Six Space: Khi nghệ thuật tương tác với giới trẻ

Lê Giang (cầm micro) trong buổi đối thoại với các nghệ nhân rối cạn đến từ Bảo Hà (Hải Phòng)​. Ảnh: Lê Đỗ.
Lê Giang (cầm micro) trong buổi đối thoại với các nghệ nhân rối cạn đến từ Bảo Hà (Hải Phòng)​. Ảnh: Lê Đỗ.
TP - Hà Nội hiện mới chỉ có hai không gian nghệ thuật do nghệ sĩ điều hành. Một trong hai không gian đó là Six Space, làm việc với nghệ sĩ từ bước đầu lên ý tưởng cho đến thực hiện, giới thiệu tới công chúng. Six Space hoạt động phi lợi nhuận, phát triển các chương trình giáo dục nghệ thuật và ủng hộ những cách tiếp cận nghệ thuật khác nhau.

Trở về nước sau 2 năm du học Thực hành nghệ thuật ở Anh, nữ họa sĩ trẻ Lê Giang được người thân cho mượn mặt bằng cả tầng 6 của một tòa nhà để mở lớp dạy vẽ cho trẻ nhỏ. Đầu năm 2013 Lê Giang lập xưởng nghệ thuật Blossom Art House và mở những workshop (khóa học) về nghệ thuật thị giác gần như đầu tiên tại Hà Nội. Có một số bộ phim hay nhưng không muốn xem một mình, thế là Giang mua máy chiếu, màn hình về gọi mọi người đến xưởng xem cùng, rồi chuyển thành hoạt động thường xuyên. Workshop về chuyển động, nhiếp ảnh, kịch ứng tác, in ấn sách... đã thu hút khá đông người tham dự vì những cuộc nói chuyện trao đổi tập trung vào giới thiệu ý niệm, thao tác chứ không nặng về lý thuyết, đánh đố người nghe.

Để mở rộng hoạt động hỗ trợ các nghệ sĩ trẻ, đưa nghệ thuật thị giác đến với cộng đồng Lê Giang cùng người bạn nghệ sĩ Đỗ Tường Linh thành lập Six Space. Từ lúc này, Bloosom House sẽ chuyên sâu về giáo dục nghệ thuật. Giang và Linh gặp nhau ở sở thích nghệ thuật thử nghiệm, ủng hộ nghệ sĩ mới, cởi mở kết nối với những nghệ sĩ quốc tế.

Nghệ sĩ thử nghiệm, khán giả ngoại đạo

Xin được tiền từ quĩ nước ngoài, Six Space kêu gọi nghệ sĩ trẻ “chưa tên tuổi” tham gia. “Triển lãm online” (trực tuyến) ra mắt đầu năm 2017 đã nhanh chóng gây chú ý với cộng đồng và khẳng định phong cách của Six Space - luôn ủng hộ sự táo bạo và thử nghiệm.

Với ý tưởng sử dụng internet như một không gian nghệ thuật mới, triển lãm  trực tuyến đầu tiên của VN “In_ur_scr!” (Viết tắt của “In your screen” có nghĩa là “trên màn hình”) cho phép người xem tự do truy cập và cảm nhận tác phẩm thông qua màn hình với các đường link và mã quét QR. 

Dự án “Play” (Chơi) của Nguyễn Ngọc Vũ  chơi với leogo hay xem sự biến đổi của những chiếc mặt nạ tuồng chất liệu mica, kết hợp giữa nghệ thuật gấp giấy origami và thiết kế video nghệ thuật là những thử nghiệm thị giác, “mang phong cách trẻ trung mà chỉ thế hệ đó mới nghĩ ra, không thể là thế hệ lớn hơn”.

Có mặt tại triển lãm “Chơi”, họa sĩ Đỗ Hiệp nhận xét: “Không gian ở đây khá thân thiện và lạ lẫm. Tôi gặp ở đây nhiều gương mặt trẻ chưa từng xuất hiện trong các sự kiện của giới mỹ thuật. Khán giả ngoài ngành và nghệ sĩ trẻ chưa “tên tuổi” là sự kết hợp thú vị”. Một nữ khán giả “người trong giới” có ý hơi khác: “Các nghệ sĩ trẻ cần nhất là cơ hội để giới thiệu mình ra một cộng đồng lớn hơn. Cái các bạn có là sức trẻ, sức sáng tạo đổi mới nhưng cái thiếu là “sự sâu sắc”, các bạn cần hợp tác với nhiều người hơn để có sự sâu sắc trong các tác phẩm của mình”.

Lê Giang bày tỏ quan điểm của chị cũng như của Six Space: “Nghệ sĩ 9X luôn có mong muốn họ phải làm được cái gì đó mới, nó không quá nặng nề về lý thuyết hay phải đưa ra một ý niệm sâu sắc nhất định mà nó thiên về thử nghiệm”. Điểm khác rõ rệt của Six Space với các không gian nghệ thuật khác ở VN là hướng đến người trẻ, không được đào tạo chính qui và khán giả “không trong giới nghệ sĩ”. “Ở nơi khác, đa số nghệ sĩ đi xem của nhau. Tại đây mọi người đến không nhất thiết phải hiểu biết về nghệ thuật”.

Dự án “Tưởng tượng lai vai trò nghệ sỹ, nghệ nhân” là điểm nhấn gần đây nhất gây chú ý trong cộng đồng. Trong thời gian một năm, các nghệ sỹ trẻ tham gia dự án đã trực tiếp đến với 50 làng nghề thủ công truyền thống thuộc các tỉnh lưu vực sông Hồng. Tại workshop triển lãm tác phẩm đồng sáng tạo, khán giả có thể tham gia cuộc đối thoại giữa nghệ nhân và nghệ sĩ. Những workshop về thêu, rối cạn có lượng người tham gia đông ngoài dự kiến. Người đăng ký học kỹ thuật thêu cung đình nhiều đến nỗi phải chia ra làm nhiều buổi. Ban điều phối dự án phát hiện “rối cạn gây tò mò hơn với khán giả mọi lứa tuổi vì rối nước đã quá quen do được quảng bá trường kỳ, lấn át”. Cách tiếp cận và tương tác giữa nghệ thuật đương đại với văn hóa truyền thống của Six Space có hiệu ứng rõ rệt hơn so với cách giới thiệu truyền thống của các hiệp hội thuần túy nghệ nhân, điều này cho thấy Six Space cập nhật và mát tay.

Dừng xin tiền tây

Nhận tiền của quĩ nước ngoài không ít áp lực. “Chúng tôi đề xuất thực hiện dự án Tưởng tượng về nghệ sỹ/ nghệ nhân trong 3 năm nhưng quĩ tài trợ muốn hoàn thành trong một năm. Vậy nên kết quả không thực sự chất lượng như chúng tôi mong muốn”. Một số quĩ tây đáo hạn tiêu tiền, cần giải ngân khiến các dự án nhiều khi phải làm gấp đối phó, sao cho đúng ngày đúng giờ được nghiệm thu.

Quĩ tây chi cho khoản tiền khiêm tốn vì vậy người làm dự án cũng như nghệ sĩ phải chấp nhận “vui là chính” thì những  sự kiện hay mới đến tay “người tiêu dùng”. Trong dự án Tưởng tượng về nghệ nhân nghệ sĩ, mỗi nghệ nhân từ địa phương lên triển lãm chỉ nhận được từ 500 nghìn đến 1 triệu thù lao. Có một số cuộc nhà tổ chức bán vé 50-100 nghìn, giảm giá 50% cho sinh viên. Khoản tiền sau đó chia đôi 50-50 cho chủ nhà và nghệ sĩ khách mời. “ Giá vé chỉ đủ thanh toán tiền điện và để khán giả thấy tôn trọng nghệ sĩ. Nếu phải trả tiền thuê nhà chắc giá đội cao ngất”.

Hiện tại, hai sáng lập viên xác định làm không lương cho Six Space vì dự án không phải hoạt động kinh doanh có lãi. Họ có một số cộng tác viên tham gia tình nguyện.

“Làm dự án bằng tiền của mình thoải mái đầu óc hơn” Giang và Linh dự định thời gian tới sẽ tập trung vào các workshop giáo dục.

Trong tương lai, Six Space có thể tính chuyện gọi tài trợ từ các doanh nghiệp lớn cho dự án dài hơi “người Việt đầu tư cho nghệ thuật Việt thì cộng đồng mới được hưởng. Trông vào Tây lại phải đón ý tây”.

MỚI - NÓNG