Thăm nhà 'cha đẻ' của Tám Bính và Năm Sài Gòn

Thăm nhà 'cha đẻ' của Tám Bính và Năm Sài Gòn
TPO - Tám Bính và Năm Sài Gòn là hai nhân vật chính trong tiểu thuyết “Bỉ vỏ” của nhà văn Nguyên Hồng. Câu chuyện đã được chuyển thể thành phim, lên sân khấu kịch và đi vào đời sống dân gian như những điển hình của các tay anh chị. 

Tôi đến Nhã Nam, Yên Thế, Bắc Giang mấy lần nhưng đều không nhớ đường vào nhà Nguyên Hồng vì lối đi ngoắt ngoéo. Lần này, dẫn một đạo diễn đi chọn cảnh, tôi lại phải hỏi cô hàng tạp hóa. Cô thắc mắc: đã đến ngày cỗ đâu (ngày cỗ ở đây là 5/11, sinh nhật nhà văn). Người đi cùng tôi thắc mắc: cô là người nhà Nguyên Hồng? – Không, tôi bán hàng ở đây từ ngày cụ còn sống, chiều chiều cụ vẫn đi xe “cún” đến góc phố kia ngồi uống rượu thịt chó... Tác phẩm của Nguyên Hồng có khi cô bán hàng cũng chả đọc, nhưng ấn tượng về một nhà văn giản dị, dân dã đến mức xuề xoà thì hàng chục năm sau người ta vẫn nhớ.

Thăm nhà 'cha đẻ' của Tám Bính và Năm Sài Gòn ảnh 1 Căn nhà của nhà văn Nguyên Hồng ở Nhã Nam

Sinh thời, Nguyên Hồng có hai niềm đam mê lớn là viết văn và rượu. Đi đâu, làm gì, với ai nhất nhất Nguyên Hồng đều lấy “chén rượu làm quà”. Cô con gái út chẳng phải ngẫu nhiên mà được người cha đặt tên là Diệu. Anh Nguyễn Vũ Giang, người con trai thứ hai và cũng là người giống Nguyên Hồng nhất từng kể với tôi: mỗi lần có việc phải xuống Hà Nội đằng sau xe đạp của cụ bao giờ cũng phải có cái cặp táp và bi đông rượu. Thuở ấy, có giai đoạn nhà nước cấm rượu, ông cụ nghĩ ra kế cho vỏ quýt vào bi đông rồi nếu có ai hỏi thì nói dối là rượu thuốc mang theo để chữa bệnh. Yêu bố, anh Giang vốn là một dược sĩ lấy việc chế được nồi rượu ngon là thích trở thành một tay nấu rượu cừ khôi. Cũng chính người bố là người đầu tiên dạy con trai cách uống rượu suông và thưởng rượu.

Thăm nhà 'cha đẻ' của Tám Bính và Năm Sài Gòn ảnh 2 Đường vào nhà

Khi đó, anh Giang còn khỏe, còn nhớ được nhiều thâm cung bí sử của bố. Anh kể: “các nhà báo đến đây nhiều nhưng chưa ai biết chuyện yêu của ông cụ tôi đâu nhé, cũng tình tứ ghê lắm. Ngày ấy chúng tôi mới lên đây, mẹ tôi đẻ em thứ 3 phải nghỉ bán hàng xén ở nhà. Một hôm người có việc phải ra chợ thì thấy thầy tôi đi đằng trước với một cô trông tân thời lắm. Mẹ tôi thấy thế nổi cơn tam bành lên định làm cho to chuyện. Không khí gia đình rất căng thẳng thì chập tối bác Tố (nhà văn Ngô Tất Tố) chống gậy sang bảo: “cô cần gì phải làm ầm ĩ lên, anh em chúng tôi thế cả ấy mà!”. Thế là xong, mẹ tôi giận đã doạ không thèm chép bản thảo hộ thầy tôi. Chữ thầy tôi so với các bác Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Kim Lân... là xấu nhất. Thầy tôi bị lời doạ ấy cũng sợ ngang với bị cấm uống rượu và cấm viết văn.

Thăm nhà 'cha đẻ' của Tám Bính và Năm Sài Gòn ảnh 3 Nhà văn Nguyên Hồng

Là người gần gũi và hợp với cha nhất, anh Giang là người duy nhất trong 7 người con của Nguyên Hồng quyết tâm sinh cơ lập nghiệp trên mảnh đất cũ, ngôi nhà cũ ở ấp Cầu Đen còn tràn ngập hình ảnh và tinh thần của cha. Hàng năm, đến ngày giỗ bố bao giờ vợ chồng anh Giang cũng phải làm dư mười mâm. Khách thập phương nhớ đến ông về nhiều... Từ khi anh mất đi, vợ anh vẫn giữ được lệ này.

Suốt một đời văn, một lòng tận tuỵ với văn chương không đem lại cho Nguyên Hồng tài sản gì nhiều ngoài một cuộc sống đạm bạc và danh hiệu “nhà văn của những người lao động”. Gia sản Nguyên Hồng để lại cho con trai chỉ là một tủ sách chất ngất, một hòm bản thảo, cái chõng tre cũ, một cây me, một cây khế mang từ Hải Phòng về. Đến nhà ông, thấy nếp nhà Nguyên Hồng, cung cách Nguyên Hồng, tinh thần Nguyên Hồng... hầu như không thay đổi, hầu như mỗi sớm, mỗi chiều vẫn có bóng nhà văn ngồi lặng lẽ trước hiên với những trang bản thảo, lúc nào thấy bí vốn thì đạp xe cún ra thị trấn Nhã Nam “nạp năng lượng”...

Thăm nhà 'cha đẻ' của Tám Bính và Năm Sài Gòn ảnh 4 Tám Bính trên phim do Hoàng Cúc thủ vai.

Nguyên Hồng viết nhiều về cuộc sống của những người lao động nghèo ở phố thị nhưng hầu hết những tác phẩm ấy lại được thai nghén và ra đời ở ngôi nhà nhỏ trên ấp Cầu Đen. Giai đoạn cuối đời, Nguyên Hồng còn dự định viết ba tập tiểu thuyết đồ sộ có tên “Núi rừng Yên Thế” để trả ơn vùng đất “khai sơn phá thạch” đã “dung” ông, gia đình ông, nhưng không kịp... Một buổi sáng tháng Tư, Nguyên Hồng vẫn còn chuẩn bị đồ đạc cho cô con gái yêu xuống Hà Nội học, buổi chiều con gái đã nhận được tin cha mất. Dự định trả nợ Yên Thế không xong, Nguyên Hồng chỉ kịp lấy những tên địa danh của Bắc Giang: Nhã Nam, Yên Thế... đặt cho hai con gái và cùng với người vợ tảo tần mãi mãi nằm lại một ngọn đồi nhỏ gần ấp Cầu Đen.

Thăm nhà 'cha đẻ' của Tám Bính và Năm Sài Gòn ảnh 5 Tám Bính (Thu Hà) và Năm Sài Gòn (Trung Hiếu) trên sân khấu kịch

Cái tên Nguyên Hồng bây giờ gần như trở thành một “đặc sản” của Bắc Giang. Một thương nhân rất tự hào: “đã đến thăm mộ nhà văn Nguyên Hồng” khi được hỏi: anh nhớ gì ở Bắc Giang?... Cũng như nhiều người dân ở đây, hàng chục qua đi nhưng trong ký ức họ vẫn có một ông nhà văn mặc áo nâu, đi guốc mộc, nói tiếng Pháp với bà Ba Thế “như gió cuốn mây bay”, và ông nhà văn ấy là cha đẻ của Tám Bính với Năm Sài Gòn...

MỚI - NÓNG