Thăng hoa thành phố rồng bay

Thăng hoa thành phố rồng bay
TP - Công nghệ ánh sáng, lượng người tham gia, công phu của người dàn dựng… hứa hẹn làm nên đêm hội văn hóa, nghệ thuật xứng tầm kỷ niệm thành phố ngàn năm tuổi - theo nhạc sĩ Trọng Đài - tổng đạo diễn Đêm hội 10 - 10 tại Mỹ Đình, Hà Nội.
Thăng hoa thành phố rồng bay ảnh 1

Đêm tổng duyệt (ngày 6-10) phần nào cho thấy quy mô hoành tráng của đêm nghệ thuật, anh có thể hé lộ thêm những điều đặc biệt trong đêm bế mạc?

Nhạc sĩ Trọng Đài
Nhạc sĩ Trọng Đài.

Những hiệu ứng về âm thanh, ánh sáng công nghệ cao được hoàn thiện đến ngày biểu diễn, được làm ngày đêm, đặc biệt về đêm với phần công nghệ ánh sáng. Tâm thế của người tham gia lễ hội, từ người biểu diễn đến khán giả khiến cuộc trình diễn hội tụ nhiều cung bậc tình cảm.

Anh sử dụng những yếu tố xuyên suốt nào trong chương trình?

Thứ nhất là sắc màu liên quan đến phục trang, trình chiếu ánh sáng trên toàn bộ mặt sân. Mỗi chương, trường đoạn chúng tôi đều có những màu sắc chủ đạo. Ví dụ như đời Trần có màu vàng, liên tưởng đến Phật giáo, đời Lê có màu xanh liên tưởng đến truyền thuyết vua Lê trả gươm, thời Quang Trung có sắc màu hoa mai, hoa đào.

Tiếp đến là sử dụng âm nhạc, trên cơ sở nhạc dân gian Việt Nam kết hợp nhạc hiện đại.

Anh có thể nói rõ hơn chủ đề của đêm văn hóa nghệ thuật bế mạc?

Chủ đề đương nhiên là về ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, chúng tôi nhấn mạnh ba điều. Thứ nhất là thời khắc dời đô, hay là thời khắc của “quyết định trọng đại”. Tiếp đến là quá trình lịch sử của thủ đô ngàn năm văn hiến. Sau cùng là Hà Nội của hôm nay. Từ ba ý tưởng xuyên suốt đó, chúng tôi xây dựng một chương trình gắn chặt với tiêu chí nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.

Thăng hoa thành phố rồng bay ảnh 3
Một cảnh trong đêm hội 10 - 10 tại Mỹ Đình(tổng duyệt).
Một cảnh trong đêm hội 10 - 10 tại Mỹ Đình(tổng duyệt).. Ảnh: Hồng Vĩnh

Sân khấu ở sân vận động Mỹ Đình khá rộng, anh tổ chức dựng như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?

Có bốn không gian: Sân cỏ, sân khấu tròn (có sử dụng kỹ thuật nâng-hạ), sân khấu triền đê, màn hình projector trên khán đài B. Nhiệm vụ của chúng tôi là kết hợp bốn không gian này một cách hài hòa. Chúng tôi coi trọng tính phức điệu (thời gian, hình ảnh, nội dung).

Trong màn khai hội của triều đại Lý, đồng loạt ở bốn không gian là không khí lễ hội dân gian hoành tráng, tưng bừng. Hoặc như màn Hà Nội mùa thu là những tà áo dài Hà Nội được trình diễn ở các vị trí khác nhau. Trên màn hình là clip video gợi về một mùa thu Hà Nội.

Ảnh: Xuân Phú
Ảnh: Xuân Phú.

Chương trình của chúng tôi đưa người xem qua quá trình lịch sử 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nên chúng tôi phải có giải pháp thay đổi không gian cho phù hợp với nội dung kịch bản.

Ngoài các ca khúc quen thuộc, có yếu tố mới nào trong phần ca khúc Hà Nội?

Những âm hưởng về Hà Nội qua những bài ca năm tháng được tái hiện trong phần trình diễn. Người ta nghe âm hưởng của Người Hà Nội, Tiến về Hà Nội, Hà Nội niềm tin và hi vọng, Hà Nội đêm trở gió… Phần hợp xướng kết thúc mới thu thanh là Bài ca tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội, như khơi gợi, hội tụ cảm xúc và lòng tự hào của mọi người về đêm hội.

Đêm hội kỷ niệm nghìn năm

Đêm hội văn hóa - nghệ thuật đặc biệt mừng đại lễ Nghìn năm Thăng Long do NSƯT Nguyễn Trọng Đài làm tổng đạo diễn, kịch bản Nguyễn Khắc Phục, với sự tham gia của 7.000 vận động viên và diễn viên. Tái hiện câu chuyện về thành phố rồng bay, kịch bản gồm ba chương: chương I-Quyết định trọng đại, chương II-Hào khí Thăng Long-Tinh hoa nghìn năm văn hiến, chương III-Thời đại Hồ Chí Minh-Ngày hội non sông-Thông điệp thành phố vì hòa bình.

MỚI - NÓNG