Sông Đà - Âm vang bài ca lao động

Sông Đà - Âm vang bài ca lao động
Chiều 15/7 tại trụ sở TCT Sông Đà đã diễn ra lễ trao giải cuộc thi viết "Công trường TNCS xây dựng thủy điện - Hôm qua và hôm nay" - báo Tiền Phong và Tổng Công ty Sông Đà phối hợp tổ chức.

Bí thư TƯ đoàn Bùi đặng Dũng đã trao cho Nhà văn Hoàng Minh Tường giải Nhất trị giá 10 triệu đồng. Cuộc thi trao ba giải Nhì, mỗi giải trị giá 6 triệu đồng và 6 giải Ba, mỗi giải trị giá 4 triệu.

Tổng giá trị giải thưởng được trao cho 31 tác giả dự thi là 75 triệu đồng. Báo Tiền Phong có 5 tác giả đoạt giải, trong đó có giải Nhì của tác giả Trần Tuấn.

Phát biểu tại Lễ trao giải cuộc thi, nhà thơ Dương Kỳ Anh, TBT báo Tiền Phong, Trưởng ban tổ chức cuộc thi, khẳng định: “Những thế hệ người thợ Sông Đà không chỉ làm nên những kỳ tích, mà còn âm thầm đổ máu, hy sinh trên những công trường xây dựng thủy điện nối tiếp nhau từ Thác Bà ngót 40 năm trước đến Sê San bây giờ, như tác giả Phan Đình Đại (nguyên Phó Giám đốc TCT) ngợi ca trong trong bài Còn chưa kịp dựng tượng các anh.

Đó cũng là những người thợ Sông Đà đã Một đời gắn với những dòng sông ánh sáng (tác giả Tất Lộc) đã tạo nên Ấn tượng Yaly (Đại Dương), đã trở thành Những người anh hùng trên cao nguyên (Trần Thăng), Những người anh hùng xuyên đèo Hải Vân (Trần Tuấn)...”.

Đồng chí Dương Khánh Toàn, Tổng giám đốc TCT phát biểu, khẳng định thủy điện - sản phẩm truyển thống, sở trường của TCT thuộc loại “sản phẩm kết tinh của trí tuệ, lòng dũng cảm và tinh thần yêu nước của các thế hệ thanh niên”.

Sông Đà - Âm vang bài ca lao động ảnh 1

Nhà thơ Dương Kỳ Anh trao giải cho các tác giả đoạt giải nhì cuộc thi. Ảnh: Phạm Yên

Cuộc thi khép lại khi hàng loạt các công trình thủy điện đang tiến hành, trong đó phải kể đến Sơn La - công trình thủy điện lớn nhất nước. Phạm Đức, nhà thơ đoạt giải Nhì đã gọi Sông Đà là “Bài ca của hai mươi ngàn đôi tay, hai mươi ngàn trí óc... Biến sự rong chơi của nước... thành cần mẫn ánh sáng xóm nghèo”.

Các tác phẩm dự giải như những lời kêu gọi thế hệ trẻ hôm nay hãy đến với Sơn La, với các công trình xây dựng thủy điện trên cả nước.

Nhà văn Hoàng Minh Tường sau khi nhận giải đã “nhớ lại”: “Trong những ngày tháng 5 vừa rồi, đài báo đưa mực nước Sông Đà từng ngày, càng thấy công sức lao động của những người làm nên thủy điện Sông Đà là vô cùng vinh quang, đáng tự hào”.

Ông cho rằng, những bài dự thi mới viết được một phần nhỏ bé, những “mô - men” của cuộc đời những người thợ Sông Đà, mà thế hệ con cháu còn phải viết nhiều nữa về Sông Đà, “nhân lên bản anh hùng ca và hào khí Sông Đà hôm qua và hôm nay”.

Cuối bài báo dài 3.000 chữ, đoạt giải Nhất, được ông viết sau chuyến thực địa lên Sông Đà tháng 7/2003, Hoàng Minh Tường kêu gọi: “Đừng đợi ngót trăm năm nữa xem những người thợ Sông Đà nói gì trong bức thư gửi thế hệ mai sau kia.

Các bạn trẻ, hãy đến Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, để nhìn dòng thác trắng xóa chảy âm vang bài ca lao động bất tận, để leo từng bậc lên đỉnh đồi cao, đến với tượng đài Bác Hồ, cùng Người chiêm ngưỡng sự kỳ vĩ của thiên nhiên và kỳ tích của những người thợ thủy điện Sông Đà”.

MỚI - NÓNG