Sửa sai ở di tích quốc gia chùa Khúc Thủy

Đôi sư tử đá phía trước Tam bảo sẽ được di dời ra khỏi di tích quốc gia. Ảnh: Kỳ Sơn.
Đôi sư tử đá phía trước Tam bảo sẽ được di dời ra khỏi di tích quốc gia. Ảnh: Kỳ Sơn.
TP - Trong cuộc làm việc tại chùa Khúc Thủy (Thanh Oai, Hà Nội) sáng 2/11, PGS.TS. Trần Lâm Biền kiến nghị Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội và chính quyền địa phương một loạt chỉnh sửa đối với di tích quốc gia này.

Sai phạm

Tiền Phong từng có bài phản ánh sai phạm trong quá trình tu bổ di tích quốc gia chùa Khúc Thủy, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai trong số báo ngày 27/10. Một loạt tồn tại trong quá trình tu bổ chùa cũng được Sở VHTT Hà Nội nêu trong kết quả thanh tra liên ngành: Phía sau chùa có ba khối nhà xây mới đồ sộ trong đó có đặt pho tượng đá lớn, lối đi hai bên chùa chính đặt nhiều tượng phật sơn màu vàng chói, phía trước tượng có gắn biển tên người công đức. Nhiều pho tượng mới được sơn thếp màu sắc giả cổ, trần nhà tiền đường và thượng điện treo các mảng rèm màu sặc sỡ.

“Điều may mắn là những phần xây dựng thêm nằm ngoài địa giới bảo vệ di tích được xếp hạng quốc gia, chính vì thế tôi nghĩ phải xây tường bao ngăn cách giữa không gian cũ đã được xếp hạng với phần cơi nới để người ta khỏi nhầm lẫn”, PGS.TS Trần Lâm Biền nói trong cuộc làm việc với Sở VHTTDL và địa phương tại chùa Khúc Thủy sáng 2/11. Trả lời Tiền Phong, PGS Biền khẳng định những phần xây dựng thêm có ảnh hưởng nhưng chưa quá nhiều tới ngôi chùa cổ đằng trước, tuy nhiên ngay trong không gian chùa cổ cũng có nhiều hạng mục cần thay đổi.

Một số việc cần làm ngay để sửa sai theo đề xuất của PGS.TS Trần Lâm Biền: Phải hạ màu tường bởi vàng nghệ không phải màu của người Việt. Tam quan không đúng với tính chất, nay phải hạ tông xuống vàng nhạt và bỏ những yếu tố không thuộc truyền thống Việt. Ông nhấn mạnh tới việc cần nhất chính đạo từ tam quan vào tiền đường. Trên trục chính, toàn bộ hơn trăm bức tượng phải di chuyển ra khỏi không gian được xếp hạng. Tượng phật Dược sư phải được đưa xuống, không thể ngồi trên cao quá lấn át chùa cổ. Nhang án bên cũng phải được đẩy ra phía trước, tượng đặt phía sau. Hai gác chuông và gác trống hiện nay phải sửa lại thành hai tầng tám mái chứ không phải ba tầng-kiến trúc dành cho thế giới người chết-và bỏ trống da thay bằng khánh. Một số ngôi mộ của các nhà sư ở chùa nên phân tán ra thay vì tập trung ở một chỗ, ảnh hưởng tới kiến trúc chính.

Sửa sai

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội chủ trì cuộc làm việc sáng 2/11 tại chùa Khúc Khủy, với đại diện Cục Di sản Văn hóa, lãnh đạo xã Cự Khê và Ban quản lý chùa Khúc Thủy. “Sở sẽ soạn văn bản gửi huyện, xã về những việc cần làm ngày đối với di tích quốc gia chùa Khúc Thủy. Với những hạng mục phức tạp hơn, Sở sẽ báo cáo UBND thành phố Hà Nội, Bộ VHTTDL”, ông Trương Minh Tiến nói. Theo Luật Di sản Văn hoá, các hạng mục tu bổ phải được sự thoả thuận của Cục Di sản, Bộ VHTT&DL.

Lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội cũng khẳng định với Tiền Phong một số đầu việc trước mắt có thể làm để sửa sai ngay: Đưa đôi sư tử đá ra khỏi khuôn viên di tích được xếp hạng. Hai bức tranh không phù hợp trong Tam bảo cũng cần di chuyển. Một số bức tượng cũng cần sắp xếp lại. Về điều này, PGS.TS Trần Lâm Biền đề xuất phải bài trí cho phù hợp. Ông Tiến cũng thống nhất đề xuất di dời hơn trăm bức tượng sơn vàng chói hai bên lối đi ra khỏi khu vực chùa cổ. “Tam quan cũng cần tu bổ lại, Sở sẽ xin chủ trương để làm quy trình tu bổ sao cho đúng với truyền thống”, ông Tiến nói. Nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Trần Hậu Yên Thế cũng nhận xét, việc bài trí hơi lộn xộn và không theo truyền thống chùa Việt.

Về bức tượng Dược sư, PGS.TS Trần Lâm Biền nói rằng đúng là trước kia không có nhưng vì bức tượng này khá đẹp nên bỏ đi cũng tiếc. Ông đề xuất đẩy bàn thờ đá xanh lên phía trước, hạ thấp tượng xuống và lùi lại phía sau bàn thờ cho đẹp. Ông lí giải Dược sư là vị phật ở phía Đông, luôn luôn gắn với sự ủng hộ điều tốt đẹp cho thế giới. Tượng A di đà phía Tây ủng hộ những kiếp đời đã qua. Phía trước tượng Dược sư, đằng sau là tượng A di đà tạo ra kiến trúc hoàn chỉnh. “Tôi nói với các nhà sư, chính quyền rằng đây là kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng, song người tu hành và nhân dân đều phải hiểu được rằng di tích được xếp hạng cấp quốc gia nên không còn của riêng làng xã này, không còn riêng phái nào. Di tích được bảo hộ theo pháp luật, cho nên không ai có quyền đứng cao hơn pháp luật”, PGS.TS Trần Lâm Biền nói.

MỚI - NÓNG