Sợ Tết xưa cũ

Sợ Tết xưa cũ
TPO - Tết đến, một số người tỏ vẻ tiếc nuối không khí Tết xưa. Theo họ, “hương vị Tết cổ truyền” ngày xưa đậm đặc, nay bị phai lạt rất nhiều. Riêng tôi lại thấy Tết nay mới thực Tết hơn Tết xưa, mỗi lần nghĩ đến Tết xưa là tôi sợ.
Chợ Tết. Ảnh: Tư Liệu
Chợ Tết. Ảnh: Tư Liệu.

“Không khí Tết xưa” hoặc “hương vị Tết cổ truyền” mà những người hoài cổ vẫn không nguôi ca ngợi, chủ yếu chỉ thấy chuyện ăn và mặc. Rất ít điều thoát ra khỏi niềm khát khao ăn no mặc ấm. Mà ăn với mặc ngày xưa có gì đáng nhớ? Ca dao có câu “Số cô chẳng giàu thì nghèo/Ngày Ba Mươi Tết thịt treo trong nhà” thì trong niềm khắc khoải của những người hoài cổ cũng chỉ bóng nhẫy miếng thịt mỡ; ca dao tả cảnh Tết “Thịt lợn, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” thì người khắc khoải hoài cổ cũng chỉ loanh quanh chừng ấy hình ảnh.

Mà miếng ăn thời đói rách thường kèm theo bao nhiêu tủi nhục, cơ cực. “Đụng” lợn, nhiều gia đình hùn mổ một con lợn để chia nhau, được nhiều người miêu tả “rộn ràng làng quê” như là một không khí thi vị của Tết xưa. Nhưng cái sự chia phần xưa nay có bao giờ công bằng tuyệt đối! Chuyện “đụng” lợn vì thế ít khi không có tiếng eo sèo trách móc, ngấm nguýt, thậm chí đánh lộn nhau, bưng rổ thịt chia phần về nhà còn hậm hực suốt mùa Xuân.

Gói bánh chưng những ngày giáp Tết năm 1950 (Hà Nội)
Gói bánh chưng những ngày giáp Tết năm 1950 (Hà Nội).

Bây giờ thì sao? Các bà các chị ra chợ, nhìn hàng thịt lợn ê hề, ưng miếng nào thì vểnh cái ngón có móng son màu tươi thắm lên chỉ trỏ và được bặt thiệp đáp ứng. Các thứ bánh trái hoa quả khác đều có được như thế, ngon và rẻ, nhanh và khỏe, nhẹ nhàng và vui vẻ. Đâu cần thức khuya dậy sớm, í ới kêu la, làm được một miếng ngon có khi hư hỏng hai ba miếng khác nhưng vẫn cố nuốt vì không dám bỏ, còn khen miếng hư hỏng là miếng ngon với cái cách gọi củ khoai thối là “thơm thối” vậy.

Chuyện nấu bánh chưng, những người hoài cổ thường kể mãi như là một hình ảnh đậm đặc “hương vị Tết cổ truyền”. Họ lựa lấy vài công đoạn thú vị nhất để kể, mà giấu tiệt những công đoạn vất vả. Chẳng hạn, đêm Ba Mươi cả nhà quây quần bên bếp, khi bánh chín, vớt ra được ăn (lại chuyện ăn) cái bánh lép. Bánh lép là bánh không nhân mà bánh chưng không có nhân thì chỉ là cục cơm nếp nhạt phèo, ngon với người đói thôi. Nhưng để có nồi bánh chưng chín, phải trải qua nhiều công đoạn vất vả. Ngay việc nấu, lửa khói nóng nực gần ngày trời.

Tuổi thơ tôi sợ nhất khi cha mẹ giao việc canh nồi bánh chưng, không được đi chơi với bạn bè, phải loanh quanh bên bếp để đẩy củi vào lò và tiếp nước vào nồi. Sau này, có nồi áp suất từ Liên Xô đun tiếng đồng hồ đã chín bánh, thực sự giải thoát tuổi thơ của tôi ngang bằng nhân loại thoát kiếp nô lệ. Nên từ khi có gia đình, tôi không bao giờ gói và nấu bánh chưng để con cái đỡ cái khổ bị sai vặt chạy lăng xăng. Cần bánh chưng, ra chợ lựa chọn. Nếu hương vị bánh chưng là hương vị Tết cổ truyền thì cái hương vị ấy ở bánh chưng của người chuyên nghiệp làm ra hơn hẳn bánh do bàn tay nghiệp dư vụng về làm ra.

Sợ Tết xưa cũ ảnh 3

Nhưng đương nhiên, hương vị Tết cổ truyền không phải gói tất cả trong vài miếng ăn ngày Tết. Hương vị Tết cổ truyền, chính yếu nhất nằm trong đời sống tâm linh, tập trung ở việc tưởng nhớ công ơn tiên tổ và mong ước tương lai tốt đẹp cho con cháu. Thành kính chắp tay trước bàn thờ gia tiên, trong hương trầm man mác, cuộc sống thực tạm lãng quên để nhập vào cuộc sống hài hòa liền mạch giống nòi thấm đẫm tình nhân ái cao sâu, mong ước giống nòi bền vững.

Có một cái Tết, ngồi giữa bà con chòm xóm vui chuyện thơ văn, tôi làm hai câu thơ và đề nghị mọi người họa theo cho thành một bài thơ hoàn chỉnh. Suốt ngày, không có thêm câu nào. Tôi hơi buồn, nghĩ rằng một nét văn hóa tao nhã Tết cổ truyền dân tộc đã phai nhạt. Nhưng về sau, tôi nghĩ lại và tự hỏi, có thực đó là “nét văn hóa cổ truyền dân tộc” hay do tôi muốn bắt chước đâu đó?

 Nếu năm đó, nhiều người hưởng ứng và bài thơ hoàn thành thì có lợi gì cho cuộc sống của những người nông dân quê hương tôi? Việc gì không mang lại lợi ích thiết thực thì khó khẳng định đó là văn hóa, còn “văn hóa cổ truyền dân tộc” không phải cứ muốn và gán ghép mà có được.

Văn hóa phải vì cuộc sống, trong cuộc sống mục đích tối thượng là vun đắp tương lai. Một gia đình có văn hóa khi tập trung nuôi dạy con cháu nên người, tài giỏi càng quý nhưng điều đó còn phụ thuộc ông trời. Những gia đình chỉ tập trung cúng vái tổ tiên, quanh năm chìm trong khói hương nghi ngút, thường sinh ra lớp con cháu yếm thế, lờ đờ, kém sinh khí, thiếu sức sống; đó không thể gọi là gia đình có văn hóa.

Chợ hoa Tết tài phố Hàng Lược (Hà Nội – 1952)
Chợ hoa Tết tài phố Hàng Lược (Hà Nội – 1952).

Nên Tết nhất, dù là dịp đời sống tâm linh chiếm lĩnh đất trời thì thời gian trang nghiêm, tĩnh lặng trước bàn thờ tiên tổ cũng vẫn ít hơn thời gian dành cho con cháu. Bây giờ, càng có điều kiện để dành cho con cháu nhiều hơn ở các phương tiện truyền thông, mạng internet, và những chuyến du lịch để con cháu mở rộng tầm mắt không giới hạn.

Tết bây giờ cũng không phải chỉ có vậy, mà còn tạo nhiều điều kiện cho những người hoài cổ được nhìn sâu hơn, rộng hơn về ngày xưa. Các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ và cả trong hiện thực cuộc sống, biết bao không gian cổ được tái hiện, phục dựng. Nếu người trẻ tuổi luôn nhìn về phía trước vì tương lai ở phía trước thì người già luôn ngoái về phía sau vì tuổi đẹp nhất của người già ở đó. Cái quy luật tự nhiên ấy khi được tôn trọng, nhường nhịn nhau, sẽ làm cho cuộc sống hài hòa, phong phú, đáng yêu, còn muốn áp đặt lên nhau sẽ gây ra phản ứng nhiễu loạn.

Tết nay đang có nhiều điều kiện mở rộng sự rạng rỡ, tươi vui, phong phú cho mọi cung bậc của cuộc sống, vậy làm sao không hơn Tết xưa chật hẹp? Tết xưa chỉ quẩn quanh lo ăn lo mặc, chao ôi nghĩ lại, tôi còn sợ!

Theo Viết
MỚI - NÓNG