Tấn Minh và 'giấc mơ Hà Nội'

Tấn Minh khoe khéo vợ trong chương trình riêng đầu tiên ở tuổi 40. Ảnh: Anh Đức.
Tấn Minh khoe khéo vợ trong chương trình riêng đầu tiên ở tuổi 40. Ảnh: Anh Đức.
TP - Tuổi 40, khi đã chắc chân Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Tấn Minh làm đêm nhạc riêng đầu tiên, “tranh thủ” giới thiệu NSƯT Thu Huyền với tư cách khách mời bí mật.

Trong họp báo, Tấn Minh khẳng định bà xã không muốn lên sân khấu mà chỉ muốn làm khán giả trong chương trình của chồng. Các nhà báo thuyết phục: Khán giả muốn chứng kiến phút giây hạnh phúc viên mãn của nghệ sĩ mình yêu thích trên sân khấu. Tấn Minh kể, anh về thuyết phục vợ: “Anh sẽ hát chèo cùng em”. Trước đó anh luôn tránh xa bộ môn này, cho rằng không phải sở trường của mình. Kết cục là chị đã đồng ý song ca cùng chồng bài Đào liễu.

Trên sân khấu, anh gọi vợ là “NSƯT Thu Huyền” và tặng hoa chị nhân sinh nhật (chính là ngày diễn ra liveshow). Tấn Minh hát chèo không hề tệ, nhưng quả thực sự xuất hiện của Huyền với trang phục, động tác tay và đặc biệt với giọng chèo thánh thót đã làm sáng bừng sân khấu. Đặt vào không gian nhạc Tây, càng thấy vốn cổ của cha ông đẹp và quý.

Tấn Minh như để khẳng định sự sung mãn đã hát liền 19 bài, trong đó song ca 3 bài, với vợ và Mỹ Linh. Minh mạnh dạn thể hiện những bài khó hoặc không sở trường như Sông Lô hay Mái đình làng biển. Anh cẩn thận đến nỗi một bài hay với chất dân gian khá độc đáo như Còn ngày dài còn tình đầy anh ra trong đĩa đầu tay mà đến nay mới hát trên sân khấu.

Tấn Minh có cùng xuất phát điểm với nhiều giọng hát nhưng anh chọn lối đi riêng, chậm, chắc và vững. Và cho đến lúc này anh khẳng định mình vững vàng trên nhiều cương vị. Một điển hình cho “giấc mơ” Hà Nội?! Vì Hà Nội không phải đất cho các ca sĩ thị trường, mà người vừa mang nghiệp cầm ca lại đắc cung quan lộc như Tấn Minh không phải là nhiều.

Tấn Minh cho hay anh càng quyết định hát Nỗi lòng người đi đơn giản vì thích trong khi rất nhiều người gàn, cho rằng không hiệu quả sân khấu. “Nếu tôi đúng thì xin khán giả hãy vỗ tay to hơn”. Kết quả là khán giả vỗ tay, hú hét vang dội. Phần trình diễn Kiếp nào có yêu nhau cho thấy nhạc Phạm Duy khá hợp Tấn Minh. Chả thế mà nhạc sĩ lúc sinh thời có bắn tin muốn anh làm đĩa nhạc riêng của ông. Chỉ vì sự chậm trễ của các nhạc sĩ phối khí nên đĩa chưa kịp làm, nhạc sĩ đã qua đời.

Dù sao việc Tấn Minh hát những bản tình ca tiền chiến cũng làm chương trình đỡ căng. Đêm nhạc Tấn Minh vẫn theo định dạng Tâm điểm Âm nhạc, tức là rất chú trọng phần nghe. Hàng chục nhạc cụ trong đó có dàn dây với sự chỉ huy của Đức Trí làm nên một không gian đầy đặn và tinh tế gây cảm giác sân khấu Cung Văn hóa Hữu Nghị hơi chật chội. Những đoạn vocal (giọng người được sử dụng như nhạc cụ) của nhóm bè cũng được đầu tư công phu đến nỗi nhiều khi có cảm giác lấn lướt cả ca sĩ chính. Âm thanh được căn chỉnh ở mức “nịnh tai” nhất có thể. Chưa bao giờ thấy giọng Tấn Minh xốp và vang như thế. Phần phối vẫn thiên về bán cổ điển, đẩy những bài vốn khá nhẹ lên hết mức kịch tính. Với bản lĩnh lâu năm, Tấn Minh nhìn chung đã trụ vững suốt chương trình trước dòng thác âm thanh do giám đốc âm nhạc Hồng Kiên tạo dựng.

Khán phòng đông chật với sự xuất hiện của khá nhiều ca sĩ Hà Nội đến chia vui. Kết thúc, giữa rất nhiều hoa tặng có hoa từ UBND thành phố Hà Nội của một vị lãnh đạo gửi tới. Người mang hoa cầm mic làm một diễn văn ngắn, trong đó có đoạn chúc (như có ý nhắc nhở?) Tấn Minh tiếp tục thành công trong vai trò quản lý, gia đình giữ vững danh hiệu văn hóa cũng như công dân tiêu biểu của Thủ đô... Có một cái gì đó rất đầm ấm, rất Hà Nội, khi nghệ sĩ (kiêm giám đốc) được cấp trên quan tâm, sâu sát như vậy.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.