Tết Art 2016: Lấy cơ hội làm lãi

Họa sĩ Lê Kinh Tài (TPHCM) nói chuyện tại Tết Art 2016. Ảnh: BTC cung cấp.
Họa sĩ Lê Kinh Tài (TPHCM) nói chuyện tại Tết Art 2016. Ảnh: BTC cung cấp.
TP - Tết Art lần thứ hai tổ chức tại tầng 5 khu Thành phố Sáng tạo (Hanoi Creative City) số 1 Lương Yên tới 4/2. Sự kiện nghệ thuật này quy tụ hàng trăm nghệ sĩ trong đó có những tên tuổi hàng đầu Việt Nam. Công chúng có thể đến để giao lưu với nghệ sĩ, tìm hiều nghệ thuật và mua tác phẩm với giá từ 25 đến 10.000USD. Cuộc trò chuyện với họa sĩ Trịnh Minh Tiến- người sáng lập và điều hành sự kiện thường niên này.

Địa thế tổ chức Tết Art năm nay có vẻ không được tốt bằng chợ Hàng Da của năm ngoái?

Địa thế năm nay tốt hơn. Mặt bằng ở đây được quy hoạch ngay từ đầu chỉ dành cho nghệ thuật. Chúng tôi tự dựng vách, tự thiết kế ánh sáng. Từng lứa họa sĩ, từng thời kỳ đều được đặt trong không gian trang trọng, chuyên biệt. Điều này chưa có tiền lệ. Trước đây, các triển lãm chung hay đánh đồng: họa sĩ tên tuổi họa sĩ trẻ hòa trộn vào nhau. Điển hình là Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc.

Về mặt thương mại địa thế Hàng Da vẫn trung tâm hơn và cũng là địa chỉ quen thuộc tổ chức các hội chợ tranh ảnh?

Đúng thế, địa thế đó vẫn chưa được khai thác hết khả năng tốt của nó. Thời điểm họa sĩ Nguyễn Hồng Phương hay tôi tổ chức hội chợ tranh tại đấy đúng điểm rơi. Còn linh hồn của Tết Art không nằm ở một địa điểm nào cả. Sau này chúng tôi có thể phát triển ở Sài Gòn hay địa điểm khác.

Cùng thời điểm này Hàng Da làm hội chợ tranh kèm với đồ mỹ nghệ, với nội thất. Còn sự kiện của chúng tôi giải quyết vấn đề về nghệ thuật, tinh thần, kết nối nghệ sĩ với công chúng. Một nơi thiên về thương mại, một nơi mọi người có thể đến thưởng ngoạn nghệ thuật đúng nghĩa “Tết Art”. Hai sự kiện cùng diễn ra ở đây và Hàng Da tạo nên sự cộng hưởng khiến người ta phải quan tâm hơn, có nhiều cơ hội tiếp cận nghệ thuật hơn. Như thế tốt cho cả công chúng và thị trường nghệ thuật.

Sau khi làm Tết Art lần đầu tiên tại chợ Hàng Da, chúng tôi muốn thúc đẩy nơi này thành khu nghệ thuật. Nhưng quan điểm của người chủ ở đó khác. Hai bên chỉ hợp duyên vào một thời điểm và đều đã đạt được mục đích của mình.

Lần tổ chức đầu tiên lỗ lãi thế nào?

Năm ngoái sau khi trừ chi phí hậu trường lãi rất nhỏ. Cái quan trọng mong muốn phát triển thành sự kiện thường niên. Lần thứ hai chúng tôi vẫn tự bỏ tiền. Mặt bằng được tài trợ. Sau sự kiện này chúng tôi nhận được nhiều lời mời cộng tác, nhiều hy vọng mình phát triển xa hơn, mở rộng hoạt động. Những cái đấy nhiều khi còn giá trị hơn tiền.

Người được hưởng lợi nhất ở đây chính là nghệ sĩ và là khách hàng sở hữu tác phẩm đích thực từ chính nghệ sĩ. Còn về BTC không tính lời lãi ở đây. Số tiền chi trả cho cộng sự, nhân viên, tình nguyện viên… vẫn theo mức giá lao động phổ thông trung bình. Lần này BTC chưa thống kê doanh thu cuối cùng, nhưng cũng tương đối khả quan.

Sắp tới Tết Art sẽ mở rộng phát triển theo hướng nào?

Đang có một số đơn vị muốn hợp tác với chúng tôi để làm những hội chợ nghệ thuật mang tầm quốc tế, khu vực tại Việt Nam. Hội chợ nghệ thuật ở mình hiện ở quy mô sơ khai, các gallery chưa ý thức được sự quan trọng của thị trường nội địa, đang chỉ tập trung vào thương mại mà chưa có ý thức xây dựng cộng đồng nghệ thuật. Những việc chúng tôi đang làm phần nào tác động thay đổi suy nghĩ của họ. Sau này ngoài hợp tác với nghệ sĩ, tôi sẽ mời một số gallery uy tín trong nước kết nối với các gallery lớn trên thế giới.

Cảm ơn anh.

Tết Art lần 2 thu hút hơn 100 tác giả (tăng so với lần 1) nhưng số tác phẩm được chọn lọc hơn nên giảm xuống còn khoảng 230 tác phẩm bao gồm tranh, điêu khắc, sắp đặt. Tết Art 2016 đang trưng bày tác phẩm của những tên tuổi hàng đầu. Đó là các ký họa của Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái. Những tác phẩm mới nhất của Đinh Quân, Thành Chương, Lê Huy Tiếp, Trịnh Tuân, Công Kim Hoa, Trần Lương, Hà Trí Hiếu, Hồng Việt Dũng, Đào Hải Phong, Lê Thiết Cương, Đặng Xuân Hòa, Hà Chí Hiếu…Về điêu khắc có Đào Châu Hải, Khổng Đỗ Tuyền, Thái Nhật Minh, Bùi Viết Đoàn, An Trần. Có những gian triển lãm riêng dành cho Vũ Dân Tân, Leonid Tsvetkov (người Mỹ gốc Nga). Đại điện cho thế hệ tiếp nối có Hoàng Phượng Vỹ, Lê Kinh Tài. Nguyễn Minh Thành, Đỗ Hiệp, Hoàng Duy Vàng, Lý Hùng Anh, Doãn Hoàng Lâm, Dương Thùy Dương…Các nghệ sĩ tham gia do BTC mời đích danh. Hội đồng tư vấn tuyển chọn tác phẩm bao gồm: Trịnh Tuân, Trần Huy Oánh, Lê Thiết Cương, nhà sưu tập Nguyễn Minh, nhà nghiên cứu Phạm Long…

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.