'Soái ca' rock Việt và những chuyến đi dài

Rocker Trần Lập và Bức Tường đã thành công trên con 'Đường đến ngày vinh quang'.
Rocker Trần Lập và Bức Tường đã thành công trên con 'Đường đến ngày vinh quang'.
Không phải ai cũng thích dòng nhạc rock theo phong cách hard rock và power metal của rocker Trần Lập và ban nhạc Bức Tường. Nhưng cách anh và ban nhạc truyền lửa khát vọng, khơi dậy niềm tin yêu mãnh liệt vào cuộc sống để hướng những điều tốt đẹp chân - thiện - mỹ của cuộc đời đến mọi người… thì ai cũng cảm thấy rung động. Và tiếc thương một người trẻ đầy nhiệt huyết phải ra đi.

Nhạc sĩ- rocker Trần Lập, linh hồn của ban nhạc Bức Tường, một ban nhạc rock hàng đầu Việt Nam thuộc thể loại hard rock và power metal. Có thể nhiều người không thích dòng nhạc này, vì cảm giác nó ồn ào quá, mạnh mẽ quá, bạo liệt quá, cứ rừng rực tưởng chừng đốt cháy trong cuồng nhiệt… Nhưng nếu như một lần nghe “Bông hồng thủy tinh”, “Bài ca sông Hồng”, “Người đàn bà hóa đá”, “Tiếng gọi”… thì có thể sẽ cảm nhận rock của Trần Lập và Bức Tường ở một chiều khác, rất ngọt ngào, lãng mạn… mang nhiều rung động sâu lắng.

42 tuổi, độ tuổi của sự “chín” và thăng hoa cao nhất, là lúc đam mê cống hiến lên đến đỉnh cao… căn bệnh ung thư không chừa một ai đã đưa rocker Trần Lập - “soái ca” của làng rock Việt đi về “nơi xa lắm” vào ngày 17/3/2016, để lại sự tiếc thương không chỉ của các fan hâm mộ rock Việt, hâm mộ Bức Tường, mà còn của nhiều số phận không may mắn được tiếp sức bằng chính tinh thần của rocker Trần Lập qua những ca khúc của anh.

"Đường đến ngày vinh quang"

“Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng/ Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai/ Ðường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió/ Lời hứa ghi trong tim mình/ Vẫn bước đi hiên ngang đầu ngẩng cao...” (Đường đến ngày vinh quang). Anh đã đi và đến được đường vinh quang mà anh mơ ước, phấn đấu và quyết tâm…

Rocker Trần Lập sinh năm 1974, quê Nam Định. Có một nền kiến thức cơ bản về thanh nhạc và nghệ thuật biểu diễn qua trường lớp chuyên nghiệp, lập thân từ một ca sĩ hát nhạc sàn nhảy, có lúc tưởng chừng lạc lối, nhưng bản tính hướng thiện và niềm đam mê nghệ thuật  đã đưa Trần Lập nỗ lực tự tìm hiểu và cả tầm sư học đạo để đến với con đường ca hát chuyên nghiệp, cùng ước mơ thành lập một ban nhạc riêng.

Ngày 26/3/1995, ban nhạc The  Wall- Bức Tường được thành lập, từ đam mê một thể loại âm nhạc khá xa lạ với công chúng Việt, nhất là giới trẻ thời đó nhưng Trần Lập và nhóm bạn cùng sở thích yêu rock “để được sống với đam mê dẫu có dại khờ” (Những chuyến đi dài).

Thời điểm đó lập ra một ban nhạc và để tồn tại không phải dễ, các thành viên đôi khi chỉ ước có một cây đàn chất lượng, ước có sàn diễn…, thậm chí ước một bữa ăn no. 20 năm, vượt rất nhiều trở ngại, kiên trì theo đuổi dòng nhạc rock yêu thích, Trần Lập và Bức Tường đã vượt ra khỏi sân chơi phong trào để trở thành một nhóm rock chuyên nghiệp, độc đáo hơn là tạo ra một phong cách rock Việt, không giống ai nhưng lại có hấp lực và ảnh hưởng mạnh mẽ đến giới trẻ 8X, 9X ở Việt Nam.

Ngay buổi ra mắt đầu tiên, đúng ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, khán phòng hội trường Đại học Xây dựng Hà Nội  tưởng chừng như nổ tung bởi sự cuồng nhiệt, hò reo tán thưởng của hơn 300 sinh viên khi những giai điệu nóng bỏng, sôi động và rất mới mẻ khác biệt  do sáu chàng trai: Trần Lập, Tuấn Hùng, Đức Hiệp, Ngô Đình Hải, Nguyễn Hoàng, Vũ Văn Hà xuất hiện trên sân khấu, chơi đàn và hát liên tục hàng chục bài cover lại các ca khúc “hot” nhạc Âu - Mỹ - Việt: “Let's Twist Again”, “Ngọn lửa cao nguyên”, “Knife”, “Have You Ever Seen the Rain”, “Holiday”...

Không dừng ở việc cover lại các ca khúc “hot”, Trần Lập quyết định “liều” sáng tác ca khúc riêng cho Bức Tường. Đây là một thể nghiệm không phải dễ dàng, vì trong cách nhìn của giới âm nhạc và cả công chúng Việt thời ấy, rock phải thuộc về quê hương Âu- Mỹ, chứ không phải nhạc Việt lời Việt, Rock là phải gào thét, quằn quại, hay thật “hầm hố”… chứ không phải có chút mềm mại, ngọt ngào, lãng mạn. Nhưng Trần Lập và Bức Tường đã làm được điều tưởng chừng không thể.

Tự tin và bản lĩnh, cùng với tố chất năng khiếu bẩm sinh, Trần Lập đảm nhận vai trò sáng tác và hát chính với hơn 50 ca khúc được đông đảo khán giả yêu thích như: “Trở về”, “Dế mèn”, “Tâm hồn của đá”, “Mắt đen”, “Cây bàng”, “Bông hồng thủy tinh”, “Đường đến ngày vinh quang”...

Những thể nghiệm trong sáng tác ca khúc rock Việt bằng cách phả hồn âm nhạc truyền thống hay mang sử thi, truyền thuyết vào nội dung ca khúc đã nâng tầm của Trần Lập và Bức Tường thuộc “đẳng cấp” cao, góp vào nền âm nhạc Việt Nam đương đại những sáng tạo nghệ thuật ca khúc có giá trị, và thay đổi diện mạo các phong cách biểu diễn ca khúc Việt. Trần Lập thể nghiệm thành công khi đưa nhạc dân gian Việt Nam vào rock, tiêu biểu như “Bài ca sông Hồng” sử dụng âm thanh của đàn tính, mang âm hưởng đồng bằng Bắc Bộ, “Ra khơi” thổi làn gió mới vào “Lý kéo chài” dân ca Nam Bộ.

Hay những ca khúc mang tính sử thi theo truyền thuyết  dân gian như “Người đàn bà hóa đá” (từ Sự tích nàng Tô Thị), “Chuyện tình của Thủy Thần” (chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh), “Dấu vết nghiệt ngã” (chuyện An Dương Vương xây thành Cổ Loa)...

Tính từ album đầu tay năm 2001 “Tâm hồn của đá”, 15 năm nay, Trần Lập và Bức Tường đã chinh phục trái tim công chúng, đặc biệt là công chúng thế hệ 8X, 9X. Trong các sáng tác của Trần Lập, “Đường đến ngày vinh quang” được đánh giá là ca khúc thành công, ghi đậm dấu ấn của Bức Tường. Ca khúc tràn đầy nhiệt huyết này thể hiện ý chí mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn để vươn đến những đỉnh cao. Tại các sự kiện xã hội, văn hóa, thể thao của Việt Nam trong những năm gần đây, khi lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới cũng là lúc giai điệu và ca từ quen thuộc của “Đường đến ngày vinh quang” vang lên.

'Soái ca' rock Việt và những chuyến đi dài ảnh 1

"Đôi bàn tay thắp lửa"

Đây là tên liveshow cuối cùng của Trần Lập và Bức Tường cùng các bạn bè vào ngày 16/1/2016, khi anh đang trong những ngày chiến đấu khốc liệt với căn bệnh ung thư. Đến những ngày cuối đời, rocker Trần Lập, giọng ca vẫn rực lửa, vẫn giữ một tinh thần lạc quan, truyền nhiệt tình và tình yêu cuộc sống đến mọi người. Ý chí kiên cường luôn tràn đầy trong anh, cả ở đời sống riêng lẫn âm nhạc.

"Chúng ta hãy đừng sống vô cảm, đừng lạnh lùng với nhau/ Đừng sống giống như hòn đá/ giống như hòn đá/ Sống không một tình yêu/ Sống chỉ biết thân mình...” (Tâm hồn của đá). Anh dùng giọng hát, lời ca của mình với mong muốn thức tỉnh mọi người hãy quan tâm hơn chất lượng cuộc sống, nâng tầm hiểu biết xã hội về căn bệnh ung thư đang trở thành thách thức đe dọa sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam…

Như một làn sóng mới, những cơn thủy triều miên man của âm thanh, ca từ và phong cách rock Việt, Trần Lập và Bức Tường đã truyền lửa đến giới trẻ 8X, 9X Việt Nam. Các ca khúc vừa hừng hực khí thế, vừa gợi nhiều suy tư, trăn trở, dù có rơi vào nghịch cảnh vẫn luôn là sự lạc quan, tin vào tình yêu, cuộc sống, ý chí, bản lĩnh của mỗi con người.

Nếu “Bông hồng thủy tinh”, “Mắt đen”, “Rock xuyên màn đêm”, “Đường đến ngày vinh quang”... ca ngợi tình yêu, biết nâng niu và trân trọng từng phút giây, hay niềm khát khao tri thức, vươn tới những đỉnh cao… đưa Trần Lập  và Bức Tường như một “thần tượng” trong lòng giới trẻ, thì các ca khúc hướng về cộng đồng và những số phận bất hạnh trong xã hội như “Đôi bàn tay”, “Niềm tin cho cát bụi”, “Người mộng du”, “Đêm”, “Cô gái mù”... khẳng định sự khác biệt và "đẳng cấp" mang tầm ảnh hưởng trong cộng đồng xã hội rộng rãi của rocker Trần Lập và Bức Tường với các nhóm rock Việt đương thời.

Năm 2013, Trần Lập ra mắt tự truyện “Bên kia Bức Tường” kể lại những câu chuyện chân thật, giản dị nhưng cũng đầy chìm nổi về những ngày tháng rong ruổi với nhạc rock và ban nhạc Bức Tường. Và đây cũng như một tác phẩm mang lửa của ý chí, nghị lực “Hãy đi theo con tim, làm những điều mình muốn” đến giới trẻ Việt Nam.

Âm nhạc của Trần Lập cùng Bức Tường sẽ mãi truyền cảm hứng theo thời gian, không chỉ vì giai điệu vừa sâu lắng vừa máu lửa, mà còn bởi ca từ giàu tính nhân văn, hướng con người đến suy nghĩ và mục đích tốt đẹp.

20 năm cống hiến cho đam mê âm nhạc và nhiệt huyết truyền lửa sống đẹp đến giới trẻ cũng như góp phần giảm bớt những cái ác trong cộng đồng xã hội, đoạn đường của Trần Lập không dài, nhưng dấu ấn anh để lại đủ truyền cảm hứng cho một thế hệ trẻ lối sống tích cực, lạc quan và có ích.

Tiễn biệt anh, rocker Trần Lập, “soái ca” của rock Việt chặng cuối  “Những chuyến đi dài”. Anh bình yên và mỉm cười nhé.

1995: Ra mắt ban nhạc Bức Tường.

2001: Ra album rock đầu tay “Tâm hồn của đá”.

2002: Live show chuyên nghiệp đầu tiên của Bức Tường được bình chọn là một trong 10 sự kiện văn hóa của năm.

2003: Bức Tường có live show riêng tại Pháp trong Festival Visages Francophones; lập gia đình.

2006: Đồng loạt từ bỏ hết và cùng anh em ban nhạc chia tay khán giả với Last Saturday.

2007: Làm Đại sứ thiện chí bóng đá của AFC (Liên đoàn Bóng đá châu Á).

2008: Làm đạo diễn Rock Storm ba năm liên tiếp và một loạt sự kiện khác.

2010: Bức Tường tái hợp với album thứ tư trong sự nghiệp mang tên “Ngày khác”.

2011: Bức Tường biểu diễn thành công với Asean Rock Festival tại Indonesia.

2012: Làm huấn luyện viên chương trình Giọng hát Việt.

2013: Ra mắt tự truyện “Bên kia Bức Tường” kể lại những câu chuyện chân thật, giản dị nhưng cũng đầy chìm nổi về những ngày tháng rong ruổi với nhạc rock và ban nhạc Bức Tường.

Theo Theo Cảnh Sát Toàn Cầu
MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.