Tết lính của tôi

Tết lính của tôi
TP - Hai hai tuổi, tôi hiểu thế nào là cái Tết xa nhà, cái Tết mưa lay phay lần đầu tiên đời lính. Đơn vị chỉ cho nghỉ ba ngày, tàu xe quá khó, ba ngày không đủ cả đi lẫn về trên một ngàn cây số.
Tết lính của tôi ảnh 1
Trước lúc chia tay; ảnh: Nguyễn đình Quân

Tôi theo Hà Đức Hạnh về Vĩnh Phú.

Chiều ba mươi Tết cả nhà Hạnh sum vầy không sót một ai. Có lẽ vì có tôi, một người lính trẻ ở xứ cát xa nhà lạc lối vào rừng cọ, bố Hạnh bất ngờ quyết định mổ con lợn cưới của anh Thảng.

Một sự kiện lớn lao nếu biết đó là năm một chín tám mươi, mỗi gia đình được phân phối không quá một cân thịt cho ba ngày Tết.

Đấy cũng là lần đầu tiên trong đời tôi thấy có nhà mổ lợn ăn Tết. Để tôi không có cảm giác người thừa, bố Hạnh và anh Thảng sai tôi làm cái này làm cái kia, những việc vặt tầm thường không bằng người ta làm gắng, khốn thay tôi là kẻ vụng về, đụng việc gì hỏng việc đó.

Thấy tôi lúng túng như gà mắc tóc, mẹ Hạnh mắng chồng: “Con nó ở xa mới về, sai gì lắm thế”. Rồi bà dắt tôi ra nhà tắm: “Mẹ nấu nước rồi, tắm đi con!”. Chỉ một câu ấy làm tôi suýt khóc. Tết nào cũng thế, cứ chiều ba mươi mạ tôi nấu một nồi nước lá bưởi thật to rồi nói một câu hệt mẹ Hạnh.

Tôi tắm. Vẫn nồi nước lá bưởi! Mùi lá thơm nồng. Thốt nhiên tôi nhớ mạ tôi quá, ngồi co ro trong nhà tắm rấm rức khóc. Không phải thằng con trai dễ khóc nhưng chiều ba mươi Tết năm ấy tôi cứ ngồi khóc ròng.

Nhà Hạnh hơn chục người đang nói cười rôm rả, thấy tôi khóc bỗng lặng đi, vào ra rón rén thì thà thì thầm. Tội nghiệp cái Hạnh, cô bé mười sáu tuổi xinh xắn, không biết làm thế nào dỗ tôi, thất thần vào ra,  len lén nhìn tôi như có lỗi. Khi tôi tạnh khóc, cả nhà tươi tắn hẳn lên.

Bố Hạnh vỗ đùi vui vẻ nói to: “Mở đài! Mở đài đi! Mở to lên cho thằng Lập nó nghe!”. Cái Hạnh lật đật chạy tới chỗ cái đài, vội vàng thế nào vấp ngã sấp trước mặt tôi, đầu gối xây xát. Nó ngước nhìn tôi, vẫn cái nhìn có lỗi.

Về sau, cứ mỗi cái Tết qua đi, tôi lại thương nhiều hơn đôi mắt của Hạnh. Em không biết làm sao cho một người lính trẻ được vui, tình cảm đó đến chết tôi không thể nào quên được.

Về sau, như một định mệnh, các Tết lính của tôi đều là Tết xa nhà. Tết ở đảo Cái Bầu, cái Tết nắng hoi hoi, chỉ qua ngày mồng một đã hết thức ăn, tôi và Tựu vác gạo đi mươi lăm cây số đường rừng, vào bản vắng tìm nhà dân đổi chó.

Khi đi hăng hái khi về đã quá trưa, nắng gắt bụng không, đường rừng lắm dốc, con chó chừng hai chục cân dần dần nặng bằng hai tạ. Tựu hầu như đi không vững nữa, tôi vừa vác chó vừa kéo Tựu nhưng chỉ vài cây số, Tựu khuỵu xuống.

Bỗng một người đàn bà như mọc dưới đất lên: “Bộ đội đói rồi à?” rồi vắt sữa của chị để tôi hứng mấy vốc đưa Tựu uống. Chưa kịp cảm ơn, chị đã tất bật bỏ đi: “Con tao ở nhà nhớ tao rồi!” và biến mất trong rừng gỗ tạp. Tôi không biết chị người dân tộc nào, chỉ nhớ mãi đôi bầu sữa khổng lồ đã vắt đến giọt cuối cùng cho Tựu.

Chuyến du xuân đầu tiên trong đời lính từ Mông Dương về Hà Nội, cái Tết sụt sùi mưa phùn gió bấc, chín thằng lính trẻ không một xu dính túi. Thằng Đạo bảo: “Cứ thủ sẵn một đứa hai bánh xà phòng Liên Xô 72% là đủ chi tiêu, có khi còn thừa, bánh rán thuốc lá cuộn tiêu xài xả láng”.

Chúng tôi lên tàu xuống xe, hai túi quần lúc lắc hai bánh xà phòng. Người soát vé nào cũng tươi cười khi hỏi vé mà chúng tôi không có: “Bộ đội à? Về Tết à? Đi đi”. Chín thằng đứa nào cũng kiếm được một khách đi cùng sẵn sàng mở hầu bao mời cơm, mời thuốc nước.

Về đến Hà Nội vẫn còn nguyên hai bánh xà phòng, tôi tính vào chợ giời bán đi mua chút gì làm quà cho mối tình đầu. Đang đi trên đường phố Huế thì bắt gặp nàng ôm eo ngồi sau xe đạp Cuốc của một phó tiến sĩ ở Nga về, mẫu trai thời thượng những năm bảy mươi, tám mươi thế kỷ trước.

Mối tình đầu của tôi tóc dài quá gót, da trắng hồng, hoa khôi khoa Sử Đại học Tổng hợp. Tôi đứng ngây giữa mưa phùn gió bấc. Bốn thằng đi cùng, hai tay hai bánh xà phòng rượt theo chiếc xe Cuốc, ném xà phòng lia lịa vào hai người nhưng không trúng.

“Thôi tiếc làm gì! Nó có xe Cuốc, mày chỉ có hai bánh xà phòng!”. Tôi chỉ có hai bánh xà phòng thôi ư? Không, tôi còn có cả trái tim người lính trẻ. ý nghĩ ấy bây giờ có thể có người bảo là sến, là sáo nhưng kỳ thực nhờ đó tôi đã gượng dậy cùng đồng đội du xuân hết ba mươi sáu phố phường Hà Nội.

Thực tình tôi chỉ có bốn cái Tết lính, cái Tết cuối cùng nắng gắt, tôi nằm co trong bệnh viện. Ngày 26 đi kiểm sẵn sàng chiến đấu tôi bị ngã xuống chân cầu Đà Nẵng. Cô hạ sĩ y tá hai mốt tuổi, đôi lúm đồng tiền, mắt bồ câu lóng lánh như cười.

Cô dỗ tôi ăn hệt dỗ trẻ con ba tuổi. Từng thìa, từng thìa hết vỗ tay khen giỏi lại bẹo má kéo tai, và cô hát, giọng trong vắt nhưng toàn lạc nhịp. Không phải chỉ mình tôi trong phòng cấp cứu, mười chín ca cả thảy, ca nào cô cũng dỗ dành ăn hết phần mới thôi, đến ca cuối vừa giao thừa điểm.

Cô ngồi bên tôi nghe tiếng pháo ngoài đời rộn ràng, nước mắt lưng tròng, nói Tết này không ngờ thương binh nhiều thế. Nếu không cô đã được về nhà đón lễ ăn hỏi của người yêu cùng xóm. Vừa dứt lời cô gạt phắt nước mắt: “Nói rứa chứ em không ế mô anh hí!”.

Và bất ngờ hôn nhẹ lên trán tôi rồi chạy vù đi, nhảy chân sáo, kiểu trẻ con thấy mẹ chợ về. Mẹ không có, người tình cũng không, nhưng mùa xuân đã về tận cửa phòng cấp cứu. Cô gái tựa cửa nhìn ra, nhìn mãi cho đến khi trời rựng sáng.

Tôi chỉ là lính thời bình, lại là lính tên lửa “ăn trắng mặc trơn”, “lính cậu”, vừa nhập ngũ đã lên “quan”, đời lính chỉ là những tháng ngày thâm nhập thực tế vui vẻ, vất vả chẳng thấm vào đâu so với anh em cùng lứa.

Nhưng tôi lại có những kỉ niệm Tết lính, nó tồn tại như những kỉ niệm sâu bền nhất của cả đời người, đến nay vẫn còn tươi rói như vừa xảy ra hôm qua chứ không phải hai mươi lăm năm về trước.q

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.