Series hài “Xóm hóng”: “Bình” nào cho vừa “rượu cũ”!?

Cảnh trong chương trình sân khấu truyền hình “Xóm hóng”.
Cảnh trong chương trình sân khấu truyền hình “Xóm hóng”.
TP - “Lên lịch” phát trực tiếp trên sóng truyền hình vào ngày 2/1/2015 tới, song dự án Nhà hát Truyền hình (TV Theater) mang tên “Xóm hóng” của Nhà hát Tuổi trẻ sẽ “khất” khán giả đến trung tuần tháng 1.

Lý do được tiết lộ rằng, ban lãnh đạo Nhà hát đang còn lựa chọn và cân nhắc tài chính với cùng lúc 2 đơn vị truyền hình!? 

Nỗ lực tìm kiếm khán giả

Vốn đã có thương hiệu với “Đời cười”, “Phố cười”, việc Nhà hát Tuổi trẻ trình làng dự án Nhà hát Truyền hình mang tên “Xóm hóng” được giới truyền thông khá quan tâm. Tại họp báo giới thiệu chương trình hồi cuối tháng 10, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận cho biết: “Xóm hóng” ra đời nhằm tiếp cận với đông đảo khán giả trên cả nước thông qua sóng truyền hình, cũng như quảng bá và xây dựng thương hiệu sân khấu hài mang “phong vị Bắc” của Nhà hát. Và nếu dự án với kênh truyền hình nào đó thành công, thì với 52 số phát sóng vào tối thứ Sáu hàng tuần từ nay đến hết năm 2015, việc sáng tác kịch bản, diễn tập..., sẽ là áp lực không nhỏ trong việc chạy chương trình với cả ekip “Xóm hóng”.

Công bằng mà nói, sự ra đời của “Xóm hóng” cho thấy nỗ lực đáng trân trọng của Nhà hát Tuổi trẻ trong bầu không khí chung “ảm đạm” ở tất cả các sân khấu tại Hà Nội. Nhà hát Tuổi trẻ cũng là đơn vị sân khấu tiên phong thành lập ban marketing hoạt động khá bài bản với chức năng tiếp thị, quảng bá, tìm nguồn xã hội hóa... Và đó có thể được xem là cách thay đổi tư duy nghệ thuật để thích ứng với cơ chế thị trường. Dự án truyền hình “Xóm hóng” cũng thay đổi cách làm truyền thống, “không chờ khán giả tìm đến mình, mà mình tự chủ động “đưa món ăn” đến với khán giả cả nước”, như PGĐ, NSƯT Chí Trung chia sẻ.

Có thể nói, việc quyết định hợp tác với truyền hình cũng là một hướng đi năng động, nhanh nhạy của Nhà hát Tuổi trẻ. Thứ nhất, chương trình không chỉ tạo nên sự “bứt phá” mang lại sự trẻ trung, hiện đại và mới mẻ cho sân khấu, không lệ thuộc vào cách làm truyền thống, mà còn đưa khán giả cả nước biết đến “đặc sản” hài của “rạp” 11 Ngô Thì Nhậm. Và đó cũng là một chiêu PR thương hiệu hiệu quả.

Bởi tiểu phẩm “đinh” của mỗi chương trình hài “Xóm hóng” là một tiểu phẩm đã từng được nhiều khán giả biết đến trong “Đời cười”, “Phố cười”, thì con số khán giả đến xem tại rạp, biết đến hài kịch của Nhà hát Tuổi trẻ vẫn quá nhỏ so với con số hàng chục triệu khán giả truyền hình cả nước... Và với một “doanh nghiệp” làm nghệ thuật, việc hình ảnh, thương hiệu của mình càng được tiếp thị rộng rãi, càng có lợi trong việc tìm nguồn xã hội hóa, tài trợ, quảng cáo...

Không những thế, việc kết hợp với nhà đài lên sóng vào giờ vàng (20h Thứ Sáu hàng tuần) cũng rất hút quảng cáo, và tỉ lệ ăn chia là chắc chắn có với đơn vị hợp tác sản xuất với Đài. Một nguồn lợi về tài chính cũng khá đáng kể và đều đặn cả năm từ một “món ăn xào xáo lại” là bước đi khôn ngoan, nhanh nhạy và năng động mà không phải Nhà hát nào cũng làm được trong thời buổi sân khấu đang “ế ẩm” hiện nay.

Một “xóm hóng”... không lạ

Đến thời điểm này, “Xóm hóng” đã có ba chương trình chạy demo tại Nhà hát Tuổi trẻ trong tháng 11 với các chủ đề không mới như: Câu lạc bộ Hoạn Thư, Lưỡi và răng (đề cập hiện tượng trẻ em nói tiếng Tây chuẩn, nhưng không nói được tiếng ta) hay chuyện về Ô sin trong mối quan hệ gia đình... Format chương trình gồm 3 phần: Mở đầu bằng “Hóng tin” với các tin tức cập nhật trong tuần, trong tháng; “Hóng sự” với người dẫn chuyện là Mr Hóng (NSUT Chí Trung đảm nhiệm) và phần cuối là một vở “Kịch Hóng”.

Series hài “Xóm hóng”: “Bình” nào cho vừa “rượu cũ”!? ảnh 1

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, một trong tác giả kịch bản từng bày tỏ “Xóm hóng sẽ là chương trình hài kịch mang chất hiện đại với tiếp cận vấn đề từ ba phía: truyền thông, khán giả và nghiên cứu, mở ra các nhìn nhiều chiều về một vấn đề thời sự”. Vị đạo diễn này còn tâm đắc “Xóm hóng vừa mang tính hàn lâm, vừa mang tính giải trí lại mang tính thông tấn”.

Với những gì diễn ra trên sân khấu, thực chất, “Xóm hóng” là món ăn không có gì mới mẻ, và dừng lại ở chỗ: “đồ ăn trong tủ lạnh” được mang “xào xáo” lại.

Thế nhưng, với những gì diễn ra trên sân khấu, thì thực chất, “Xóm hóng” là món ăn không có gì mới mẻ, và dừng lại ở chỗ là “đồ ăn trong tủ lạnh” được mang “xào xáo” lại. Điểm nhấn có ý nghĩa nhất mỗi chương trình, tiểu phẩm kịch hóng lại chính là những tiểu phẩm đã thành công của “Đời cười”, “Phố cười” với kho trữ lượng lên tới cả trăm tiểu phẩm.

Trên chủ đề và tiểu phẩm đã có, ekip kỳ vọng “làm nóng món ăn” với 5 nhân vật: Ông Hóng (NSƯT Chí Trung), tổ trưởng tổ dân phố Hóng Hớt; cô Hớt (NS Vân Dung), làm nội trợ ở nhà kiêm việc tiêu tiền giúp ông chồng là một giám đốc doanh nghiệp; ông Ngó (Đức Khuê), 40 tuổi, chưa vợ, có vẻ thuộc giới tính thứ ba, là cán bộ tuyên truyền của phường; bà Soi (Minh Hằng), chuyên phát bao cao su của xóm và cô Hớn (Thu Hương), công nhân công ty may, đang nuôi con nhỏ.

Dù xóm “buôn chuyện” có sự vào vai của các diễn viên hài kỳ cựu của Nhà hát Tuổi trẻ, câu chuyện được dẫn dắt và lắp ghép khá khiên cưỡng, không tạo thành cú đột phá hay “món ăn lạ miệng” hấp dẫn như đã từng kỳ vọng. Thậm chí chỉ là “miếng” hài nhạt, được lắp ghép cố cho vừa với tiểu phẩm, chủ đề đã sẵn có từ trước. Sau 3 số thử nghiệm,  “Xóm hóng” vẫn chỉ dừng lại ở chỗ “đánh bóng” những tiểu phẩm hài cũ trong kho “thương hiệu” hài của Nhà hát như “Đời cười”, “Phố cười”…

Tương tác và kết nối chưa chặt chẽ

Bên cạnh đó, nếu bản diễn trên sóng truyền hình giống như phần diễn trong 60 phút đầu trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ, thì “Xóm hóng” na ná như một chương trình tạp kỹ: có hát, có nhảy, có múa, có cả tiểu phẩm kịch, có cả tình huống kịch… Song sự dẫn dắt và kết nối chủ đề giữa Hóng tin, Hóng sự và Hóng kịch còn nhạt nhòa, không mấy chặt chẽ.

Có lẽ vai trò của người dẫn chương trình “GS. Cù Trọng Xoay” góp một phần quan trọng trong việc kết nối này, song dường như nghệ sĩ Đinh Tiến Dũng vẫn chưa thể hiện hết khả năng hoạt ngôn của mình khi sự dẫn dắt của anh khá mờ nhạt. Âm nhạc của NS Trương Quý Hải dẫn dắt khá thuyết phục, nhưng sự xuất hiện của anh trên một số tình huống khá cứng nhắc, cố gây hài nhưng không đạt hiệu quả.

Góc nhìn khác, với một chương trình sân khấu dài hơi, sự tương tác hai chiều giữa khán giả và nghệ sĩ sẽ tạo hiệu quả trong việc thu hút và lôi kéo người xem. Còn nhớ, gần đây nhất, trong vở “Vòng phấn Kavka” do đạo diễn người Đức Dominik Gunther thực hiện cùng ekip diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ, chỉ bằng vài thủ pháp đơn giản tương tác với khán giả, đã khiến người xem như cùng nỗi sợ nghẹt thở trong phần truy đuổi cô gái Grusche Vachnadze... Đó có thể được xem như một kinh nghiệm trong xử lý các tình huống sân khấu mà các đạo diễn Việt Nam nên học hỏi.

Với những gì đã thể hiện, phần tương tác, kết nối với khán giả của “anh Xoay” khá hời hợt, chỉ dừng lại ở việc hỏi khán giả vài câu dạng như: Anh có biết ghen không... trong chương trình với chủ đề CLB Hoạn Thư...

Trữ lượng gần 200 tiểu phẩm có sẵn từ những chương trình hài đã thành công là một lợi thế với ekip sáng tạo gồm những cây bút viết tiểu phẩm hài đã quen thuộc với khán giả như “Giáo sư Xoay” Đinh Tiến Dũng, “bác sỹ hoa súng” Hoàng Nhuận Cầm, ĐD Đỗ Minh Tuấn, Lê Chí Trung, Nguyễn Toàn Thắng, Nguyễn Văn Quý, Duyên Anh...

Tuy nhiên đó cũng là một thách thức khi phải làm mới kho kịch bản đang có và sáng tạo thêm cho phù hợp, cho tròn trịa với những gì đã có. Có lẽ điều đó cũng khó khăn không kém khi sáng tạo một tác phẩm mới hoàn toàn. Làm sao để tìm được “bình” cho xứng với số “rượu” đã có, hay cụ thể là để làm được một sản phẩm đầu tư tương đối chu đáo trong thời buổi hiện nay, dù sao cũng là một bài toán khó với ekip làm chương trình “Xóm hóng”.

MỚI - NÓNG