Thách thức danh hài?

Thách thức danh hài?
TP - Ồn ào quanh bức phù điêu ở cổng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tiếp tục được xới lên. Lần này, Hiệu trưởng ngôi trường mỹ thuật danh giá lên tiếng: Theo dõi quá trình từ phác thảo ý tưởng đến khi thực hiện, ông không thấy hình ảnh mình trong đó. Đến khi tác phẩm được treo lên ông mới nhận ra song lúc đó đã muộn mất rồi, vì hội đồng chuẩn bị chấm điểm nên không thể phá bỏ. 

Hiệu phó của trường cũng lên tiếng bảo vệ hiệu trưởng, rằng: Hiệu trưởng xuất hiện trong bức phù điêu không đại diện cho cá nhân mà đại diện cho tập thể giảng viên của trường. Mới đầu, bức phù điêu này không được chọn trưng bày, song sau đó được hội đồng duyệt phác thảo đánh giá cao nên mới ra kết quả như đã thấy. Điều đáng nói, chủ tịch hội đồng chính là hiệu trưởng.

Khi ồn ào bức phù điêu gây “bão” trong dư luận, hiệu trưởng lại… biến mình thành nạn nhân: Ông tố học viên không xin phép sử dụng hình ảnh của ông, không lường trước hậu quả. Ông cũng phản pháo lại dư luận: “Nhiều người nghĩ thầy Sửu đề cao bản thân nhưng tôi không kém nhận thức đến vậy”.

Đến đây thì nhiều người theo dõi câu chuyện thông qua phản ánh của báo chí chỉ biết cười và thống nhất đề nghị Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tham gia gameshow “Thách thức danh hài” thế nào cũng “ẵm” giải cao. Một số người “soi” kỹ còn tiếp tục nhặt sạn: “Điểm nhìn của thầy hiệu trưởng trong bức phù điêu không tế nhị chút nào”.

Nhưng ngay cả sóng gió có đổ xuống thì hiệu trưởng vẫn không làm theo gợi ý của một số nhân vật tên tuổi trong nghề, dỡ bức phù điêu xuống. Ý kiến của hiệu trưởng: Không dỡ mà đề nghị tác giả bức phù điêu thay gương mặt hiệu trưởng thành người khác. Chẳng biết ai sẽ được chọn thay thế nhân vật hiệu trưởng trong bức phù điêu? Nếu là một danh họa đã khuất thì hiệu trưởng và tác giả bức phù điêu làm thế nào để xin phép sử dụng hình ảnh của người ta? Vinh danh kiểu thế chỗ ồn ào liệu có ai thích?

Nhân chuyện bức phù điêu có nhân vật hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam không ít người nhớ tới danh ca Ngọc Sơn. Ngọc Sơn sở hữu một biệt thự đắt giá. Anh đã tận dụng chốn đi về để tôn vinh mình. Bước lên cầu thang, anh để hai tấm hình ấn tượng cùng dòng chữ “King Pop” (Vua nhạc Pop), rồi hình ảnh của Ngọc Sơn với dòng chữ: “Vua nhạc sến”.

Năm 2000, Ngọc Sơn đã đầu tư 1.000 cây vàng để đúc tượng mình, đặt trước cửa nhà, gây “sốc” với dư luận. Song chỉ sau một thời gian ngắn bức tượng vàng của “vua nhạc sến” bị chính quyền yêu cầu di chuyển. Nhưng tượng vẫn là của Ngọc Sơn, thỉnh thoảng hứng chí anh lại bê tượng vàng chụp một kiểu ảnh cho khán giả thoải mái bình luận. Danh ca tự đúc tượng mình đặt trước cửa nhà, còn hiệu trưởng một trường mỹ thuật lại cho dựng bức phù điêu có nhân vật chính là mình ngay lối vào trường. Có gì đó tương hợp?

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.