Tay ngang 'ẵm' giải cao

 Tác giả Nguyễn Thị Mai Phương, giải Nhì với kịch bản “Thiên Mạc hùng ca”. Ảnh: Kỳ Sơn
Tác giả Nguyễn Thị Mai Phương, giải Nhì với kịch bản “Thiên Mạc hùng ca”. Ảnh: Kỳ Sơn
TP - Lần đầu chạm ngõ kịch bản điện ảnh, vừa mò mẫm vừa viết tác phẩm huyền sử ấy thế mà Nguyễn Thị Mai Phương ẵm ngay giải Nhì (không có giải Nhất) của cuộc thi do Cục Điện ảnh tổ chức. 

Hấp dẫn huyền sử

Thiên Mạc hùng ca của Nguyễn Thị Mai Phương và Culi không bao giờ khóc của Phạm Ngọc Lân cùng đạt giải Nhì. Cuộc thi viết kịch bản phim truyện do Cục Điện ảnh tổ chức từ tháng 9. Thiên Mạc hùng ca của Mai Phương khiến hội đồng chấm chọn tấm tắc ở câu chuyện chống quân Nguyên Mông hào hùng của triều Trần. Điện ảnh Việt còn khoảng trống khá lớn về nhiều thiên hùng ca suốt dọc dài lịch sử hàng nghìn năm.

Tác giả sinh năm 1987 không phải người viết chuyên nghiệp. Công việc chính là thiết kế, cô thêm nghề tay trái là họa sĩ vẽ hoạt hình, hoặc cộng tác viết kịch bản sêri phim ngắn cỡ 5-10 phút. Thế nên Mai Phương chưa bao giờ nghĩ tới việc viết kịch bản đủ đầy với thời lượng hơn 90 phút. Khi Phương hay tin về cuộc thi kịch bản, Thiên Mạc hùng ca còn ở hình hài tác phẩm văn học được tác giả đăng ký bản quyền. “Tôi chỉ định viết một tác phẩm lịch sử cho thỏa đam mê và cất cho riêng mình thôi. Thế nhưng khi biết tới cuộc thi dành cho mọi đối tượng, tôi mới mày mò tìm hiểu cấu trúc một kịch bản điện ảnh ra sao”, Phương chia sẻ. Tác phẩm văn học viết từ hồi dịch bùng nổ rồi để đó, sau này Phương mất khoảng một tháng chuyển sang kịch bản.

Tay ngang 'ẵm' giải cao ảnh 1  Thiếu vắng tác phẩm điện ảnh về các triều đại lịch sử, nhất là thời Trần  (Ảnh minh họa)

Tình yêu lịch sử của Mai Phương được bồi đắp từ thuở nhỏ. Gia đình nhiều người trong quân ngũ, ông nội, ông ngoại đều cầm bút nên Phương say mê với những Bên bờ Thiên Mạc (Hà Ân), Lá cờ thêu sáu chữ vàng (Nguyễn Huy Tưởng) từ những ngày cắp sách tới trường. Thiên Mạc anh hùng được lấy cảm hứng từ tác phẩm của Hà Ân. Bên cạnh những Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản có thật trong lịch sử và cuộc chiến chống nguyên Mông lần thứ hai, Mai Phương sáng tạo hệ thống nhân vật hư cấu như Tín, Khoắng và Lủi đồng hành với anh hùng có thật trong lịch sử.   

“Tôi không nghĩ ngợi gì quá to tát, chỉ là tôi thấy lịch sử Việt Nam rất hay. Đọc sách sử xưa thấy quá vĩ đại nhưng sách giáo khoa sử còn sơ sài, chưa hấp dẫn nên trẻ con khó thích thú. Các kênh truyền hình lại có quá nhiều phim về lịch sử nước ngoài được làm chỉn chu, hấp dẫn thành ra bọn trẻ thuộc sử ngoại hơn sử ta. Ngay con cháu tôi, từ trẻ lớp bốn tới nhóm 9X cũng không nắm được nhiều mốc lịch sử nước nhà, thậm chí không biết Trần Nhân Tông là ai”, Mai Phương nói.

Phim 3D hoành tráng chưa từng có?

Những trang viết huyền sử được Hội đồng giám khảo và lãnh đạo Cục Điện ảnh nhận định hứa hẹn làm nên tác phẩm hoành tráng. Tác giả Mai Phương tự thấy đây là kịch bản chứa đựng bối cảnh và câu chuyện hoành tráng nhưng hoàn toàn có thể sử dụng công nghệ 3D để hiện thực hóa ý tưởng. “Từ trước tới nay Việt Nam chưa đầu tư nhiều cho phim lịch sử, bởi kinh phí tốn kém và khó lột tả hết tính hoành tráng của bối cảnh cũng như chưa truyền tải hết thông điệp, nội dung tác giả gửi gắm. Nay chúng ta may mắn tiếp cận công nghệ hiện đại, chẳng hạn cách các nhà làm phim Hoa Mộc Lan mới đây thực hiện”, Mai Phương nói.

Tác giả mong mỏi các nhà đầu tư chịu bỏ vốn làm phim lịch sử nhiều hơn, không chỉ riêng Thiên Mạc hùng ca. Mai Phương trăn trở về thực tế lớp trẻ đang lãng phí kho tàng lịch sử Việt Nam, chỉ mải chạy theo trào lưu K-Pop hay làu làu sử ngoại qua truyện, phim ảnh. “Sự tự tôn dân tộc bị giảm dần, người Việt ra nước ngoài không cảm thấy tự hào về dân tộc mình cho lắm. Tôi mong ngày càng có nhiều tác phẩm điện ảnh lịch sử tôn vinh lịch sử Việt Nam”, tác giả Thiên Mạc hùng ca ước ao.

 Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh nhận xét, Thiên Mạc hùng ca có điều mới lạ. Người viết hướng tới bộ phim sử dụng kỹ xảo 3D ở đó các nhân vật, hình ảnh đều được tạo dựng bằng công nghệ hiện đại. “Có thể đây sẽ là bộ phim Việt qui mô nhất từ trước tới nay nhờ công nghệ 3D”, ông Vi Kiến Thành nói.

Hỏi lãnh đạo Cục liệu có sự ưu ái khi trao giải cho tác giả trẻ cũng như đề tài lịch sử, ông Vi Kiến Thành khẳng định không có chuyện đó. “Tôi có quan điểm nên ủng hộ cho người trẻ đặc biệt với ngành sáng tạo như điện ảnh. Tuy nhiên ở đây không có sự ưu ái nào cả, kịch bản đều chỉ có mã số và được mã hóa gửi cho hội đồng. Giám khảo không hề biết tác phẩm đó của ai”, ông Thành giải thích. Lãnh đạo Cục cho rằng cách đánh giá kịch bản hiện nay cũng khác xưa. Thế hệ đạo diễn trẻ cần ý tưởng độc đáo hơn, đôi khi không cần đòi hỏi kịch bản viết chỉn chu như truyền thống.

Không chỉ thi kịch bản, Cục Điện ảnh chủ trương đặt hàng, giới thiệu tác phẩm tốt cho các nhà sản xuất. Với Thiên mạc hùng ca, ông Vi Kiến Thành nhận định nhiều khả năng thành hiện thực. Lãnh đạo Cục tiết lộ có nhà sản xuất quan tâm, Cục nỗ lực tài trợ một phần kinh phí. Đây cũng là cách mà Cục từng đặt hàng sản xuất Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh-phim hợp tác công tư và đạt doanh thu cao ở phòng vé. “Tôi hy vọng kịch bản này sớm trở thành phim, nếu làm theo công nghệ 3D chắc chắn mở ra hướng đi mới cho điện ảnh Việt Nam”, ông Thành nói.

Thiên Mạc hùng ca lấy bối cảnh cuộc chiến xâm lược Đại Việt của quân Nguyên Mông lần thứ hai. Sau khi mẹ bị quân Nguyên sát hại, Tín cùng hai người bạn nối khố lên Kinh thành Thăng Long mật báo cho Hưng Đạo Vương và tìm lại người cha thất lạc. Thế nhưng, Tín lại đụng độ Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản và mang danh là gián điệp. Sau những hiểu lầm ban đầu, Tín và bạn bè đồng hành với Trần Quốc Toản trong đoàn quân Phá cường địch báo Hoàng ân ra trận đánh giặc lập công, minh oan cho mẹ.

MỚI - NÓNG