Tào Linh bán tranh như đi câu

Tào Linh
Tào Linh
TP - Sinh năm 1960 nhưng gã xuất đầu lộ diện muộn, năm 2014 mới chính thức ra mắt với tư cách một họa sỹ chuyên nghiệp. Thế nên, gọi Tào Linh là họa sỹ trẻ không sai, bản thân gã cũng không phản đối. Thèm vẽ, thích vẽ nhưng lại bắt đầu muộn màng chỉ vì gã cũng cân nhắc lắm. Cái sự bán tranh được gã ví giống như đi câu, ngay cả bây giờ, khi tranh của gã đã tìm được chỗ đứng nhất định.

Tào Linh vốn sinh ra trong gia đình có cha là họa sỹ. Tình yêu hội họa bắt đầu từ thời thơ ấu, khi “ông già” cứ bắt vẽ, chắc cũng chỉ để kiềm chân khiến gã bớt đi chơi. Trước đây từng nghe tâm sự của gã trên một trang báo nào đó: “Ước mơ của tôi là được vẽ. Đơn giản vậy thôi”.

Tại sao gã không hiện thực hóa ước mơ ngay khi trẻ, bằng cách thi vào Đại học Mỹ thuật? Gã đáp: “Tại ngày xưa tôi mắc bệnh học giỏi. Thời tôi thi đại học khó lắm nhưng tôi thi một cái lại vào ngay Đại học Bách khoa”. Tốt nghiệp Đại học Bách khoa gã trở thành kỹ sư tự động hóa. Chẳng biết gã yêu nghề kỹ sư tự động hóa đến đâu song chắc Tào Linh cũng phải cảm ơn vì cái nghề ấy đã mang đến cho gã sự ổn định trong đời sống áo cơm suốt nhiều năm trời. 

Người ta hay nhắc tới triển lãm năm 2014 của gã tại nhà Lê Thiết Cương, coi đó như màn chào hỏi chính thức của gã để gia nhập làng hội họa Việt. Song, ai đó chịu theo dõi gã sẽ biết, năm 93, Tào Linh đã xuất hiện trong triển lãm chung với Bùi Việt Dũng, tại Tràng Tiền. Triển lãm đó cũng khá thành công, gã bán được hơn nửa số tranh trưng bày mà giá cả cũng ổn. Tào Linh nhớ gã bán được một con mèo trên giấy dó, dạo ấy tranh giấy dó dao động trong khoảng trên dưới 15 đô (la), thế mà con mèo của gã bán được 350 đô, “to” lắm chứ! Có người suy đoán, chắc hồi ấy chưa đủ duyên nên gã chưa dứt nghề kỹ sư để chuyên tâm vẽ? Gã cười: “Nói không đủ duyên là nói cho oai, hồi đó tôi đang đi làm kỹ sư. Tôi nghĩ nó ổn định hơn bán tranh, bán tranh như đi câu, kể cả bây giờ cũng vẫn vậy”.

Chỉ có thi sĩ mới “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” còn họa sỹ xem chừng chân chạm đất hơn. Ít nhất có thể lấy Tào Linh làm ví dụ. Người yêu hội họa đều biết, Linh tạo tiếng vang, gây ấn tượng nhờ tranh giấy dó. Thế mà bây giờ cứ xem gã chào hàng trên facebook chỉ thấy toàn sơn dầu. Gã chán giấy dó rồi chăng? Lời đáp từ Linh: “Vẽ sơn dầu bán được hơn. Bán được hay mà, có động lực hơn”. Bây giờ thấy trong xưởng vẽ của gã khá nhiều bức khổ nhỏ, 40x50cm. Gã tiết lộ, bây giờ gã mới hay vẽ khổ nhỏ: “Nói thật, cái này có tí tính toán, tranh to khó bán”. Rồi gã lấy dẫn chứng: “Hồi tết nhé, tôi bán liền tù tì khoảng 20 con chuột trong vòng 2 tuần. Chuột của tôi cỡ nhỏ thôi, chuột vẽ to tướng trông vô duyên. Nói thật tôi vốn rất sợ chuột. Vẽ như này trông yêu”. Vừa khoe đàn chuột trên điện thoại gã vừa khẳng định: “Tôi đảm bảo không ai vẽ chuột như tôi. Ông nào cũng vẽ chuột nhưng toàn giống tranh dân gian Đông Hồ”. (Riêng điều này Linh cũng giống nhiều họa sỹ khác, mùa tết vừa qua người viết đã nghe nhiều họa sỹ khẳng định tôi vẽ/nặn chuột chẳng giống ai).

Có người nói tranh của Linh gợi nhớ tranh Lê Thiết Cương. Linh quý trọng Lê Thiết Cương, khen Cương hay. Song Linh luôn nỗ lực là Linh, từng bước, từng bước một. Chính thức toàn tâm toàn ý cho hội họa 6 năm nay, kẻ chăm “cách ly” ngay cả không phải trong mùa dịch đã làm được nhiều thứ hơn người ta tưởng. Nhìn tranh Linh sẽ thấy. Ngay chỉ với tranh giấy dó gã đã chẳng chịu đứng yên: “Ban đầu tôi vẽ màu, rồi màu ít dần, cuối cùng chỉ vẽ bằng mực. Tôi nhận ra tranh giấy dó rất hay, tôi cực kỳ thích giấy dó. Nhưng tranh giấy dó rất khó bày”. Gã chuyển sang sơn dầu, vì tính thực tế đầu tiên, sơn dầu dễ bán lại được giá. Ngắm tranh sơn dầu của Linh, sẽ nhiều người cảm thấy gã rất chắt chiu, tính toán, kiệm chi tiết. Gã theo trường phái gì? Linh bảo: “Cứ nói trường phái linh tinh. Tôi thì vẽ theo kiểu nào mà tôi thấy dễ chịu nhất. Nhưng đường đi cứ phải dần dần mới có, chứ có phải ra ngay đâu. Mỗi ngày một tí, đến lúc soi lại mới hay mình thay đổi từ lúc nào”. Cũng lại có cảm giác tranh của gã ít yếu tố nổi loạn, ngay màu sắc cũng thế. Linh giải thích: “À chắc tại già rồi. Nhưng em phải xem tranh mấy chục năm trước của tôi, kinh lắm”. Và gã khoe tranh nude. Bây giờ gã vẫn vẽ nude nhưng kín hơn. Linh tâm sự, càng ngày gã càng bớt chi tiết, vì thấy không chịu nổi chi tiết. Lý do chẳng cao siêu gì, có khi chỉ do gã lười. “Tranh tôi nghĩ là chính chứ vẽ mấy”, gã tổng kết. Nếu tự đánh giá, Linh thấy mình có hai lợi thế: Ngoài sự thích nghĩ ra, gã còn lợi thế là không học hành chính qui nên “không bị ràng buộc bởi những thứ niêm luật lăng nhăng”.

Linh là một họa sỹ mê sách, lấy đọc sách làm vui. Bước vào nhà gã, thấy giống thư viện, sách có mặt khắp nơi và rất phong phú về thể loại. Gã xem cả Kinh thánh và mê cả Kim Dung. Gã khoe mới có một cô tới mua tranh, nick trên facebook của cô là “Nhậm Doanh Doanh”, nhân vật trong “Tiếu ngạo giang hồ”. Tranh gã cũng bán cho Tây, nhưng ít. Chủ yếu nhắm vào khách hàng Việt, đương nhiên loại bỏ đối tượng thích tranh Bờ Hồ. Xem ra, gã lạc quan với thị trường tranh Việt: “Có hai loại mua tranh. Ngoài các nhà sưu tập coi tranh là tài sản thường nhắm đến đám có tên tuổi hoặc các “cụ” Cao đẳng Đông Dương ngày xưa, còn có hội chơi tranh. Người ta có cái nhà đẹp người ta mua tranh về treo. Nhìn xem hội có thu nhập quãng chừng 40-50 triệu đồng/tháng, có một căn hộ đẹp đủ chỗ treo tầm 6,7 bức tranh, đám ấy đông như thế nào. Cứ khai thác ở đấy”. Nhưng tranh gã tối giản thế, ai thích? Gã lại cười: “Em cứ để ý, giống việc ăn phở ấy, người thích ăn cay, người thích ăn chua, người thích phở gà, người thích phở bò, bò lại đủ kiểu bò, tức mỗi người một khẩu vị khác nhau. Tranh cũng thế, tất nhiên sở thích thế nào còn phụ thuộc vào văn hóa di truyền trong gia đình”. Nói rồi gã khoe bức sơn dầu mới hoàn thành: “Tôi cũng vẽ hoa đấy chứ”. Mỗi bức sơn dầu 40x50 cm, gã bán 10 triệu đồng. Bao năm vẫn giữ giá. Gã có lí của gã: Giá vừa bán nhanh còn hơn giá cao bạn chậm. Đã là họa sỹ chuyên nghiệp nhưng Linh vẫn tính toán nhạy như “dân” Bách khoa. 

Tào Linh bán tranh như đi câu ảnh 1 Độc ẩm 5 - Sơn dầu trên toan 40x50 cm
Tào Linh bán tranh như đi câu ảnh 2 Nude - Sơn dầu trên toan 40x50 cm
MỚI - NÓNG