“Tể tướng Lưu gù” Việt Nam

Chiếc đòn khiêng võng của Lê Đại Cang trong Bảo tàng Bình Định.
Chiếc đòn khiêng võng của Lê Đại Cang trong Bảo tàng Bình Định.
TP - Tổng đốc đầu tiên của An Giang, Nho tướng Lê Đại Cang, có cuộc đời thăng trầm đậm chất “xi-nê” không thua gì cuộc đời Tể tướng Lưu gù.

Ngày 29/7 tại Châu Đốc, An Giang, hội thảo lần thứ hai về Tổng đốc Lê Đại Cang một lần nữa chiêu tuyết (giải oan) cho ông.

Tự học, văn võ song toàn

Lê Đại Cang (hoặc Lê Đại Cương) có tên tự là Thống Thiện, hiệu là Kỳ Phong, sinh năm 1771, quê làng Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Nhà nghèo, thuở thiếu thời lại gặp phải chiến tranh loạn lạc, Lê Đại Cang không có điều kiện đi học, nên khổ học
tại nhà.

Từ năm 1787, Lê Đại Cang lần lượt được học với thầy Nguyễn Tử Nghiễm và thầy Đặng Đức Siêu. Năm 1792, cha mẹ lần lượt qua đời, ông phải dừng việc học, bắt đầu nghề dạy học để kiếm sống, sau đó tiếp tục tự học cả văn và võ. Sau này, ở xứ Nẫu (tên gọi khác của Bình Định), Lê Đại Cang nổi tiếng là văn võ song toàn.

31 tuổi, Lê Đại Cang mới được tiến cử, giữ chức Tri huyện Tuy Viễn. Tổng thời gian làm quan của ông là 41 năm, kéo dài suốt cả ba triều vua Nguyễn: Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị. Triều đình nhà Nguyễn lúc đó có 6 bộ, ông đều kinh qua và ở lĩnh vực nào cũng để lại dấu ấn cùng đóng góp quan trọng. Lê Đại Cang cũng để lại nhiều công tích tại Hà Nội, Sơn Tây, các tỉnh miền Tây Bắc, Quảng Nam, An Giang, Hà Tiên…, trong nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, giáo dục, văn hóa, ngoại giao…

 Làm nghề gì cũng được, trừ làm… quan

Khi hưu quan, Lê Đại Cang chỉ mang theo về một thanh đại đao và chiếc đòn khênh võng. Con cháu ông được dặn rằng, ba đời sau, làm nghề gì cũng được, trừ làm… quan. Chiếc đòn khênh võng (hiện được trưng bày trong Bảo tàng Bình Định) liên quan hai biến cố đặc biệt trong giai đoạn ông làm quan ở phương Nam.

Năm Minh Mạng 14 (1833), “ông đang là Tổng đốc, do không giữ được thành nên bị cách chức cho làm lính đánh trận lập công. Gặp lúc giặc Xiêm kéo tới xâm lấn, vua nước Phiên (Chân Lạp) bỏ kinh đô, trốn chạy sang ta. Đại Cang kéo binh tiếp viện, đẩy lùi quân giặc. Nhờ chiến công này, ông được thăng chức Bố chánh sứ An Giang, rồi chức Trấn Tây Tham tán Đại thần, kính lý mọi việc trong nước Phiên” (Đại Nam thực lục).

Năm 1838, khi đang là Trấn Tây Tham tán Đại thần bảo hộ Cao Miên, Lê Đại Cang lại bị cách chức bởi bất tuân mệnh triều đình theo lối ngu trung; tiếp tục bị giáng làm lính khiêng võng. Lịch sử gần như lặp lại, sau đó Lê Đại Cang lại nhận việc tổ chức và huấn luyện lại đội binh đang rời rã kỷ luật, yếu kém kỹ năng chiến đấu, biến họ thành đội hùng binh đánh giặc Chân Lạp.

Lê Đại Cang là tổng đốc đầu tiên của An Giang, nhưng trong cuốn “Địa chí An Giang” in năm 2013, thông tin về ông chỉ có đúng một dòng: Tổng đốc đầu tiên của An Giang, có tội và bị giáng chức.

Người đầu tiên đề nghị tổ chức hội thảo nghiên cứu nhằm chiêu tuyết cho Lê Đại Cang là cháu đằng ngoại của ông - bác sĩ Việt kiều Lê Thanh Hà (hiện sống tại Mỹ). Gia đình ông Hà tuân thủ lời dặn của ông cố, không ai xuất sĩ làm quan, cả nhà có tới 32 người làm nghề
y, dược.

Nhân vật của điện ảnh

“Tể tướng Lưu gù” Việt Nam ảnh 1

Hội thảo lần hai về Lê Đại Cang tại An Giang.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ: Lê Đại Cang có mọi yếu tố đáp ứng cho một nhân vật điện ảnh. Cuộc đời đầy thăng trầm, liên tục bị giáng chức rồi lại nhờ chiến công mà phục chức, nay lên xe, mai xuống ngựa. Cái quý nhất là trong hoàn cảnh nào ông cũng không bất mãn, vẫn bình tĩnh làm tròn bổn phận của mình. 

So sánh một chút, những người có tí quyền hành, chỉ về hưu thôi đã suy sụp, chứ đừng nói đến việc duy trì phong độ khi bị biếm chức. Về chuyện chưa khai thác được cuộc đời của Lê Đại Cang đưa lên màn ảnh, đạo diễn Đặng Nhật Minh coi là “món nợ của những người làm phim ở Việt Nam”.
   

Nhà thơ Thanh Thảo cho biết, ông có cảm xúc rất lớn với cuộc đời Lê Đại Cang và đang viết dở trường ca “Người khiêng võng” dự kiến ra mắt thời gian tới. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo so sánh cuộc đời quan trường của Lê Đại Cang với cuộc đời quan trường của Nguyễn Công Trứ. Ông để lại cho đời sau nhiều tác phẩm như: “Nam hành”, “Tục Nam hành”, “Tĩnh Ngu thi tập”, “Lê thị gia phả”… Quý nhất là hai tập bút ký “Nam hành” và “Tục Nam hành” ghi chép những ngày tháng ông làm quan ở phương Nam và đất Chân Lạp với nhiều tài liệu chân thực, sinh động có thể giúp chúng ta hiểu được nhiều sự thật trong công việc khai mở, bảo vệ đất đai bờ cõi của cha ông ta 200 năm trước cũng như cuộc sống của người dân miền Tây sông nước, người dân nước láng giềng Campuchia. Các cuốn “Nam hành”, “Tục Nam hành”, “Tĩnh Ngu thi tập” đã thất lạc, chưa tìm thấy, chỉ còn “Lê thị gia phả”. “Lê thị gia phả” là gia phả của một dòng họ, nhưng một số nhà nghiên cứu cổ văn đánh giá, nó có giá trị như một tác phẩm văn học.

Khi hưu quan, Lê Đại Cang chỉ mang theo về một thanh đại đao và chiếc đòn khiêng võng. Con cháu ông được dặn rằng, ba đời sau, làm nghề gì cũng được, trừ làm… quan.


MỚI - NÓNG