Tân Huê Viên đúc tượng Phật dát vàng: Ban Tôn giáo Chính phủ lên tiếng

TPO - Tượng Dược sư được đúc bằng đồng mạ vàng đặt trong công trình Liên Hoa Bảo Tháp của Công ty Tân Huê Viên được xác định là công trình tôn giáo.

Ngày 13/11, nguồn tin của Tiền Phong cho biết, Ban Tôn Giáo Chính phủ có văn bản gửi Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) Sóc Trăng về việc xây dựng Liên Hoa Bảo Tháp và tượng Dược sư của Công ty Tân Huê Viên (toạ lạc huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng).

Theo đó, Ban Tôn giáo Chính phủ nhận được công văn số 198 ngày 1/10/2019 của Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) tỉnh Sóc Trăng về việc xin ý kiến xây dựng Liên Hoa Bảo Tháp và đặt tượng Dược sư của Cty TNHH chế biến thực phẩm Bánh pía – Lạp xưởng Tân Huê Viên. Về việc này, Ban Tôn giáo Chính phủ có ý kiến.

Theo thiết kế, dự án đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ Tân Huê Viên tháng 1/2018, tên hạng mục công trình là Đài Hoa Sen được thiết kế theo kiến trúc cổ, bao bọc là một hồ nước lớn, dự kiến có từ 4 – 8 chiếu cầu bằng đá làm lối đi vào toà sen.

Như vậy, ngay trong thiết kế của dự án tên gọi của công trình Đài Hoa Sen không phải là tên gọi dịch vụ Tân Huê Viên (Liên Hoa Bảo Tháp) như văn bản số 181 ngày 26/4/2019 của Ban quản lý các khu công nghiệp sử dụng hoặc đã có sự thay đổi về tên gọị, thiết kế của dự án nhưng trong tài liệu gửi kèm của Ban Tôn giáo tỉnh Sóc Trăng không có văn bản thể hiện sự thay đổi đó.

Thiết kế hạng mục Đài Hoa Sen cũng không thể hiện việc đặt tượng Dược sư trong công trình này để du khách tham quan chiêm bái.
Tân Huê Viên đúc tượng Phật dát vàng: Ban Tôn giáo Chính phủ lên tiếng ảnh 1 Khu đất thuê 

Bên cạnh đó, trong văn bản số 198 của Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) tỉnh Sóc Trăng nêu: việc dựng tượng Dược sư nhằm mục đích cầu chúc sức khoẻ, bình an cho du khách.

Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, việc cầu chúc sức khoẻ, bình an là thể hiện niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo, là sinh hoạt tôn giáo, bởi theo quy định khoản 10, điều 2 Luật tín ngưỡng, tôn giáo: Sinh hoạt tôn giáo là việc bày tỏ niềm tin tôn giáo, thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo.

Như vậy, việc dựng tượng Dược sư với mục đích cầu sức khoẻ, bình an là một hình thức bày tỏ niềm tin tôn giáo của du khách đối với Phật Dược sư qua tượng Dược sư đặt trên biểu tượng hình đài sen.

Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, theo quy định tại khoản 2, điều 3, Nghị định số 162 ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo: Công trình tôn giáo là công trình xây dựng để làm cơ sở tôn giáo, tượng đài, bia và tháp tôn giáo. Như vậy, tượng Dược sư được đúc bằng đồng mạ vàng đặt trong công trình Liên Hoa Bảo Tháp như văn bản đề cập được xác định là công trình tôn giáo.

Hiện nay hạng mục xây dựng Liên Hoa Bảo Tháp bên trong đặt tượng Dược sư nhằm mục đích cầu sức khoẻ, bình an cho du khách chiêm bái chưa đi vào hoạt động và chưa thể hiện sinh hoạt tôn giáo của người dân, du khách khi đến khu dịch vụ du lịch Tân Huê Viên.

Để thực hiện theo quy định của pháp luật, Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) tỉnh cần hướng dẫn chủ sở hữu khu du lịch này cam kết không tổ chức hoạt động tôn giáo tập trung, không biến nơi đây thành địa điểm sinh hoạt tôn giáo, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về tôn giáo của địa phương.

Trước đó, tháng 6/2018 Công ty Tân Huê Viên khởi công tự án Liên Hoa Bảo Tháp trên đất thuê của Khu công nghiệp An Nghiệp (xã An Hiệp, huyện Châu Thành, Sóc Trăng). Tổng diện tích 4,2ha. Dự án bao gồm nhiều hạng mục là các cảnh quan nhân tạo.

Trong đó điểm nhấn trọng điểm là Liên Hoa Bảo Tháp, toà tháp hình sen này bao gồm 16 cánh, chiều cao 68m, đường kính 119m. Bên trong tháp này đặt tượng Dược sư nặng 19 tấn, chiều cao 6,8m được dát 88 lượng vàng. Khi công trình này khởi công, phát sinh nhiều dư luận trái chiều, đặt vấn đề có kinh doanh tâm linh hay không.

MỚI - NÓNG