Tân Nhàn: Bộc bạch riêng tư

Tân Nhàn: Bộc bạch riêng tư
TP - Ca sĩ Tân Nhàn chia sẻ hậu trường nghề nghiệp nhân dịp phát hành album Đường tàu mùa xuân, kể cả việc đi sửa mũi. Tân Nhàn hiện là giảng viên ĐH Sư phạm Nhạc họa T.Ư, và đang theo học cao học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia.

Càng ngày càng thấy chi tiết trên mặt chị biến đổi theo chiều hướng tích cực. Chị có tác động đến khuôn mặt của mình? Việc sửa mũi có thể làm biến đổi tướng số, chị nghĩ sao về quan niệm này?

Chính xác là tôi có sửa mũi. Với một ca sĩ theo dòng nhạc truyền thống, tính cách hơi cổ điển như tôi, sự thay đổi đó là một thách thức lớn. Có người làm xong rất đẹp, có người ngược lại, mà lại không thể sửa chữa được.

Phẫu thuật thẩm mỹ là con dao hai lưỡi. Với tôi đó là cuộc cải cách lớn và tôi phải vượt qua mặc cảm để quyết định. Tôi nghĩ mình là người của công chúng, bên cạnh việc trau dồi chuyên môn thì cũng phải làm cho mình đẹp hơn. Chứ không mọi người lại bảo, ôi cô này hát hay nhưng mà xấu, không mời diễn đâu, để mua CD về nghe trên ô tô thôi…

Tôi là người cầu tiến, luôn hy vọng được khán giả yêu quý về mọi phương diện. Thực ra ở các nước - nhất là giới nghệ sĩ người ta coi việc thẩm mỹ rất bình thường. Với tôi, dù chỉnh sửa một chút thôi, nhưng tôi thấy tôi rất phát.

Điển hình là tôi làm được Đường tàu mùa xuân bằng tiền của mình và ra Tết, tôi sẽ phát hành một DVD đầu tư lên đến tiền tỷ, cũng tiền túi. Không chỉ nghệ sĩ mà người bình thường, nếu làm cho mình đẹp thêm, không lạm dụng quá, thì cũng không có gì đáng chê cả.

Một số ca sĩ khi nổi tiếng, nét mặt cũng trở nên khác trước, nhưng nhất quyết không chịu công nhận đã phẫu thuật thẩm mỹ. Chị lại rất cởi mở.

Kể cả tôi giấu thì mọi người vẫn biết. Tôi nghĩ mọi người sẽ quan tâm đến giọng hát và sự nghiêm túc trong nghề của tôi, chứ không phải ngoại hình, dù đấy là yếu tố quan trọng để hấp dẫn trên sân khấu. Mọi người sẽ càng yêu quý tôi nếu tôi chân thật.

Nghe nói chị khá mát tay buôn bán nhà đất, lại có tin đồn chị phất vì lấy chồng giàu?

Giàu ở đây có thể có nhiều nghĩa. Gia đình tôi có truyền thống về nghệ thuật. Mẹ chồng tôi trước đây là hiệu trưởng trường văn hóa nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh. Chính mẹ đã định hướng cho chồng tôi theo con đường nghệ thuật (chồng Tân Nhàn là ca sĩ Tuấn Anh). Đó là tài sản lớn mà gia đình chồng đã cho tôi.

Khi tôi bước ra từ giải Sao Mai, bố mẹ chồng định hướng đầu tư cho các con làm đĩa để khẳng định mình. Và tài sản duy nhất bố mẹ cho là căn nhà 60m2 trị giá 1 tỷ đồng tại khu chung cư Nhạc viện Hà Nội.

Mọi người nói đi buôn cũng hơi quá. Không hề buôn, mà có quá trình hai vợ chồng lao động miệt mài, tích lũy được một số tiền, thì cũng muốn thay đổi chỗ ở rộng hơn một chút. Tôi đã bán căn nhà chung cư được 2 tỷ đồng, thêm tiền vào để mua căn nhà mới, và mua một căn nhỏ bên cạnh để bố mẹ ra có chỗ vui với con cháu. Người khác có vài chục, vài trăm tỷ chả ai nói, tôi có mỗi hai căn nhà nhỏ đã đồn đi buôn, oan quá (cười).

Trong các kiểu giàu, có giàu quan hệ. Nghe nói những sản phẩm đầu tiên của chị vừa phát hành đã có đại gia ngành than mua một lúc mấy ngàn đĩa. Thực hư thế nào?

Tôi chẳng quen ai ở ngành than. Đại gia lớn nhất là bà Trần Thị Thu Hà, mẹ chồng. Lần đầu tiên tôi phát hành 7.000 đĩa Tình ta biển bạc đồng xanh, mẹ tôi đã lấy một lúc 5.000 với giá gốc để chuyển về cho bà con ở Quảng Ninh, đến tổng công ty than và các cơ quan nhà nước.

Với mẹ chồng tôi, đấy là niềm hạnh phúc khi con cái có một chút thành công. Đại gia thích chân dài, còn tôi thì chân ngắn mà lại chẳng xinh, để bán được 5.000 đĩa là một điều rất khó khăn đấy.

Tân Nhàn cũng được đồn là ca sĩ dòng dân gian đắt sô nhất nhì Hà Nội, cat-xê đến bảy con số. Chị thường đi hát ở đâu?

Ca sĩ dòng dân gian thính phòng không hát ở các câu lạc bộ, tuy nhiên sân của chúng tôi rộng hơn một chút, với lượng khán giả thường là các tổng công ty, cơ quan hành chính sự nghiệp.

Trong dòng dân gian chị từng bị so sánh với Anh Thơ. Giữa hai người cũng có mâu thuẫn?

Sự khắc nghiệt trong môi trường nghệ thuật rất lớn, nhưng trong phong cách dân gian thính phòng không có chuyện đấy. Tất cả là một gia đình yêu thương nhau. Đàn anh đàn chị dìu dắt đàn em, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kể cả bài.

Bài rất quan trọng, có thể vì một bài đấy mà ca sĩ trở nên rất nổi tiếng. Với dòng nhạc dân gian, chị Anh Thơ vẫn là tiền bối, bọn tôi hết sức trân trọng, và tôi hâm mộ chị ấy. Chị ấy cũng rất yêu quý tôi, góp ý hữu ích cho tôi trong quá trình thu album.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.