thanh kể, nhiều người được mời mà không nhận.

Mình kiểu điếc không sợ súng, cứ lao lên. Mình nhắn tin cho chị Thanh rồi, em không quen nói, mà chỉ thích làm thôi. Sau này mà chị có nghĩ đến em thì cho em vào chân chuyên gia ấy!

MỚI - NÓNG