'Sống vội' tò mò về 'sống chậm'

Tiết mục của bà con dân tộc Pa Cô (Quảng Trị). Ảnh: Hoàng Sơn.
Tiết mục của bà con dân tộc Pa Cô (Quảng Trị). Ảnh: Hoàng Sơn.
TP - Không chỉ đến ngắm vẻ đẹp khác lạ của văn hóa dân tộc thiểu số, nhiều khán giả tỏ ra thích thú với những tiết mục nghệ thuật có kèm câu chuyện về phong tục tập quán mỗi vùng miền tại Festival “Tôi tin tôi có thể” 2016.

Festival với hai sự kiện  Biểu diễn nghệ thuật của bà con dân tộc thiểu số (Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục) và “Tôi tin tôi có thể : Tri thức bản địa –Mạch sinh nguồn sống” (Nhạc viện Quốc gia HN) đã thu hút được sự chú ý của nhiều người dân thủ đô.

Tôn vinh “sống chậm”

Màn diễn tập tục “Kéo vợ”của nhóm Mông (Lào Cai) tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục được khán giả hò reo cổ vũ. Tục kéo vợ thường xuyên bị truyền thông gọi thành “cướp vợ” để câu view. Trên thực tế, khi chàng trai ưng một cô gái, họ tìm cách kéo tách cô ấy khỏi đám bạn gái ở phiên chợ, đưa cô về nhà. Trong mấy ngày đó cô gái ngủ cùng mẹ hoặc em gái chàng trai. Nếu cô gái từ chối, chàng phải đem cô về nhà trả. Chị Hặng Thị Sa 43 tuổi, dân tộc Mông khoe hồi trẻ chị từng bị kéo 5 lần. Bốn lần đầu chị không đồng ý, người kéo phải mang trả chị về. Lần cuối chị mới ưng. Cô gái nào càng được kéo nhiều lần càng tự hào. Con gái chị Sa năm nay 21 tuổi tỏ mặt buồn vì “không được cướp”, em phải cưới chồng theo cách để nhà trai đến nhà dạm hỏi như người Kinh. Theo anh Má A Pho trưởng nhóm Mông, vì bị đổi tên thành “cướp vợ” nên tập tục này bị nhà nước cấm. Hiện nay không nhiều người dám kéo vợ nhưng nhiều cặp đôi trẻ lại quan hệ sớm, ngoài hôn nhân thành ra nguy hiểm hơn.

Khi người địa phương giải thích rõ kèm minh họa sống động về một tập tục bị hiểu sai, sức hấp dẫn có lẽ nhiều hơn cả một nhạc phẩm giải trí.

Chị Hồ Thị Hòa dân tộc Pa Cô (Quảng Trị) chia sẻ, tất cả nhóm 7 người trong đoàn đều là nông dân làm rẫy, mọi người tập đàn hát múa vì yêu thích và không nhận khoản bồi dưỡng nào. Được ra Hà Nội biểu diễn, giao lưu là hãnh diện lắm rồi.

Nhóm Pa Cô có dàn nhạc cụ truyền thống độc đáo nhất và điệu múa phụ họa giữ được nhiều động tác nguyên bản. Cuối buổi biểu diễn, trưởng đoàn Pa Cô, nghệ nhân Kray Sức tỏ ra rất vui vì tiết mục “Chim K’Lang” của nhóm được khán giả ủng hộ và gây ấn tượng với nhiều đoàn bạn. Từng có nhiều năm bỏ công sưu tầm giá trị văn hóa của người Pa Cô nghệ nhân thổ lộ: “Người dân ở đâu cũng thích học cái mới, theo đuổi cái cũ bị coi là không kinh tế. Nhiều người trong thôn xã nhìn tôi như kẻ chậm chạp “không  ra gì” khi tôi cứ lọ mọ với quá khứ nhưng đó là đam mê mất rồi”. Ông kể có lần cùng hàng trăm người dân bỏ mấy tuần phục dựng lễ hội chỉ được cung cấp gạo ăn và kết thúc cuộc đấu bò được chia một con bò chết để liên hoan. Một bò cho 250 người, ông Kray Sức cười khoe.

Trong Festiaval lần này, ban nhạc dân tộc Pa Cô có màn kết hợp hát ngẫu hứng cùng ca sĩ Giang Trang bài “Đời cho ta thế” của Trịnh Công Sơn. Do ít thời gian tập, bè phối có chút lộn xộn nhưng khán giả tỏ ra thích thú vì cách biểu diễn tự nhiên “rất nghệ sĩ” của nhóm. Nghệ nhân Kray Sức cho biết, các nghệ sĩ làm rẫy sẵn sàng thử nghiệm kết hợp với nhạc pop, rock nếu có điều kiện. “Tôi tin bà con buôn làng tôi sẵn sàng đón nhận thôi, nhất là người trẻ”.

Khán giả cảm tình với một số tiết mục đặc sắc như múa Xì Dăm của dân tộc KhMer, Ca khúc của nhóm Pà Thẻn (Hà Giang), Múa trong lễ Cấp sắc của người Dao (Yên Bái)…

Nhiều khán giả đi cả gia đình ba thế hệ vì tò mò chủ đề “tri thức bản địa” của Festival. Giữa các tiết mục có phần giao lưu của bà con về kiến thức lưu truyền và bản sắc của mỗi dân tộc. Anh Ma Văn Hùng, dân tộc Tày Lạng Sơn chứng minh cách chăn nuôi trồng trọt theo truyền thống hiệu quả và an toàn cho sức khỏe hơn so với cách của các chuyên gia nông nghiệp tư vấn. “Họ khuyên chúng tôi nên cho gà ăn cám giai đoạn đầu để tăng cân, xuất chuồng nhanh. Chúng tôi lại cho ăn ngô từ đầu đến cuối gà lớn chậm hơn nhưng bù vào đó thịt gà chắc, ngon và sạch. Chúng tôi chẳng bao giờ béo phì vì ăn thịt gà, lợn nuôi chậm”. Cả hội trường vỗ tay tán thưởng. Anh Hùng và một vài nông dân người Thái Đen (Điện Biên) tỏ ra ủng hộ cách trồng 2-3 loại cây ăn quả, hoa mầu thay vì trồng ồ ạt độc một loại chủ đạo. “Theo cách của chúng tôi, nếu nhà thầu từ chối mua một loại thì vẫn còn hai ba loại còn lại gỡ bù. Nếu theo cách của chuyên gia, khi bên thu mua quay lưng người trồng mất trắng”.

'Sống vội' tò mò về 'sống chậm' ảnh 1

Tiết mục múa Xì Dăm (Dân tộc KhMer).

“Mình không phải diễn viên”

Mỗi người dân đều mang đến Festival một thông tin nào đó hữu ích cho cộng đồng của họ cũng như đồng bào dân tộc khác. Sau mỗi điệu múa, bài ca, một người đại diện nhóm sẽ kể cụ thể nguồn gốc của bài hát, tập tục hay đạo cụ trong điệu múa

Theo bà Nguyễn Thị Bích Tâm, đồng sáng lập Trung tâm Nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM), một trong những người khởi xướng dự án, từ trước tới nay để chiêu tụ người dân địa phương miền xuôi cũng như miền núi tham gia tập luyện và biểu diễn tại lễ hội, chính quyền hoặc nhà tài trợ thường phải thuê tiền từng buổi. Tại “Tôi tin tôi có thể”, bà con dân tộc từ khắp cả nước hoàn toàn tự nguyện tập luyện các tiết mục nghệ thuật, sưu tầm kiến thức bản địa để mang đến Festival 2016. Nhà tổ chức chỉ lo ăn ở, đi lại.

Khởi xướng từ năm 2015, Festival “Tôi tin tôi có thể” nhằm tôn vinh giá trị của đa dạng văn hóa và tầm quan trọng của tri thức bản địa, thúc đẩy sự tôn trọng, thấu hiểu và đoàn kết giữa các dân tộc.  Dự án “Tôi tin tôi có thể” được hỗ trợ bởi Viện Nghiên cứu Xã hội Kinh tế và Môi trường (iSEE), Trung tâm Nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM), Trung tâm vì sự phát triển bền vững miền núi (CSDM), Tổ chức Oxfam và Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam.

Cố vấn nghệ thuật và đạo diễn chương trình Phạm Diệu Hương cho biết tất cả những tiết mục hoàn toàn do bà con tự lên ý tưởng, tự chuẩn bị, tự biên đạo, tự tập với nhau, tự chọn nhạc. Đạo diễn không can thiệp, thay đổi, bổ sung bất kỳ động tác nào.

Trước giờ biểu diễn, bà Bích Tâm dặn đi dặn lại bà con “Chúng mình không phải diễn viên, mình phải thật mộc, là chính mình!”.

Với kinh nghiệm hàng chục năm tham gia dự án phát triển năng lực cộng đồng, bà Bích Tâm nhận thấy nhiều biến chuyển khi bà con dân tộc có cơ hội tìm hiểu và giới thiệu về văn hóa của mình. “Mới đầu họ rụt rè, không thích họp, lúc họp thường im lặng nhưng khi đã hiểu được giá trị của mình, thấy mình quan trọng, họ nhiệt tình tham gia”.

Khác biệt với cách giới thiệu “văn hóa bản địa” của nhiều sự kiện tương tự, “Tôi tin tôi có thể” do chính các đại diện của các cộng đồng người dân tộc thiểu số với gần 100 người đến từ 15 tỉnh trên cả nước thực hiện. Họ tham gia hoàn toàn tự nguyện. Tên dự án “Tôi tin tôi có thể” cũng là do chính bà con nghĩ ra.

MỚI - NÓNG