Tết giàu Tết nghèo

Tết giàu Tết nghèo
TP - Trước hết ta hãy đọc đôi câu đối phổ biến ngày Tết:

> Ăn tết ở nhà

Minh họa Nguyễn Xuân Hoàng
Minh họa Nguyễn Xuân Hoàng.
 

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh

Trong sáu yếu tố được người xưa nêu ra để coi là tết thì nay chỉ còn ba. Nêu không còn trồng ở sân. Câu đối đỏ đã thưa thớt, vắng bóng. Pháo đã không còn nổ. Chỉ thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh là còn lại. Như vậy là còn lại cái “vật chất”, cái ăn. Còn cái nghe, cái nhìn, cái đọc thì phai mờ, nhạt nhòa dần theo năm tháng. Cũng may, theo năm tháng có cái đã mất đi nay lại trở về.

Thay cho câu đối đỏ ít được treo thì mấy năm nay cứ đến Tết mọi người lại có thú xin chữ của các ông đồ tân thời để về treo nhà cầu Phúc Lộc Thọ Khang Ninh. Hình như luôn là phải có sự cân bằng như vậy trong tâm thức người Việt, nhất là trong dịp Tết.

Thế là vừa giàu vừa nghèo.

Tết là dịp sum vầy tụ họp của cộng đồng, từ trong nhà ra ngoài đình. Tết là dịp đi xa về gần, họ hàng làng mạc gặp gỡ chia vui, nhìn lại năm cũ, mong ước năm mới. Vui như Tết là cái vui sum họp, đoàn tụ. Ai phải tha hương, ai phải đón tết ở đất khách quê người, đều có tâm trạng nhớ thương, nhớ tiếc, nhớ mong, buồn bã và ngậm ngùi. Về quê ăn tết - xưa đã vậy, nay vẫn còn vậy.

Nay còn nhộn nhịp, chen chúc hơn. Tàu xe ba ngày tết luôn là nỗi lo lớn của ngành giao thông vận tải, luôn là mối quan tâm hàng đầu của những người xa quê hương bản quán. Về tết, đó là tâm trạng của mỗi người Việt Nam hướng về tổ tiên, gia đình, quê hương mỗi độ xuân về.

Tâm trạng này vẫn còn đậm lắm hôm nay, nhất là trong thời buổi hiện đại tất bật, thì ba ngày tết là dịp nghỉ ngơi lắng lại cho mỗi người một góc tâm tư để rồi ra tết lại hối hả lao vào cuộc mưu sinh.

Thế là vẫn còn giàu.

Tết là dịp du xuân, chơi xuân. Xưa chỉ quanh quẩn trong làng ngoài xã. Nay đi Nam đi Bắc, đi ra nước ngoài. Xuất hành đầu năm không chỉ bước chân ra ngõ rồi quay vào nhà, mà bay lên rừng xuống biển, bay đến những nơi chốn không ăn tết như mình, hay là mang cái tết mình đến những nơi khác mình.

Chơi tết ở xa, nam thanh nữ tú đi, đôi lứa tình nhân đi, ông già bà lão đi, gia đình đi, bạn bè đi. Đào mai lặng lẽ nở trong nhà, khói hương bàn thờ ông bà lặng lẽ tỏa trong nhà, khi mở cửa vào mang cả hương vị xa vào.

Thế là đang giàu.

Tết xưa, trẻ nhỏ chờ đón tiền mừng tuổi, “tiền lì xì”, giá trị ít thôi mà ý nghĩa thì nhiều, thì nặng. Tiền mừng tuổi cốt không phải ở tiền to, tiền nhiều, cốt là ở cái niềm vui đứa trẻ nhận được biết mình thêm lên một tuổi, lớn thêm một chút, biết coi trọng một giá trị tinh thần ông bà cha mẹ trao tặng, đặng mà mỗi năm một thêm tuổi biết thành người làm ra giá trị mới không chỉ tính bằng tiền bạc.

Nay tiền mừng tuổi giảm đi giá trị tinh thần, tăng lên về vật chất, nhẹ cái nghĩa tuổi mà nặng cái nghĩa lợi. Những phong bao hồng điều hình thức vẫn thế mà lắm lúc cái bên trong nó lại chia ra khác biệt, phân cấp.

Thế là đang nghèo.

Tết là dịp hòa đồng, nhưng cũng là lúc phơi bày những trái ngược, mâu thuẫn. No ba ngày tết, nhưng có cái no dồn cả năm lại, có cái no quanh năm tết đến chẳng muốn ăn. Người mong tết đến vui xuân. Người lo tết về thiếu thốn đủ bề.

Giảm thiểu sự chênh lệch để ai ai cũng có thể đón tết no đủ, ngày nay mỗi người không chỉ ăn tết riêng mình. Đêm giao thừa, sáng mồng một, ấm lòng khi nghĩ quanh ta lộc xuân chia đều cho mọi người, không kể sang hèn giàu nghèo.

Thế là giảm nghèo thêm giàu.

Xuân hàng năm vẫn về theo vòng quay đất trời. Người theo nhịp tuần hoàn vũ trụ vẫn tự tạo cho mình một khoảng dừng. Đó là tết. Dẫu có phôi pha mặt này, đậm thêm mặt kia, tết Việt vẫn đắp bồi tinh thần tình cảm cho người dân Việt biết thương người thương mình hơn.

Hà Nội cuối Mão đầu Thìn

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG