Số phận gia đình người bị bắt vì hưởng ứng bài thơ của Xuân Khải

Số phận gia đình người bị bắt vì hưởng ứng bài thơ của Xuân Khải
TPCN - Sau khi Tiền phong khởi đăng loạt bài “Từ bài thơ gây chấn động dư luận và đêm trước Đổi mới”, có một người phụ nữ gọi đến Tòa soạn xin địa chỉ bà Xuân Khải “để trao lại một kỷ niệm buồn”
Số phận gia đình người bị bắt vì hưởng ứng bài thơ của Xuân Khải ảnh 1
Nhà thơ Dương Kỳ Anh và chị Phạm Thị Xuân Khải tại Tòa soạn báo Tiền Phong.
Ảnh: Phạm Yên

Sau cuộc gặp giữa 2 người phụ nữ ấy, chúng tôi được biết 20 năm trước có một người đàn ông ở Tuyên Quang vì tâm đắc bài thơ “Mùa Xuân nhớ Bác” của Phạm Thị Xuân Khải, muốn làm thơ hưởng ứng và bị bắt giam.

Nỗi đau khổ, oan ức đeo đẳng gia đình ông suốt 20 năm, cho đến bây giờ họ vẫn lo sợ, vẫn muốn giấu tên thật...

20 năm và 2 giờ đồng hồ

Xuân Khải trở về nhà khách Thanh niên khoảng gần 9h tối nhưng bà chưa định lên phòng ngay mà đi thẳng ra phố để kiếm cái gì ăn vì bà chưa ăn cơm chiều. Lúc đi ngang qua cổng nhà khách, bà nhìn thấy một cô gái đứng gần gốc cây. Thoáng thấy bà, cô gái hỏi: “Cô có phải là cô Xuân Khải không ạ?”.

“Làm sao cháu lại biết cô?” “Cháu nhận ra cô ngay, vì cháu mới nhìn thấy ảnh của cô trên trang nhất báo Tiền phong”. Sau khi lau những giọt nước mắt lăn dài trên má, cô gái tiếp tục cất lời nhỏ nhẹ: “Cháu là cán bộ thuế thị xã Tuyên Quang. Cháu xuống lúc chiều và tìm đến cô ngay”.

“Sao cháu biết cô ở đây mà tìm?”-Xuân Khải hỏi. “Cách đây mấy ngày, chị gái cháu ở Hà Nội gửi tin nhắn: “Tìm báo Tiền phong đọc bài thơ MXNB của cô Khải. Bài thơ định mệnh của cậu đấy! Người mà chị ấy nhắc là bố cháu.

Cháu vội ra bưu điện mua báo và gọi thẳng về đường dây nóng của báo Tiền phong để hỏi địa chỉ của cô. Mãi trưa nay cháu mới biết được cô ở Hà Nội và vội vã xuống luôn để gặp cô”.

Cô gái lại nắm lấy tay bà vẫn giọng run run, xúc động: “Gặp được cô cháu mừng quá. Trước khi xuống Hà Nội, cháu thắp hương khấn bố cầu mong sao hôm nay gặp được cô. Thế là cháu toại nguyện rồi.

Cách đây 20 năm, cô cháu và chị họ cháu có đi tìm cô nhưng không gặp được. Bố cháu nói: “Nếu có địa chỉ thì cũng gửi bài thơ cho cô”. Bây giờ con gái của bố cháu đã được gặp cô để giải tỏa nỗi đau xót cho bố cháu, cho cháu và cho cả gia đình, mong trút bỏ được gánh nặng tinh thần trong lòng cháu và gia đình suốt 20 năm qua…”.

“Vào chiều ngày 29/4/1986, cháu thấy công an vào nhà mình đông lắm rồi họ giải bố đi. Cháu hoảng sợ đứng nép bên hiên nhà, không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Chẳng thấy mẹ đâu, 3 chị em cháu thực sự sợ hãi. Lúc đó cháu mới lên 10 tuổi, đứa em gái sắp vào lớp 1, thằng em út mới có 1 tuổi.

Mấy chị em lếch thếch cõng nhau đi quanh thị xã để tìm bố nhưng mãi không tìm được. Đi đến tê dại cả chân, 3 chị em mệt lả trở về nhà trong sợ hãi. Cháu không dám khóc vì sợ 2 đứa em cũng oà khóc theo…”

Tội nghiệp 3 đứa bé, chẳng biết hỏi ai, bố đâu, mẹ đâu rồi? Cái buổi chiều oan nghiệt năm 1986 ấy đã in sâu vào tâm trí cô bé. Đứa trẻ mới lên 10 tuổi đã phải chứng kiến nỗi oan ức, xót xa của bố và nỗi đau chôn chặt trong lòng người mẹ.

Cô gái tiếp tục kể: “Vì sao bỗng dưng bố cháu bị bắt? Gia đình cháu xưa nay vẫn ăn ở hiền lành, phúc hậu, chưa làm hại tới ai bao giờ cơ mà?”

Tai vạ đã ập xuống, che phủ hết những ngày yên vui, hạnh phúc của gia đình nhỏ ở tận vùng quê Tuyên Quang tít xa, ghi dấu ấn đau buồn cho cả đại gia đình của cô. Ông bà cô khổ tâm lắm.

Tội nghiệp các cụ đã từng tham gia hai cuộc kháng chiến mà tuổi già sống chẳng được yên lòng. Ông cụ thương con, thương dâu phải một mình tần tảo chăm lo cho 3 con thơ dại.

Mẹ cô vẫn dằn lòng, bấm bụng chịu đựng vất vả với gánh nặng gia đình và với gánh nặng tinh thần vì lời ong, tiếng ve về việc chồng bị bắt. Tất cả mọi nỗi gian truân, khó nhọc đều trút lên đôi vai người phụ nữ ốm yếu.

Hoàn cảnh éo le như vậy nên mặc dù học khá nhưng cô không thi Đại học, đành đi học trung cấp để sớm có nghề, tìm việc làm đỡ đần bố mẹ nuôi 2 em ăn học.

Sau 49 ngày bị bắt oan, bố cô được trả tự do. Với ông, một ngày tù - nghìn thu ở ngoài. 49 ngày đêm ở tù đã tàn phá sức khoẻ và gây ức chế hết sức nặng nề về tinh thần đối với ông.

Được trả tự do, thương vợ, con, ông tiếp tục làm việc, lao động cật lực. Nhưng cuộc sống nặng nề, vất vả đã làm hao tổn sinh lực của ông. Ông không còn đủ sức để cùng vợ đi trọn cuộc đời và tiếp tục chăm lo cho 3 đứa con.

Năm cô tròn 20 tuổi, bố cô đã giã từ cuộc sống. Nỗi lo toan gia đình lại tiếp tục chuyển sang vai người phụ nữ đáng thương kia...

Nghe câu chuyện về số phận của bài thơ mà bố cô sáng tác và những biến cố, tai ương sau đấy, chúng tôi nung nấu ý định gặp cho bằng được người phụ nữ 30 tuổi này để tìm hiểu ngọn ngành. Mọi thông tin chúng tôi có lúc này chỉ duy nhất số điện thoại cầm tay của cô mà tôi đã thuộc làu. 

Những cuộc gặp gỡ bị khước từ

Gọi điện cho người phụ nữ ấy, tôi vừa mới xưng: “Chào bạn, mình là phóng viên…” Cô gái vội nói luôn: “Cám ơn bạn đã hỏi thăm. Thực sự mình không muốn… gặp bạn đâu!”.

Lúc cầm trên tay số điện thoại của cô và bấm máy, tôi hy vọng biết bao nhiêu thì ngay lúc đó, tôi biết mình gặp khó khăn thế nào khi muốn tìm hiểu thêm những thông tin về câu chuyện dài của gia đình cô.

Tôi đã gặp phải người phụ nữ trẻ, tính tình nhẹ nhàng, dễ mến nhưng lúc nào cũng như đang “dị ứng” với dư luận. Có gì đó bên trong con người này, một nỗi buồn xót xa, đến nỗi cô không muốn nghe bất cứ một sự thuyết phục nào. Điều gì đã khiến cô “ác cảm” với tôi vậy?

Đã có những lúc tôi tưởng đã làm cho cô tin tưởng bằng chính câu chuyện của bà Khải mà chúng tôi vừa hoàn thành đăng trên báo. Nhưng cô lại nói: “Bạn đừng mất công thuyết phục mình nữa. Mình cũng đã khẳng định việc này với một đồng nghiệp của bạn rồi đấy thôi”.

Tôi cố thuyết phục bằng nhiều cách, đưa những bằng chứng, những nhân vật được Tiền phong bênh vực, minh oan và đem lại quyền lợi chính đáng trong các vụ việc còn phức tạp hơn thế nhiều.

Giọng nói của cô gái đã bớt cứng rắn hơn. Cô bảo tôi: “Mình sẽ suy nghĩ lại. Lúc nào nghĩ xong, mình gọi lại cho bạn”. Cô nói vậy nhưng không hề ghi lại số điện thoại của tôi. Tôi cứ chờ đợi rồi lại chủ động gọi cho cô tới cả chục lần.

Có những lúc cô xuống Hà Nội nhưng vẫn không đồng ý gặp tôi. Tôi muốn lên nhà, cô vẫn khéo léo nói lời cám ơn rồi từ chối…

Trước khi trở về Bình Định, bà Xuân Khải đã hiểu lý do vì sao cô gái ấy đã từ chối, không muốn đưa câu chuyện buồn của gia đình mình lên báo: “Tội nghiệp con bé. Chuyện xảy ra đã 20 năm rồi mà nó vẫn còn lo lắng như ngày nào. Nó giấu mẹ về việc tìm gặp cô đấy. Nếu biết nó xuống Hà Nội để gặp cô, chắc mẹ nó đã tìm mọi cách ngăn cản...”.

Đã nhiều lần tôi nói chuyện qua điện thoại với cô gái và động viên rằng hãy tin mọi việc sẽ trở nên đơn giản và tốt đẹp hơn. Đã đến lúc cần để báo Tiền phong nói lên sự thật và chính thức minh oan cho bố của cô.

Báo Tiền phong muốn từ câu chuyện này góp phần minh oan cho người đã khuất đồng thời bảo vệ chân lý, lẽ phải cho nhiều người khác đã từng gặp phải tai ương, bất công như gia đình cô.

Điều gì đã ám ảnh mẹ con cô gái đến nỗi sự việc xảy ra đã 20 năm rồi mà họ vẫn không dám kể lại với phóng viên về câu chuyện buồn đó của gia đình? Điều bí ẩn ấy đã thôi thúc tôi phải lên Tuyên Quang.

Chuyến viếng thăm bất ngờ… trong dự định

Phải nhờ đến em gái của bố cô, tôi mới hỏi dò được nơi ở của gia đình. Khi gọi điện, tôi chỉ nói rằng tôi là cháu… cô Khải. Người phụ nữ  ở phía bên kia đường dây điện thoại hướng dẫn cho tôi: “Chị  ấy (mẹ của cô gái) ở một mình. Chị ấy đi làm đến tối mới về, cháu phải lên vào Chủ nhật mới gặp được. Nhà chị ấy ở gần đài tưởng niệm phường Phan Thiết, cô cũng không nhớ rõ số nhà đâu nhưng cháu cứ đến đấy hỏi là biết!”.

Tôi lại tiếp tục gọi cho cô gái nói rằng tôi đi công tác lên Tuyên Quang và xin ghé thăm gia đình cô. Cô một mực từ chối, bảo tôi đừng lên. Sau nhiều lần điện thoại, tôi cảm thấy không hy vọng gì.

Nhưng rồi niềm vui hết sức bất ngờ đến với tôi khi cuối cùng cô đã nhận lời: “Khi nào bạn đến bến xe thì gọi lại cho mình, mình sẽ ra đón”. Nhưng đêm trước khi lên Tuyên Quang, một cú điện thoại lúc nửa đêm khiến tôi lại rơi vào tình trạng thất vọng: “Ngày mai, cả gia đình mình đi Hà Giang, không ai ở nhà để gặp bạn đâu!”.

Không, tôi vẫn tiếp tục đi và định sẽ chờ đến khi nào họ về…

Xuống xe, xốc lại túi xách tôi ngắm nhìn từng căn nhà và nhớ lại lời chỉ dẫn. Bằng linh cảm, tôi bước đến căn nhà có cánh cửa gỗ màu nâu đang he hé mở để hỏi thăm.

Người phụ nữ ngoài 50 tuổi có gương mặt cương nghị nhưng nếp nhăn nhiều hơn so với tuổi. Tôi hỏi: “Thưa cô, cô có phải là…?” Sau một chút ngỡ ngàng, người phụ nữ ấy khẽ gật đầu nói: “Ừ! Cô đây!”.

Bên cạnh bà còn có 4 thanh niên 2 nam, 2 nữ và 2 cháu nhỏ nữa. Dường như đã đoán được tôi là ai, người phụ nữ nhỏ nhắn ngồi cạnh ngập ngừng: “Hiếu phải không?”. Đúng cái giọng của người tôi đã nói chuyện nhiều lần qua điện thoại, tôi mừng rỡ: “Đúng rồi!”.

Mọi người trong nhà trở nên lúng túng trước sự xuất hiện của tôi. Mọi người vào phòng kế bên, chỉ còn cô gái ở lại tiếp tôi. Cả hai đều không bất ngờ nhưng vẫn e ngại về quyết định trước đó của mình.

Đêm trước, tôi bảo cô sẽ không lên tìm họ nữa. Còn gia đình cô trót nói đi…Hà Giang. Tôi hỏi thăm từng người và nói chuyện với 2 đứa nhỏ đang chăm chú nhìn tôi làm không khí trong nhà vui vẻ, tự nhiên trở lại. Cô giới thiệu từng người trong gia đình...

Những giây phút bất ngờ ban đầu qua đi, cô bắt đầu câu chuyện. “Khi nhận được tin nhắn của chị gái ở Hà Nội, mình đi tìm mua báo khắp thị xã nhưng không được.

Gửi em

(Hưởng ứng bài MXNB của Xuân Khải)

Đọc thơ em lòng anh ấm lại
Điểm cao này đang đợt rét tháng 2
Nghe thơ em đồng đội cười sảng khoái
Con gái gan to dám nói những điều sai.

Anh ở trên này cũng nhiều mây
Càng ở trên cao mây càng dầy
Sáng sáng, chiều chiều trên đỉnh chốt
Súng chắc trong tay ngắm mây bay…

Thơ em sáng như tình người trong sáng
Mạnh mẽ là thơ của Sóng Hồng
“Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ”
Tuổi 20 - tuổi của ước mơ.

Trong gian nguy ta càng nhớ Bác Hồ
Hiến trọn cuộc đời cho đất nước
Khi nhắm mắt lòng còn mơ ước
Các cháu được học hành, dân ấm no.

Tiếp nữa đi em những vần thơ
Lòng dân vỗ nhịp sóng đôi bờ
Ta nhân sức mạnh cơn thác đổ
Quét đi cho sạch lũ bùn nhơ.

Người bán báo mách: “Có ông kiến trúc sư thường mua báo Tiền phong, chắc chú ấy vẫn lưu đấy”. Mình tìm đến nhà ông kiến trúc sư, chú ấy có cả mấy số báo Tiền phong bắt đầu từ bài đầu tiên (số 52 ra ngày 14/3).

Mình chỉ dám xin mượn báo của chú để đọc vì các số báo đặc biệt trên này rất hiếm. Nhưng thật may mắn, chú bảo: “Nếu cháu cần thì chú cho cháu đấy”.

Mừng quá, mình ôm hết các số báo về nhà. Tối hôm sau, em trai mình chở mẹ đến nhà chơi, tiện thể mình mượn xe của nó ra phố mua báo. Khi ấy mình đi cả tiếng đồng hồ…”

Mẹ cô bắt đầu để ý, thắc mắc với đứa em và con rể: “Tại sao tự dưng nó lại đi tìm báo?” Khi cô cầm tờ Tiền phong về, bà mẹ thoáng nhìn thấy ngay trang đầu có hàng tít “Từ bài thơ gây chấn động dư luận…” đã biến sắc mặt, đầy suy nghĩ và lo lắng.

Cô vội vàng giấu tờ báo đi không muốn để mẹ đọc. Trở về đến nhà rồi mà mẹ cô vẫn băn khoăn về hàng tít lướt qua mắt bà lúc ở nhà con gái. “Hình như mẹ linh cảm đây là chuyện về bài thơ của bố mình trước đây rồi sẽ làm sống lại chuyện cũ 20 năm trước…mẹ không yên tâm, bảo em mình quay xe lại bắt mình đưa cho mẹ xem tờ báo.

Mình đành giấu mẹ và trả lời: “Không có gì đâu mẹ ạ!”. Mình lại an ủi mẹ, nói rằng không có gì dính dáng đến bố. Mẹ vẫn lo lắng và bảo mình: “Thôi con ơi, chuyện xảy ra đã 20 năm rồi, mẹ xin con đừng khơi dậy lại nữa làm gì. Vì nỗi đau của mẹ còn gấp ngàn lần nỗi đau của con…”.

... Đọc bài MXNB của Xuân Khải xong, lòng bố cô như phấn chấn hẳn lên bởi một người con gái đã dũng cảm nói lên những tiêu cực và bao điều bức xúc lớn lao đang diễn ra trong xã hội. Ông nghĩ, tại sao chuyện tiêu cực ở cơ quan mình lại không đưa vào thơ được?

Và bài thơ “Gửi em” được ông dồn tâm huyết làm trong có nửa giờ đồng hồ... Công an áp giải ông ngay trước mặt 3 đứa con thơ và hàng chục người hàng xóm vì nghi ngờ ông “làm thơ chống phá chế độ”, đưa về trại tạm giam để điều tra tiếp.

Mẹ cô không quỵ xuống mà nắm lấy tay chồng an ủi: “Anh vào đó cứ nói sự thật. Mình không có tội thì không việc gì phải sợ cả...”. Nước mắt bà không trào ra được bởi còn 3 đứa con, chúng sẽ ra sao khi bà không thay chồng vừa làm bố, làm mẹ đây? 

Ở trong trại tạm giam, bố cô đã làm bài thơ “Cảm xúc trong tù”, sau đó đọc lại cho cô em gái thứ 7: “Ăn miếng cơm tù lòng xót xa/Nghĩ mình sao đã trót làm thơ/Tóc đã điểm sương mà còn dại/Thôi nhé từ nay hết tự do/Mẹ ơi con đâu học chữ ngờ/Thương cha dãi nắng tóc bạc phơ/Tuổi cao sức yếu ai chăm sóc/Nhà cửa hoang tàn lúc gió mưa...”.

Và ông cũng không dám viết thêm những buồn tủi của đoạn cuối bài thơ vì không muốn để lại nỗi niềm đau đớn cho vợ con.

Ra khỏi trại tạm giam, một người yêu thơ như ông lại phải “quay mặt” với thơ vì lo sợ tai ương lại ập xuống gia đình bé nhỏ. Người ngấm nỗi đau và sự oan ức của bố cô không ai khác ngoài mẹ cô.

Bà đã không muốn những đau đớn ấy ảnh hưởng đến các con và đã âm thầm sống chuỗi ngày dài lê thê trong đau buồn và vất vả, một mình chăm lo cho 3 con trưởng thành...

Kỳ 2: Nỗi sợ hãi đeo đẳng suốt 20 năm (ra ngày thứ Hai, 5/6/2006)

MỚI - NÓNG